Anh Trần An với một trong những loại đèn led sử dụng năng lượng mặt trời do anh tự lắp ráp từ năm 2010.
Ngôi nhà của anh Trần An tại phường Thanh Bình (quận Hải Châu, Đà Nẵng) chưa bao giờ mất điện, kể cả bão lũ lớn. Thậm chí, cả thành phố cúp điện nhưng nhà anh vẫn luôn sáng đèn, các thiết bị dùng điện vẫn hoạt động bình thường, wifi vẫn chạy ro ro. Đó là nhờ niềm đam mê nghiên cứu, lắp đặt các thiết bị năng lượng của anh.
Đến thăm nhà anh, ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước vào phòng là đèn tự động bật sáng, bước ra khỏi phòng, đèn tự động tắt. Anh cho biết đã sử dụng cảm biến chuyển động (thị trường dùng loại 220V), còn anh mày mò chế tạo để chuyển qua dùng ở mức điện áp 12V DC và làm ra những bóng đèn hoạt động theo cơ chế tự bật khi sử dụng và tự tắt mỗi khi không dùng đến. Trong gia đình anh, toàn bộ các bóng đèn, ti vi trong gia đình, đều chuyển về dùng ở mức điện áp 12V DC. Chỉ riêng việc này đã giúp giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm tới 40 %.
Tạo ra điện từ nắng và gió
Anh An cũng đã chế tạo thành công hệ thống tích hợp năng lượng và hệ thống hòa lưới điện giữa năng lượng thiên nhiên và điện nguồn để sử dụng cho cả nhà.
Trước năm 1975 anh Trần An là thợ may chính hiệu. Sau năm 1975 anh vào làm việc ở ngành Điện, được cử đi bồi huấn nghề điện. Anh có gần 30 năm công tác tại Tổ xử lý sự cố, Phân xưởng đường dây (nay là Điện lực Hải Châu). Từ năm 2006 theo nguyện vọng của bản thân, anh được lãnh đạo bố trí làm công tác bảo vệ của Công ty. Công việc mới này phù hợp với sức khỏe, mặt khác trực theo ca kíp nên có thêm thời gian để anh theo đuổi đam mê của mình.
Ngoài giờ làm việc và những ngày nghỉ, anh bỏ nhiều công sức để tìm mua lại những tấm pin năng lượng mặt trời, bình ắc quy, quạt …đã hư hỏng từ những cửa hàng đồ cũ và phế liệu về tháo gỡ, tận dụng, lắp ráp thành sản phẩm mới, sử dụng tốt. Sau nhiều tháng miệt mài thử nghiệm và gặp thất bại việc sạc pin từ nguồn năng lượng thiên nhiên, lúc không sạc được, lúc lại sạc quá "no" làm nổ pin, nhưng anh không nản chí. Anh đã nghiên cứu làm bộ điều khiển sạc để biết chính xác khi sạc nguồn năng lượng bao nhiêu vôn (V), khi đầy tự động ngắt. Nhờ vậy mà từ tấm pin, năng lượng thu được sẽ chuyển qua bộ điều khiển sạc để xử lý, sau đó truyền về bình ắc quy để cung cấp cho các thiết bị điện.
Những tấm pin thu năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà anh Trần An.
