Nhà máy điện hạt nhân Golfech ở Golfech, miền nam nước Pháp. Ảnh: Getty
Báo cáo về thị trường điện toàn cầu của IEA phát hành hôm 24-1 cho biết sản lượng từ các nhà máy điện hạt nhân trên toàn cầu dự kiến tăng khoảng 3% trong năm nay và năm tới, lên mức 2.915 TWh, vượt qua mức đỉnh trước đó là 2.809 TWh vào năm 2021. Con số này sẽ tăng thêm 1,5% vào năm 2026.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ các lò phản ứng mới ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự hoạt động trở lại của các nhà máy điện hạt nhân ở Pháp sau khi hoàn tất quá trình bảo trì tiến hành từ năm ngoái.
Điều đó đánh dấu sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân sau thảm họa ở Nhật Bản năm 2011, khi các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị hư hại do sóng thần, khiến Đức và Nhật Bản rút lui khỏi lĩnh vực này.
Theo IEA, việc sử dụng điện hạt nhân (hầu như không phát thải carbon) nhiều hơn cũng như sự tăng trưởng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo gồm gió, mặt trời, thủy điện đang giúp đẩy dần nhiên liệu hóa thạch ra khỏi hệ thống điện và giảm lượng khí thải carbon.
Trong năm 2023, lượng khí thải carbon toàn cầu từ sản xuất điện tăng 1%, nhưng IEA dự đoán mức giảm hơn 2% trong năm nay. Năng lượng tái tạo dự kiến vượt qua than để vươn lên chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng điện toàn cầu vào đầu năm 2025.
IEA tin rằng tăng trưởng nhu cầu điện trong vài năm tới sẽ được đáp ứng bởi các nguồn năng lượng phát thải thấp. Và tỷ lệ nguồn cung điện toàn cầu từ máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm xuống mức thấp kỷ lục 54% vào năm 2026.
Giám đốc IEA Fatih Birol lưu ý, ngành điện hiện tạo ra nhiều lượng khí thải carbon hơn bất kỳ ngành nào khác trong nền kinh tế thế giới, vì vậy xu hướng này rất đáng khích lệ. “Điều này phần lớn nhờ vào động lực to lớn của năng lượng tái tạo, với năng lượng mặt trời rẻ hơn bao giờ hết và sự hỗ trợ từ sự trở lại quan trọng của năng lượng hạt nhân”, ông nói.
Ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân đang trỗi dậy nhờ nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon, cũng như những lo ngại về an ninh năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2-2022, làm gián đoạn thị trường khí đốt.
Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) cuối năm ngoái, hơn 20 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Pháp, đồng ý thỏa thuận tăng gấp ba công suất điện hạt nhân toàn cầu vào năm 2050.
Tuy nhiên, IEA cho biết mức tăng trưởng điện hạt nhân đến năm 2026 sẽ tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ, những nước dự kiến chiếm hơn một nửa trong số 29 GW công suất tăng thêm trên toàn cầu.
Theo báo cáo của IEA, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hạt nhân ở Trung Quốc giúp nước này chiếm 16% sản lượng điện hạt nhân toàn cầu hiện nay, tăng từ mức 5% vào năm 2014. Bắc Kinh đang đặt mục tiêu tăng công suất lắp đặt điện hạt nhân từ 56GW lên 70GW vào năm 2025.
IEA cho biết thêm, ảnh hưởng của cả Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực này ngày càng lớn, với việc hai nước này cung cấp công nghệ cho 70% số lò phản ứng đang được xây dựng trên toàn thế giới.
IEA cảnh báo, sự chậm trễ trong xây dựng các dự án hạt nhân lớn là “mối lo ngại lớn toàn cầu”. Tổ chức này lưu ý, các dự án nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc ít đối mặt với sự chậm trễ hơn so với các dự án ở châu Âu và Mỹ.
Hôm 23-1, EDF, nhà phát triển điện hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Pháp, thông báo dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C mà công ty đang xây dựng ở Somerset (Anh) sẽ bị trì hoãn hơn nữa. Dự án được xây dựng từ năm 1995 nhưng EDF dự kiến chỉ có thể bắt đầu phát điện sớm nhất là vào năm 2029, thay vì năm 2025 như tính toán ban đầu. Chi phí của dự án cũng tăng lên, từ mức dự toán ban đầu 25-26 tỉ bảng, lên khoảng 46 tỉ bảng tính theo thời giá hiện nay. Chính phủ Anh và EDF đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư bên ngoài để xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới thứ hai, trị giá 20 tỉ bảng ở Suffolk, Anh.
IEA cho biết, giá điện trung bình năm 2023 trên toàn cầu nhìn chung thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng giá rất khác nhau giữa các khu vực, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh kinh tế. Giá điện bán sỉ ở châu Âu giảm trung bình hơn 50% vào năm 2023 sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022. Tuy nhiên, giá điện ở châu Âu năm ngoái vẫn cao hơn gấp đôi so với mức trước đại dịch Covid-19. Trong khi đó, giá điện ở Mỹ trong năm 2023 cao hơn khoảng 15% so với năm 2019. Nhu cầu điện ở Liên minh châu Âu (EU) giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, và dự kiến chưa phục hồi trở lại mức trước cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu cho đến năm 2026.
Dù nhu cầu điện ở châu Âu và Mỹ giảm vào năm 2023, nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến tiếp tục tăng đến năm 2026 do dân số tăng và quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Theo IEA, Ấn Độ sẽ chứng kiến nhu cầu điện tăng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn, với nhu cầu tăng thêm trong ba năm tới được dự báo gần tương đương với mức tiêu thụ điện hiện tại của Anh.
Link gốc