Một kiểu lò hạt nhân an toàn. Nguồn: www.nei.org
Đã 20 năm trôi qua kể từ sự cố Chernobyl.
Thời gian cũng khá đủ để làm vơi dần nỗi lo Chernobyl, nhưng điều chủ yếu vẫnlà sự vận hành khá an toàn của hàng trăm lò phản ứng rải rác trên thế giới trong hai mươi năm đó. Quan trọng hơn nữa là từ bài học nhức nhối này, các nhà công nghệ hạt nhân trên thế giới đã tiến hành nhiều biện pháp công nghệ khác nhau nhằm nâng cao cấp độ an toàn cho các lò phản ứng.
Phát triển công nghệ, vãn hồi niềm tin
Những lí do trên dần dần đem lại niềm tin cho dân chúng đối với công nghệ ĐHN. Còn bản thân ngành ĐHN cũng có điều kiện củng cố sự tự tin để tiếp tục tiến về phía trước, sau cuộc trường chinh hơn nửa thế kỷ, qua những bước nhảy thần tốc và cả những vấp ngã tưởng không vực dậy nổi.
Và bây giờ, thúc đẩy thêm chiều hướng phát triển ĐHN chính từ sức ép giảm mạnh mức độ ô nhiễm bầu khí quyển bởi khí thải “lồng kính”.
Cổ vũ thêm nhiều quốc gia đến với ĐHN còn là mối lo lắng về sự vơi cạn nhanh chóng của các nguồn năng lượng hóa thạch trên trái đất và triển vọng còn khá xa của việc khai thác có hiệu quả kinh tế các nguồn năng lượng sạch mới, như năng lượng gió, năng lượng mặt trời…. Thật có lý khi nhiều nhà phân tích cho rằng xu hướng phát triển ĐHN đã đến lúc khó cưỡng lại được từ nay cho đến nửa thế kỷ XXI này.
Trong thực tế, từ đầu thế kỷ XXI, và đặc biệt trong một vài năm gần đây, mọi người dường như đều cảm nhân được sự chuyển động ngày mỗi mạnh mẽ hơn trong chính sách và thực tiễn phát triển ĐHN của một loạt quốc gia trên thế giới, từ những cường quốc hạt nhân Âu Mỹ đến những nước mới bước vào con đường ứng dụng năng lượng hạt nhân.
Nhiều quốc gia đang tái khởi động chương trình phát triển điện hạt nhân . Nguồn: www.guardian.co.uk
Sự chuyển động của nước Mỹ, cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới có nghĩa lớn đối với thế giới.
Cách đây hai năm, chính quyền của Tổng thống Bush lo ngại về sự phụ thuộc vào dầu lửa Trung Đông nên đã phát động chiến dịch nhằm khuyến khích các trung tâm nghiên cứu hạt nhân nguyên tử xây dựng một thế hệ các lò phản ứng hạt nhân mới vào cuối thập kỷ này.
Nhiều nước tái khởi động điện hạt nhân
Ngay trong “Tầm nhìn 2020” của Mỹ về phát triển ĐHN, Chính phủ Bush đã cho xây dựng 7 lò mới để bổ sung thêm 10.000MW điện. Số lò phản ứng đang hoặc sẽ đưa vào kế hoạch xây dựng lên đến con số 30. Ngoài ra, các nhà quản lý hạt nhân của Mỹ còn cho phép các lò phản ứng được đưa vào sử dụng vào những năm 70-80 tăng thời hạn phát điện thêm 20 năm nữa.
Mỹ - một nước phát triển mạnh điện hạt nhân. Trong ảnh: Số nhà máy điện hạt nhân dày đặc ở nước Mỹ. Nguồn: http://www.solcomhouse.com
Sự kiện đó hâm nóng thị trường điện hạt nhân của các công ty lớn trên thế giới, như Areva (Pháp), British Nuclear Fuels v.v… Chính sách hạt nhân của Mỹ còn xoá đi nhiều rào cản, tạo thuận lợi cho nhiều nước đi vào quỹ đạo điện hạt nhân.
