Từ Yên Bái lên Than Uyên đường đi đã khó khăn, nhưng đi tiếp lên Tam Đường - thị xã của tỉnh Lai Châu cũng vật vã không kém, đường đi ở miền núi phía Bắc chỗ nào cũng lắm đèo nhiều dốc, quanh co khúc khuỷu. Chỉ tính riêng giao thông đi lại đã làm cho khoảng cách của các tỉnh miền núi càng xa đồng bằng hơn. Điều này cũng lý giải vì sao Lai Châu nghèo lâu đến vậy, mặc dù Nhà nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều, nhưng tiềm lực kinh tế và dân trí quá thấp nên mấy chục năm qua Lai Châu không khá lên được. Lai Châu “cũ” (bao gồm cả Điện Biên) vốn là tỉnh nghèo nhất nước, nay tách tỉnh, Lai Châu “mới” vẫn là tỉnh nghèo nhất, nghèo hơn cả Điện Biên là người an hem “sinh đôi” của mình. Đã thế thiên nhiên ở đây lại khốc nghiệt. Năm nào cũng chịu ít nhất một cơn đại hồng thuỷ. Năm 1990, nước dâng đột ngột cao lút ngọn tre, ngọn dừa và đã cuốn sạch nhà dân và trụ sở ven sông Nậm Na. Người dân địa phương nói người và của mất nhiều lắm. Thị xã Lai Châu hoang tàn chưa ngượng dậy nổi thì những năm sau, lũ lại đến và quét tiếp những gì mà cơn lũ năm trước chưa kịp quét hết. Người dân Lai Châu khánh kiệt sau những cơn lũ.
|
Công nhân Điện lực Lai Châu (Công ty Điện lực 1- EVN) cải tạo lưới điện trung thế đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Những doanh nghiệp có tài sản trên địa bàn như Xí nghiệp Điện thế miền Bắc cũng không nằm ngoài những rủi ro do thiên tai mang lại. Cơn bão số 4 năm 2008 đã làm thiệt hại nhiều tỷ đồng từ hệ thống lưới điện 110kV cung cấp điện cho toàn bộ Lai Châu. Phần lớn móng và taluy các vị trí cột 110kV bị sạt lở. Để tránh các sự cố xảy ra khi có mưa lũ xảy ra tiếp, đối với các vị trí bị sạt lở, Xí nghiệp đã khẩn trương áp dụng hình thức mời đơn vị tư vấn, đơn vị thi công có năng lực và kinh nghiệm khảo sát đến đâu thiết kế và thi công đến đó. Các bước triển khai đều được giám sát chặt chẽ, nghiệm thu giai đoạn trước khi chuyển tiếp.
Quản đốc Phân xưởng quản lý vận hành 110kV Lai Châu Bạc Cầm Dũng nói, nhiều vị trí cột do không có mặt bằng nên việc tập kết đất đá, vật tư, vật liệu để xây dựng rất khó khăn. Thời tiết ở Lai Châu chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa, được chia từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 là mùa mưa, vì vậy, đã mưa là mưa triền miên. Có những thời điểm, tập kết vật tư vật liệu rồi gặp trời mưa đành chịu không thi công được. Nhưng anh em vận hành đường dây vẫn đặt nhiệm vụ đảm bảo điện lên nhiệm vụ hàng đầu nên bằng mọi giá không để gián đoạn cung cấp điện trên địa bàn.
Nhưng cái khó của Lai Châu cũng như các tỉnh phía Bắc hiện nay không phải là đường sá xa xôi, không phải do vận hành khó khăn mà tình trạng quá tải của nhiều trạm biến áp và đường dây 110kV và trong năm 2009 tình trạng quá tải các máy biến áp và các đường dây sẽ còn diễn biến phức tạp.
Không như lưới điện 110kV ở miền Nam và miền Trung được xây dựng những năm gần đây, lưới điện 110kV miền Bắc được xây dựng nhiều chục năm nay, nên hầu hết thiết bị, đường dây đã xuống cấp, kinh phí dành cho sửa chữa cải tạo lưới điện chưa đáp ứng được nên việc triển khai các giải pháp kỹ thuật để xử lý triệt để càng khó khăn. Một số máy cắt dầu 35kV cấp điện cho các đường dây dài có tuổi thọ đến 25 năm vẫn phải vận hành, nên thường hay bị sự cố, chi phí đại tu một máy cắt có khi bằng chi phí mua máy mới. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng phụ tải ngày càng lớn dẫn đến nhiều máy biến áp và đường dây trở lên quá tải làm cho công tác quản lý vận hành ở những vùng núi cao càng thêm khó khăn. Kết cấu lưới điện 110kV ở khu vực phía Bắc chưa chặt chẽ, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới bị chia cắt bởi lưới điện nhận nguồn từ Trung Quốc. Sự cố đường dây Thái Nguyên- Thác Bà là một ví dụ điển hình. Một số khu vực khác như Việt Trì, Mường La điện áp dao động quá lớn ảnh hưởng tới chất lượng điện áp và tuổi thọ thiết bị.
Nhiều khu vực chỉ được cung cấp điện duy nhất từ một trạm biến áp và một đường dây độc đạo nên khi xảy ra sự cố hoặc phải sửa chữa thiết bị thì sẽ mất điện cả thị xã thậm chí cả một tỉnh như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai…
Mặc dù mới được “ra ở riêng” 3 năm, nhưng những người thợ đường dây 110kV đã khẳng định được tính hiệu quả của chủ trương quản lý tập trung lưới điện 110kV.
Mùa xuân năm nay, cả nước đang bước đến sự sôi động mới với những nỗ lực trong phát huy nội lực. Cái sôi động của những ngày đầu năm đã lên tận những vùng sơn cước, đến từng công trình đường dây, ngày cũng như đêm, những người thợ đường dây canh giữ cho dòng điện thắp sáng trên vùng rẻo cao. Dòng điện âm thầm vượt qua núi cao, rừng sâu, vực thẳm và trong ánh sáng của dòng điện ấy là nỗi vất vả nhọc nhằn của hàng trăm, hàng ngàn nguời thợ điện./