Điện hạt nhân – tầm quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng

Thứ hai, 28/12/2015 | 13:58 GMT+7
Trong xu thế cả thế giới đối phó với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống, hiện nay điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đại diện Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án.

Đặc biệt, yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sử dụng công nghệ nhà máy điện hạt nhân từ các nước tiên tiến sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa phát triển.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư ​tiến sỹ Pavel A.Belousov - Đại học Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Nga – MEPhI về những thông tin liên quan khi Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của điện hạt nhân trong đảm bảo an ninh năng lượng?

Ông Pavel A.Belousov: Có thể nói năng lượng nguyên tử là một phần “lẽ sống” khi cơ cấu nguồn điện trên thế giới vẫn có một phần đóng góp thích đáng của điện hạt nhân.

Sau sự cố rò rỉ phóng xạ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra vào năm 2011, một số quốc gia chưa có điện hạt nhân tỏ ra lo ngại khi phát triển điện hạt nhân hoặc tạm dừng kế hoạch phát triển điện hạt nhân nhưng những quốc gia theo đuổi các dự án điện hạt nhân vẫn tích cực triển khai các dự án bởi tính ưu việt của điện hạt nhân như: không phát thải CO2, giải pháp kinh tế tối ưu, nguồn năng lượng sạch… Thậm chí, lò phản ứng hạt nhân đã được cải tiến để khử mặn nước biển thay vì nước sạch như trước đây và những thế hệ lò mới còn sản xuất hydro nhằm cung cấp nhiên liệu cho phương tiện giao thông năng lượng sạch.

Xin được nói về lịch sử phát triển công nghệ hạt nhân của Nga, công nghệ VVER - lò phản ứng nước áp lực VVER đầu tiên, công suất 210 MW khởi động năm 1964 tại Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh (Liên Xô cũ). Đặc biệt, hai lò phản ứng VVER-440 tại Armenia vẫn hoạt động bình thường ngay cả trong trận động đất Spitak năm 1988; do đó có thể nói mức độ an toàn của công nghệ lò phản ứng VVER cao.

VVER là một trong những cấu hình thành công nhất nhằm tạo ra một lò phản ứng điện hạt nhân an toàn và hiệu quả. Lò phản ứng VVER do Nga thiết kế tiếp tục cung cấp điện năng trên khắp thế giới. Hiện tại 57 lò phản ứng VVER thế hệ mới nhất đang vận hành tại 19 nhà máy điện hạt nhân trên 11 quốc gia gồm các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc.

Như tôi được biết, Việt Nam vẫn thiếu điện và đó là lý do các bạn tính đến điện hạt nhân. Điện và giao thông đi đến đâu, văn minh sẽ tới đó, mọi quốc gia đều nhận thức rõ ràng câu chuyện của an ninh năng lượng.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên và đã chọn Nga là đối tác cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, xin ông đánh giá về mức độ tin cậy của công nghệ phía Nga cung cấp cho Việt Nam?

Ông Pavel A.Belousov: Tôi cho rằng Việt Nam chọn công nghệ lò phản ứng VVER cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên là hết sức phù hợp. Qua quá trình tìm hiểu, tôi nhận thức rõ suy nghĩ của người dân Việt Nam nói chung cũng như người dân vùng dự án vẫn băn khoăn, trăn trở với mức độ an toàn của điện hạt nhân. Nhưng từ thực tế phát triển điện hạt nhân của Nga, tôi khẳng định rằng, trong phát triển điện hạt nhân điều “lo lắng” nhất chính là yếu tố con người - đội ngũ vận hành mới là mấu chốt của vấn đề. Các chuyên gia, công nhân vận hành đều trách nhiệm, thuần thục và được định hướng đầy đủ thì chẳng có lý do gì phải ngần ngại khi phát triển điện hạt nhân.

Điện hạt nhân xứng đáng được ưu tiên trong nỗ lực tăng trưởng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng mà các chính phủ mọi quốc gia đang theo đuổi. Bởi vậy, tôi mong rằng, mỗi người dân Việt Nam mỗi ngày hãy dành thêm một chút thời gian để tìm hiểu về loại năng lượng vừa cũ lại vừa mới này. Trải qua thời gian làm việc ở hàng chục nhà máy điện hạt nhân khắp thế giới tôi thấy rằng, thực tế người dân ở địa phương đặt nhà máy lại ít lo lắng nhất, do đó cần nâng cao nhận thức về năng lượng hạt nhân nói chung và mức độ tin cậy của thế hệ lò phản ứng mới nhất của Rosatom.

Rosatom là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga, với quy mô gồm 400 công ty công nghiệp hạt nhân và các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Với 70 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạt nhân, Rosatom hoạt động trên quy mô toàn cầu mang đến các dịch vụ hạt nhân toàn diện từ làm giàu uranium đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Rosatom đứng số 1 thế giới trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân, triển khai thực hiện dự án xây dựng 9 lò phản ứng tại Nga và 30 lò phản ứng ở nước ngoài. Rosatom vận hành 26,3GW công suất điện hạt nhân tại 34 lò phản ứng ở Nga. Rosatom cũng giữ 36% thị trường làm giàu uranium toàn cầu và 17% thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu.

Ông có nói rằng trong phát triển điện hạt nhân điều “lo lắng” nhất chính là yếu tố con người - đội ngũ vận hành mới là mấu chốt, vậy ông có thể thông tin về gần 300 cán bộ và sinh viên Việt Nam đang được đào tạo tại Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI)?

Ông Pavel A.Belousov: Đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPhI) là trường đại học hạt nhân hàng đầu ở Nga thành lập vào năm 1942. MEPhI quy tụ 11 trường cao học và 13 trường đại học với hơn 32.000 sinh viên và hơn 1.500 giáo sư và phó giáo sư. MEPhI cung cấp hơn 100 chương trình giáo dục trong hơn 25 lĩnh vực cho đào tạo cử nhân và chuyên gia. Hơn 75% các giáo sư đại học có bằng tiến s​ỹ. Khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp MEPhI làm việc cho Rosatom. Hiện nay MEPhI đào tạo sinh viên đại học và cao học từ Việt Nam, Indonesia, Jordan, ​Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và nhiều nước khác.

Như mọi thế hệ sinh viên đã từng học tập tại Liên Xô cũ và Nga bây giờ, các bạn rất thông minh và nhạy bén với thay đổi của công nghệ. Họ biết cách học và biết cách tự định hướng cho mình ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Những học viên xuất sắc của Việt Nam theo học tại đây, sẽ có niềm tin vững chắc và hoàn toàn đủ sức thay thế đội ngũ chuyên gia Nga và dần làm chủ công nghệ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn ông!.
Theo: TTXVN