Trên mái nhà, anh lắp đặt nhiều tấm pin năng lượng mặt trời tái sử dụng từ vật tư cũ. Mùa hè nắng nóng, nguồn điện nhà anh luôn dư dả. Anh còn lắp đặt trên sân thượng một chiếc quạt gió để thu năng lượng gió về mùa mưa. Có sẵn năng lượng tự nhiên nên quanh năm gia đình anh thoải mái dùng điện. Toàn bộ các bóng đèn, ti vi trong gia đình, anh thay thế công suất chuyển về dùng ở mức điện áp 12V DC phù hợp với công suất của bình ắc quy sạc được. Thực tế nhiều năm qua, gia đình anh chưa bao giờ…mất điện. Đặc biệt, năm 2013 toàn thành phố mất điện do sức tàn phá nặng nề của cơn bão Hayang nhưng gia đình anh vẫn có điện dùng từ nguồn năng lượng tích trữ qua ắc quy, ngoài ra còn bổ sung nguồn năng lượng thu nạp thêm rất lớn từ gió bão. Nguồn điện từ năng lượng thiên nhiên nói trên đã giúp cho nhiều gia đình trong khu vực sử dụng cho đến khi khôi phục được điện lưới. Riêng những thiết bị có công suất lớn hơn như máy quạt, tủ lạnh, điều hòa anh nghĩ ra cách dùng bộ biến tần bán dẫn (inverte) chuyển đổi từ 12V DC thành 220V AC để sử dụng. Chỉ cần cắm thiết bị vào inverter, đấu nối với bình ắc quy thì có thể khởi động dễ dàng, hoàn toàn không lo điện giật hoặc mất điện. Tiện lợi hơn là có thể đem máy khoan, máy cắt đến bất kỳ nơi đâu để làm việc mà không e ngại về nguồn điện. Tất cả các thiết bị thu nạp năng lượng trong gia đình đều do anh tận dụng, chế tạo, lắp đặt từ những thiết bị cũ nên chi phí rất thấp, khoảng 1,5 triệu đồng.
Hòa lưới điện tại gia đình
Dù có nguồn năng lượng tự nhiên từ mặt trời và gió nhưng anh An chỉ áp dụng cho những thiết bị điện có công suất nhỏ. Để đồng bộ năng lượng cho tất cả các thiết bị điện trong nhà, cần lắp đặt thêm nhiều công cụ, chi phí rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, anh đã nghiên cứu, kết hợp công nghệ, lắp đặt thành công bộ hòa lưới điện tại nhà (hòa năng lượng tự nhiên vào nguồn điện lưới) bằng cách lắp đặt thêm tấm pin, bộ hòa lưới, đồng hồ, công tắc điều khiển. Anh cho biết: “Nguồn điện nhà tôi sử dụng 200W, khi lắp đặt hệ thống hòa lưới thì đưa vào nguồn năng lượng tự nhiên từ 120W trở lên giúp tiết kiệm ít nhất 60 % năng lượng điện”. Thực tế, gia đình anh mỗi tháng dùng thả ga nhưng chỉ trả khoảng trăm ngàn tiền điện.
Chế tạo thành công đèn Led
Sáng kiến tiếp theo là anh đã tự chế đèn Led để sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà mình đã lắp đặt. Năm 2010 đèn Led do anh tự chế được sử dụng trong gia đình mình thì đến năm 2012 thiết bị này mới xuất hiện trên thị trường. Tuổi thọ trung bình của thiết bị này lên đến 30.000 giờ trong khi bóng đèn bình thường ở ngoài thị trường chỉ 10.000 giờ. Toàn bộ đèn chiếu sáng trong nhà anh đều sử dụng đèn Led tự chế tạo. Loại đèn này được anh lắp đặt thành đèn đơn hay thành đèn nhiều chuỗi. Thú vị hơn anh còn chế tạo ra bộ điều khiển từ xa để bật, tắt các bóng đèn (bật một hay nhiều đèn trong cùng một chuỗi đèn). Bộ điều khiển dùng chung cho cả nhà và từng phòng. Ngoài ra từng phòng vẫn có bộ điều khiển bật, tắt đèn riêng.
Thiết bị của anh khi sử dụng đảm bảo độ an toàn cao bởi anh đã chế tạo thiết bị kiểm tra độ an toàn của hệ thống. Khi có sự cố pin chập, đèn chập thì hệ thống cầu chì tự cắt đảm bảo an toàn, không xảy ra tai nạn.
Nhân rộng mô hình tiết kiệm năng lượng
Anh Trần An bên chiếc quạt gió (thu năng lượng gió) do anh tự lắp đặt tại nóc nhà mình.