Nghị viện châu Âu, cuối năm vừa qua, đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết cho rằng “năng lượng hạt nhân” là tuyệt đối cần thiết để cho EU đáp ứng nhu cầu điện năng cơ bản trung hạn. Xu hướng đó đã thể hiện bằng hành động thực tế của một loạt nước. Ở Tây Âu, Vương quốc Anh, một trong những nước đầu tiên có nhà máy ĐHN, đã quyết định tái khởi động chương trình ĐHN. Nước này đã phê chuẩn kế hoạch xây dựng một thế hệ nhà máy điện hạt nhân mới. Các nhà máy thế hệ mới sẽ thay thế cho những nhà máy đang hoạt động và dự kiến sẽ hết hạn sử dụng vào những năm 2030.
Ở nước Pháp, các nhà công nghiệp hàng đầu như Areva và EDF, ngoài hai thị trường lớn hiện nay là Mỹ và Trung quốc, đang chuẩn bị một làn sóng đầu tư vào thị trường của thế giới A rập.
Ở Bắc Âu, tại Phần Lan, một nhà máy điện hạt nhân mới đang được xây dựng. Đây là lò phản ứng hạt nhân được xây dựng mới đầu tiên ở Tây và Bắc Âu kể từ năm 1991.
Ở châu Á, Trung Quốc, trước nhu cầu điện năng rất cao, đang gấp rút xây thêm 30 nhà máy điện hạt nhân bên cạnh 11 nhà máy đang hoạt động.
Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, Mỹ. Nguồn: http://www.atomicarchive.com
Nhiều nước đang phát triển như Argentina, Brazil và Nam Phi đang dự tính mở rộng hoạt động các nhà máy có sẵn. Các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libya... đang xem xét việc xây dựng các lò phản ứng năng lượng đầu tiên của mình.
Trên toàn thế giới, dự kiến trong thập niên tới sẽ tăng khoảng 100 lò phản ứng năng lượng, các lò này hoặc đang xây hoặc đã đưa vào kế hoạch xây dựng. Khoảng 200 lò khác đang xem xét đưa vào kế hoạch xây dựng trong 20-30 năm tới.
Dự kiến từ nay đến giữa thế kỷ, công suất ĐHN toàn cầu sẽ tăng từ 372.000 MW hiện nay lên đến 1.000.000 MW, và tỷ trọng sản lượng ĐHN sẽ đạt đến con số 19% tổng sản lượng điện toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ ĐHN tương ứng ở một số nước, theo ước tính, sẽ là: Mỹ: 50%; Pháp: 85%; Nhật Bản: 60%; Hàn Quốc: 70%; Trung Quốc: 30%; Indonesia:40% và Thái Lan, Philipin, Malaysia, Việt Nam: 20%. Đến giữa thế kỷ, công suất ĐHN toàn cầu sẽ tăng từ 372.000 MW hiện nay lên 1.000.000 MW...
Dĩ nhiên còn nhiều âu lo và đòi hỏi đang ở phía trước của ngành công nghiệp điện hạt nhân. Tính an toàn của lò phản ứng hạt nhân năng lượng cần phải được nâng cao và hoàn thiện hơn nữa. Văn hoá an toàn công nghiệp, một trong những điều kiện bảo đảm không để tái diễn những thảm hoạ hạt nhân, cần phải được đặc biệt chú ý, đặc biệt đối với các nhân viên vận hành các nhà máy ĐHN. Các công nghệ xử lý và chôn cất chất thải hạt nhân cần phải giải quyết, trong vòng ba bốn thập kỷ tới.
Dù vậy, qua những chuyển động đã nhìn thấy trong chính sách và trong thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới những năm gần đây và trước những tai họa nhãn tiền của sự biển đối khí hậu của trái đất hiện nay, điện hạt nhân rõ ràng đã vượt qua thời kỳ ảm đạm và đang được hồi sinh.