Nhật Bản là đối tác quan trọng hỗ trợ các dự án điện Việt Nam.
Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ngày càng chặt chẽ và sâu sắc. Đặc biệt, sau khi hai chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự ngày 31/10/2011 và Nhật Bản được lựa chọn là đối tác xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2.
Nhật Bản đã thành lập Công ty Phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế (JINED) là đầu mối hợp tác với Việt Nam về ĐHN. JINED có sự tham gia của 9 công ty điện lực của Nhật Bản. Các công ty điện lực của Nhật Bản đã đàm phán và đề xuất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cần thiết cho việc vận hành, bảo dưỡng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Theo đó, từ tháng 9/2012, EVN đã cử 15 kỹ sư sang đào tạo 2 năm về ĐHN tại Nhật Bản, tháng 9/2014 cử tiếp 9 kỹ sư.
Dự kiến, từ năm 2016, mỗi năm các trường Đại học Công nghệ Nagaoka, Fukui… sẽ đón nhận 20 học viên Việt Nam du học theo chương trình “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1558/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, các công ty ĐHN Nhật Bản đã cử các nhóm chuyên gia sang Việt Nam tham gia công tác khảo sát bổ sung, trao đổi ý kiến với các đối tác Việt Nam về một số yếu tố như khí tượng, hải tượng, địa hình, địa chất tại địa điểm dự kiến xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 nhằm phục vụ xây dựng luận chứng khả thi của dự án xây dựng nhà máy này. Nhật Bản cũng giúp Việt Nam trong hoạt động thông tin, tuyên truyền về ĐHN. Nhiều đoàn cấp cao, đại diện chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tham quan nhà máy ĐHN ở Nhật Bản. Tháng 6/2014, đối tác Nhật Bản đã hợp tác với EVN khai trương phòng trưng bày ĐHN tại trụ sở EVN tại Hà Nội.
Đại diện EVN cho biết, Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng của EVN. Sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản luôn đứng đầu trong danh mục các nhà tài trợ cho các dự án điện, trong đó có ĐHN của EVN. Từ tháng 9/2011, EVN đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2. Nguồn tài chính (không hoàn lại) cho công tác tư vấn lập SAD do Nhật Bản tài trợ với tổng giá trị khoảng 2 tỷ yên (tương đương 552 tỷ đồng). Hiện, EVN đang tiếp tục làm việc với JAPC về lựa chọn công nghệ, tổng mức đầu tư, phân tích kinh tế - tài chính để hiệu chỉnh, hoàn thiện hồ sơ FS&SAD và trình duyệt theo quy định..
Theo JINED, sẽ có nhiều lợi ích mang lại cho địa phương có nhà máy ĐHN như thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, tăng cao nguồn thu ngân sách; tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân… Nhật Bản có những kinh nghiệm vận hành nhà máy ĐHN trong nửa thế kỷ qua, đồng thời cũng có năng lực về công nghệ chế tạo. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có nhiều kinh nghiệm sau sự cố nhà máy ĐHN Fukushima. Dựa trên kinh nghiệm, bài học và những thành tựu xây dựng, vận hành đó, Nhật Bản sẽ cung cấp những lò phản ứng có tính chất an toàn cao nhất thế giới cho Việt Nam.
Theo: Báo Công thương