Tiếng lành đồn xa, những sáng chế độc đáo, thông minh của anh đã được nhiều người biết đến. Anh đã nhân rộng mô hình này không chỉ ở những gia đình thân quen mà còn mở rộng ra một số địa phương khác như Quảng Ngãi, Gia Lai. Một số khách sạn, nhà hàng, quán cà phê đã nhờ anh tư vấn, lắp đặt các thiết bị sạc năng lương tự nhiên, hòa lưới cho các bảng quảng cáo, bóng đèn chiếu sáng. Đặc biệt là bộ sạc năng lượng tự nhiên cho wifi (khi mất điện wifi vẫn hoạt động) do anh chế tạo được. Anh Nguyễn Văn Vinh, chủ rẫy cà phê rộng 2,5 ha tại huyện H.Kbang, Gia Lai, cho biết, khu rẫy nhà anh chưa có điện phải dùng máy nổ, mỗi ngày tốn 250 nghìn tiền dầu (mỗi tháng tốn 7,5 triệu đồng, mỗi năm tốn 90 triệu đồng). Thông qua một người bạn, anh An đã lắp đặt hệ thống tích hợp năng lượng thiên nhiên nên có điện thắp sáng toàn bộ khu rẫy với 12 đèn Led, được xem ti vi suốt ngày đêm trong khi chi phí chỉ 20 triệu đồng. Anh Vinh phấn khởi chia sẻ:“ Bây giờ gia đình mình sướng lắm, được dùng năng lượng sạch, an toàn, hàng tháng khỏi phải lo trả tiền dầu chạy máy nổ”.
Tháng 8.2015, tự vệ Trần An được Trung tướng Nguyễn Long Cảng, Tư lệnh Quân khu 5 cấp Giấy chứng nhận sáng kiến xếp loại I Hội thi sáng tạo kỹ thuật lực lượng vũ trang. Anh là tác giả của sáng kiến: Điều khiển bắn tỉa di động bằng điều khiển từ xa, tự động báo trúng mục tiêu bằng tín hiệu đèn sử dụng năng lượng mặt trời.
Ngày 01.10.2015, anh Trần An là 01 trong 06 tác giả có giải pháp sáng kiến trong hoạt động môi trường, được Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) lựa chọn trong tổng số 40 tác giả để thực hiện chương trình“Sống xanh - ai là chuyên gia”. Giải pháp tiết kiệm điện bằng năng lượng tái tạo tại gia đình anh đã tiết kiệm được từ 60 đến 80 % (tương đương 600 ngàn đến 800 ngàn đồng tiền điện mỗi tháng). Giải pháp tận dụng phế liệu để tạo ra năng lượng sạch, lắp đặt thiết bị điều khiển không dây thay thế các mạch điện và công tắc sử dụng trong nhà của anh được Ban giám khảo đánh giá là phù hợp với tiêu chí của chương trình “sống xanh”. Đặc biệt Ban giám khảo đánh giá cao tính độc đáo của giải pháp là đảm bảo hoạt động liên tục cho thiết bị camera giám sát an ninh, hệ thống báo cháy, chống trộm và ánh sáng khi có sự cố mất điện lưới. Qua đó mong muốn tác giả tiếp tục hoàn thiện để biến giải pháp trở thành sản phẩm sử dụng rộng rãi, được thương mại hóa nhằm lan tỏa môi trường “sống xanh” trong cộng đồng.
Không chỉ là tiết kiệm điện cho gia đình, người thân và những người xung quanh, mô hình trên là sự nhân rộng ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng. Đó chính là niềm đam mê, tâm huyết, trăn trở không ngừng thôi thúc anh. “Thực ra, việc sử dụng năng lượng mặt trời và gió không mới, cái chính là mình có chịu khó nghiên cứu áp dụng hay không. Nếu ai cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ để tiết kiệm năng lượng. Tôi tiếp tục nghiên cứu để lắp đặt các thiết bị thu năng lượng tự nhiên đơn giản, ít tốn kém để nhà nào cũng có thể sử dụng”- anh Trần An chia sẻ.