Nếu không được trợ giá thì đã khó có Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: Trần Ngọc Thọ/Icon.com.vn
Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng
Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.
Với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn lực của nước ta, cần phát triển nhanh những lĩnh vực năng lượng tái tạo có nguồn tài nguyên lớn và triển vọng thương mại tốt như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối; thực hiện các biện pháp cần thiết để mở rộng nhu cầu thị trường, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị; tiếp thu, tiến tới tự chủ về công nghệ, nâng cao khả năng chế tạo thiết bị và khả năng cạnh tranh trên thị trường năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng bền vững, ổn định cho nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển với quy mô lớn.
Nhưng muốn phát triển năng lượng tái tạo thực sự trong thời gian tới thì cần khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý; đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung cấp năng lượng trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cơ hội cho năng lượng tái tạo
Theo chiến lược, Việt Nam sẽ phát triển thủy điện truyền thống góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương; cung cấp nguồn điện tại chỗ, nâng cao an toàn cung cấp điện. Mục tiêu sản xuất từ nguồn thủy điện tăng từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020 và đạt khoảng 96 tỷ kWh từ năm 2030. Riêng thủy điện tích năng nhằm thực hiện nhiệm vụ dự trữ, điều chỉnh nhu cầu trong hệ thống điện, góp phần nâng cao độ linh hoạt, hiệu quả trong vận hành hệ thống điện. Công suất nguồn thủy điện tích năng đến năm 2030 đạt khoảng 2.400 MW, năm 2050 đạt khoảng 8.000 MW.
Về nguồn năng lượng sinh khối, sẽ ưu tiên sử dụng cho sản xuất điện, khí sinh học, sinh khối viên sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu và nhiên liệu sinh học lỏng, nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng từ khoảng 45% năm 2015 lên 50% năm 2020, khoảng 60% năm 2030 và khoảng 70% vào năm 2050; tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi cho mục đích năng lượng (khí sinh học) từ khoảng 5% năm 2015 lên khoảng 10% năm 2020, khoảng 50% vào năm 2030, đến năm 2050 hầu hết chất thải chăn nuôi được xử lý; tỷ lệ xử lý chất thải thành phố cho mục đích năng lượng từ mức không đáng kể hiện nay lên 30% vào năm 2020, khoảng 70% vào năm 2030 và hầu hết được tận dụng cho mục đích năng lượng vào năm 2050. Theo đó, tổng năng lượng sinh khối được sử dụng tăng từ khoảng 14,4 triệu TOE năm 2015, lên khoảng 16,2 triệu TOE vào năm 2020; khoảng 32,2 triệu TOE vào năm 2030 và 62,5 triệu TOE vào năm 2050.
Về nguồn điện gió, sẽ ưu tiên phát triển trên đất liền; nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa kể từ sau năm 2030. Mục tiêu, sản lượng điện sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ khoảng 180 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 16 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 53 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn điện gió trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 1,0% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5,0% vào năm 2050.
Và cuối cùng là nguồn năng lượng mặt trời trước mắt là để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Kỳ vọng điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời tăng từ khoảng 10 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 1,4 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 210 tỷ kWh vào năm 2050. Đưa tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời trong tổng sản lượng điện sản xuất từ mức không đáng kể hiện nay lên đạt khoảng 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2050. Đặc biệt, phát triển các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để cung cấp nhiệt cho các hộ gia đình; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Nhờ chính sách ưu tiên đặc thù
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Với Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ thông qua, tôi cho rằng, vấn đề quyết định nằm ở chỗ là phải làm rõ mỗi kWh điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ được trợ giá cụ thể bao nhiêu cent. Hiện nay, trợ giá 1 cent/kWh cho điện gió thì rất khó để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư. Chúng ta phải quy định rõ, điện gió mỗi kWh trợ giá bao nhiêu, tương tự với điện từ năng lượng sinh khối, mặt trời...cũng phải như vậy”.
Có lẽ nhận thấy những điều đó nên trong chiến lược cũng đã có quy định: Giá bán điện được phù hợp với các điều kiện của các khu vực khác nhau và các đặc điểm của công nghệ phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau, theo nguyên tắc giúp thúc đẩy sự phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm nhà đầu tư thu hồi được chi phí và có lợi nhuận hợp lý; giá bán điện được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với sự phát triển của các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo...
Điểm được coi là đột phá là các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo nối lưới thuộc địa bàn do đơn vị mình quản lý.
Thêm nữa, chi phí mua điện của các dự án phát điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo hạch toán vào giá thành điện của đơn vị điện lực và được tính toán và đưa đầy đủ trong cơ cấu giá bán lẻ điện và thu hồi qua doanh thu bán điện.
Chiến lược cũng xác định rõ, các dự án điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Chi phí đấu nối và các chi phí khác có liên quan phát sinh hợp lý của các đơn vị lưới điện (đơn vị truyền tải điện và phân phối điện) do mua điện được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo được tính trong chi phí truyền tải, phân phối điện của đơn vị lưới điện.
Đối với hệ thống điện độc lập sử dụng nguồn điện độc lập sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo, chủ đầu tư xây dựng đề án giá điện và xác định tổng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trình bộ ngành trực tiếp liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức hỗ trợ được trích từ Quỹ phát triển năng lượng bền vững.
Về thuế nhập khẩu, các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về đất đai, các dự án sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
“Với Việt Nam hiện nay và trong vòng 10-15 năm tới thì 2 dạng nguồn năng lượng tái tạo đáng chú ý nhất và triển vọng nhất là gió và mặt trời. Hiện nay, chúng ta có một số dự án điện gió quy mô công nghiệp được đấu nối với hệ thống điện quốc gia, riêng điện mặt trời thì quy mô khiêm tốn hơn. Về cơ chế, chính sách nếu nhìn thẳng thực tế để cạnh tranh bình đẳng với các dạng nguồn năng lượng truyền thống thì năng lượng tái tạo không “trụ” được. Những nước phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo như khu vực Tây Âu, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ... đều có chính sách trợ giá mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo” – GS.VS.TSKH Trần Đình Long. |