EVN: Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác kinh doanh

Thứ ba, 11/7/2017 | 15:09 GMT+7
Nhiều ứng dụng công nghệ trong công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai đồng bộ, đem lại hiệu quả.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác ghi chỉ số điện năng.
 
Ông Nguyễn Quốc Dũng- Trưởng ban Kinh doanh EVN cho biết, năm 2017 EVN lấy chủ đề “đẩy mạnh khoa học công nghệ”. Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào các khâu quản lý, kỹ thuật vận hành hệ thống điện đáp ứng yêu cầu kinh doanh điện và phục vụ khách hàng được các đơn vị điện lực - kinh doanh phân phối điện rất quan tâm, trong đó có việc đầu tư các thiết bị đo xa, thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử để đo đếm, ghi chỉ số điện năng. 
 
Ghi chỉ số công tơ điện là khâu quan trọng, được khách hàng tiêu dùng điện đặc biệt quan tâm. Việc ghi chỉ số, đo đếm lượng điện năng các hộ tiêu dùng hiện vẫn chủ yếu dùng công tơ cơ. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ngành điện sẽ thực hiện thay thế toàn bộ số công tơ cơ bằng công tơ điện tử. 
 
Hiện nay EVN đang kinh doanh và bán điện cho gần 25,2 triệu khách hàng, đa phần trong số này hiện đang sử dụng công tơ cơ khí trong việc đo đếm sản lượng điện năng sử dụng trong thàng. Đến nay đã có khoảng trên 7,9 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ 31,4%) sử dụng điện được lắp đặt công tơ điện tử để đo đếm sản lượng điện sử dụng. Với các công tơ điện tử này, các đơn vị trong ngành điện đã triển khai các công nghệ như PLC (thu thập dữ liệu công tơ từ xa qua hệ thống đường dây điện), RF HHU (thu thập dữ liệu công tơ bằng các thiết bị cầm tay di động trong khoảng cách dưới 200m), RF-mesh (thu thập dữ liệu công tơ từ xa qua hệ thống sóng vô tuyến mắt lưới), GPRS/3G (thu thập dữ liệu từ xa qua mạng điện thoại di động).. để có thể thu thập dữ liệu từ xa. 
 
Năm 2016, EVN đã lập Chương trình tổng thể về phát triển công tơ điện tử và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa tại các TCTĐL giai đoạn 2016-2020 với một số mục tiêu cụ thể như đến hết năm 2017 hoàn thành triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử có đo xa cho tất cả công tơ ranh giới, đầu nguồn phục vụ giao nhận điện giữa các đơn vị trực thuộc TCTĐL, công tơ tổng TBA công cộng, công tơ bán điện khách hàng TBA chuyên dùng; Lắp đặt công tơ điện tử có đo xa đối với các khách hàng sau TBA công cộng với tổng số 11.561.078 công tơ.
 
Ngoài việc áp dụng công tơ điện tử trong công tác bán điện cho khách hàng, trong hoạt động quản lý phân phối và bán điện đến khách hàng, EVN và các đơn vị đã chủ động trong việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào các mặt để giúp đảm bảo cung cấp điện tới khách hàng, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng. 
 
Trong công tác vận hành hệ thống điện, ngành điện triển khai ứng dụng phần mềm quản lý kỹ thuật - PMIS thống nhất kết hợp với việc ứng dụng bản đồ số GIS giúp cho công tác vận hành lưới điện hiệu quả và năng suất cao, đồng thời với việc trang bị hệ thống SCADA, miniSCADA, tự động hóa lưới phân phối (DMS), hệ thống công tơ điện tử lắp đặt tại tổng các TBA cộng cộng được thu thập dữ liệu trực tuyến, đóng cắt điện từ xa qua máy cắt tự động Recloser tại các trung tâm điều khiển đã giúp việc vận hành hệ thống điện tự động hóa cao với chất lượng vận hành được nâng lên rõ rệt.
 
Trong công tác kinh doanh bán điện, đối với công tơ cơ khí, một số đơn vị trong ngành cũng đã áp dụng các giải pháp cải tiến như đọc chỉ số qua gậy quang học, chụp ảnh chỉ số bằng camera, 100% nhân viên ghi chỉ số được trang bị máy tính bảng kèm theo phần mềm để ghi chỉ số, các dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến trên website CSKH của các TCTĐL, hóa đơn điện tử được áp dụng thay thế cho hóa đơn giấy giúp tiết kiệm chi phí in ấn và quản lý lưu trữ, toàn bộ các báo cáo, biểu mẫu sử dụng nội bộ trong công tác kinh doanh bán điện đều được sử dụng dưới dạng điện tử có chữ ký số….
 
Với mục tiêu tạo sự thuận lợi cho khách hàng và triển khai thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt của chính phủ, trong các năm gần đây EVN đã triển khai cung cấp nhiều dịch vụ thanh toán đáp ứng nhu cầu mọi lúc mọi nơi của khách hàng theo hướng đẩy mạnh tỷ lệ khách hàng thanh toán điện tử qua ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian cung cấp dịch vụ ví điện tử. Tính đến cuối năm 2016 đã có trên 7,4 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ 35,68% số khách hàng thực hiện thanh toán theo hình thức này. Các thành phố lớn đều có tỷ lệ khách hàng thanh toán qua ngân hàng và tổ chức thành toán trung gian cao như Hà Nội là 45,57% , Tp HCM là 59,08%.
 
Để thanh toán tiền điện theo hình thức điện tử, các khách hàng có thể lựa chọn nhiều phương thức do các ngân hàng và các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ ví điện tử có kết nối với ngành Điện đưa ra như: trích nợ tự động qua tài khoản, internet banking, mobile banking, thanh toán tiền điện qua điện thoại bằng dịch vụ bankplus của Viettel, thanh toán qua ví điện tử của các đơn vị như ECPay, Payoo, Momo, Ví Việt, …. 
Nguyên Long/Icon.com.vn