Diễn đàn năng lượng

Điện gió vẫn chưa lộng gió

Thứ ba, 5/7/2016 | 10:59 GMT+7
Dù đòi hỏi vốn đầu tư cao, giá thu mua điện gió tại Việt Nam lại gần như thấp nhất thế giới.

Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: baobaclieu.vn
 
Nhà máy điện gió Bạc Liêu có diện tích gần 500 ha, vốn đầu tư khoảng 5.200 tỉ đồng, do Công ty Công Lý (Cà Mau) làm chủ đầu tư, là dự án quy mô nhất cả nước trong ngành điện gió. Sau khi hoàn thành, 62 tua-bin của dự án sẽ có tổng công suất trên 99 MW, sản xuất ra 320 triệu kWh điện/năm hòa vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, đây là số ít dự án “dũng cảm” khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió.
 
Bản đồ tiềm năng gió của World Bank thực hiện tại 4 nước Đông Nam Á từng cho thấy tiềm năng gió ở độ cao 65 m của Việt Nam là lớn nhất khu vực, quy đổi ra công suất điện có thể lên đến 513.360 MW. Theo một số chủ đầu tư nhiều kinh nghiệm, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu gió mùa, có hơn 3.000 km bờ biển đón gió quanh năm. Ninh Thuận, Bình Thuận ở khu vực miền Trung và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu thuộc đồng bằng sông Cửu Long có lượng gió tự nhiên thuận lợi nhất để phát triển ngành năng lượng này.
 
Mới đây, Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ và Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết hợp tác phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo đó, hai bên sẽ cùng phát triển ít nhất 1.000 MW điện từ các trang trại điện gió mới cho tới năm 2025. GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tua-bin gió, với tổng công suất trên 99 MW điện.
 
Quyết định 37 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió, ưu đãi về vốn đầu tư, đất đai, thuế nhập khẩu… thổi bùng lên cơn sốt đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ trong vài tháng, số lượng dự án điện gió được đăng ký đã hơn con số 50. Tuy nhiên, số dự án đi từ giấy ra thực tiễn lại chưa đến 10%. Cùng với Bạc Liêu, các công trình ở Tuy Phong, đảo Phú Quý (Bình Thuận) là những dự án ít ỏi đi vào sản xuất, cho tổng công suất điện gió 114 MW, chỉ chiếm 0,3% trong tổng công suất điện cả nước năm 2015 (trên 37.000 MW).
 
Với vốn đầu tư cao (2-2,5 triệu USD/MW), giá điện gió tại Việt Nam gần như thấp nhất thế giới. Với mức giá này, ước tính thời gian thu hồi vốn của dự án điện gió tại Bạc Liêu có thể lên đến 20 năm.
 
Làm thế nào để Việt Nam nâng tổng công suất điện gió lên 1.000 MW vào năm 2020 và 6.200 MW vào năm 2030 (chiếm lần lượt 0,7% và 2,4% trong tổng công suất điện) như mục tiêu đã đặt ra? Đây là một bài toán khó khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió còn quá nhiều rào cản.
 
Hiện nay, Chính phủ đã tài trợ 1 cent trong mỗi 7,8 cent thu mua điện gió. Theo kiến nghị của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), giá thu mua điện gió hợp lý ở Việt Nam nên nâng lên 10,4 cent/kWh. Mặt khác, một dự án điện gió công suất trung bình 50-100 MW, cần vốn đầu tư từ 100-200 triệu USD, tương đương vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại. Con số này gần như vượt ngoài khả năng cho vay của các ngân hàng trong nước nên các chủ đầu tư phải gõ cửa ngân hàng nước ngoài. Nhưng nhiều ngân hàng vẫn thận trọng với các hồ sơ vay vốn phát triển điện gió. “Có ngân hàng nước ngoài còn yêu cầu có được bảo lãnh của Chính phủ trong bộ hồ sơ vay vốn, nhưng một công ty tư nhân làm sao có được bảo lãnh này?”, một chủ đầu tư dự án điện gió cho biết.
 
Rào cản tiếp theo về phát triển điện gió, theo ông Đặng Quốc Toàn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng AsiaPetro, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về năng lượng tái tạo. Một ngành năng lượng mới ra đời tất nhiên sẽ phát sinh xung đột với các ngành đã tồn tại hàng chục năm nếu không được quản lý bằng hệ thống văn bản hiệu quả. 
 
Là chủ đầu tư dự án điện gió đặt tại Sóc Trăng có công suất giai đoạn 1 là 30 MW với mức đầu tư 76 triệu USD, ông Phạm Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Cường, cho biết hãng Apple (Mỹ) từng đặt vấn đề thu mua trực tiếp điện gió từ dự án của Công ty. Thế nhưng, cơ chế mua bán điện hiện nay chưa cho phép hình thức bán điện trực tiếp này do giá điện hiện tại của Việt Nam tương đối thấp.
 
Song, về lâu dài, yêu cầu điện không chỉ xem xét giá mà còn tính đến chất lượng. Không riêng Apple, nhiều tập đoàn toàn cầu đang có nhu cầu sử dụng điện sạch từ năng lượng tái tạo để đảm bảo nghĩa vụ trách nhiệm xã hội (CSR) và được cắt giảm nhiều loại thuế. Một số doanh nghiệp FDI từng cho biết sẵn sàng chi thêm 15% cho điện năng để có được nguồn điện sạch và ổn định. 
 
Hiện nay, trong tổng công suất điện, thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 26%, nhiệt điện khí 31%, điện nhập khẩu 1,4% và từ năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối…) chưa đến 0,6%. Nguồn than dự trữ đang giảm, nhập khẩu than để sản xuất điện là việc bắt buộc phải xảy ra từ năm 2017. Đầu tư cho các nguồn năng lượng sạch, dù tốn kém và khó khăn nhưng khi đi vào vận hành thì áp lực nhẹ hơn nhiều ngành sản xuất khác, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện chỉ tăng chứ không giảm. Đây có thể là viễn cảnh mà số ít các nhà đầu tư điện gió vẫn đang cố bám trụ với ngành này.
 
 
Theo: Nhịp cầu đầu tư