Chuyển đổi số trong EVN

Điện lực Vĩnh Thuận (Kiên Giang): Từng bước số hóa

Thứ năm, 16/6/2022 | 14:02 GMT+7
Điện lực Vĩnh Thuận đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từng bước số hóa trong mọi lĩnh vực của đơn vị. 

Điện lực Vĩnh Thuận từng bước số hóa trong mọi lĩnh vực của đơn vị. 
 
Điện lực Vĩnh Thuận trực thuộc Công ty Điện lực Kiên Giang, có vị trí địa lý là vùng sâu, vùng xa giáp ranh 02 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Tính đến hết tháng 5-2022, đơn vị có tổng số 53 CNVCLĐ, trong đó có 46 lao động nam và 07 lao động nữ. Đơn vị đang quản lý vận hành 400.087 km đường dây trung thế 22/12.7kV); 605,206km đường dây hạ thế 0.22/0.38kV; 461 trạm biến áp phân phối; 113 trạm biến áp khách hàng và hơn 30.989 khách hàng dùng điện. Nguồn điện lấy từ trạm 110/22kV - 40MVA Vĩnh Thuận.
 
Ông Nguyễn Quốc Thống - Giám đốc Điện lực Vĩnh Thuận cho biết: “Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, chúng tôi luôn lấy khách hàng sử dụng điện làm trọng tâm phát triển, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ điện trực tuyến, minh bạch, đa dạng các hình thức thanh toán dịch vụ, giúp khách hàng có những trải nghiệm mới, tạo thuận lợi, đơn giản trong việc đăng ký và sử dụng các dịch vụ điện”. 
 
Để sớm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, tất cả các yêu cầu dịch vụ điện được Điện lực tiếp nhận và hỗ trợ xử lý kịp thời qua kênh trực tuyến; chuyển đổi toàn bộ hình thức thanh toán tiền điện tại nhà, trực tiếp sang hình thức thanh toán điện tử, thanh toán dịch vụ điện không dùng tiền mặt, đảm bảo trong cung cấp dịch vụ điện và tuân thủ quy định trong phòng, chống dịch bệnh. 
 
Bà Trần Thu Đông, khách hàng cư ngụ ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong bày tỏ “Từ khi Điện lực áp dụng việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, tôi cảm thấy rất tiện lợi. Việc chi trả tiền điện của gia đình được thực hiện dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi”.
 
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2022, Điện lực Vĩnh Thuận đã phối hợp với Trung tâm chăm sóc khách hàng Tổng Công ty Điện lực miền Nam (TTCSKH) tiếp nhận và giải quyết hơn 2.839 phiếu yêu cầu khách hàng bao gồm cấp điện mới, các dịch vụ liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng và các dịch vụ hỗ trợ. Hầu hết các yêu cầu được tiếp nhận qua Trung tâm chăm sóc khách hàng và các kênh dịch vụ Cổng dịch vụ công quốc gia, web CSKH, zalo, app CSKH.
 
Từng bước số hóa trong lĩnh vực kinh doanh, các hệ thống phần mềm lần lượt được đưa vào sử dụng: Chương trình quản lý khách hàng (CMIS3), tiếp nhận yêu cầu khách hàng qua hệ thống CRM, vận hành chương trình quản lý thiết bị đo ghi từ xa, hệ thống kiểm tra giám sát mua bán điện, khảo sát chiết tính bằng máy tính bảng,... giúp đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với hệ thống đo đếm cũng từng bước được hiện đại hóa từ việc thay công tơ cơ sang công tơ điện tử; công tác kiểm tra, phúc tra tại hiện trường được thực hiện dễ dàng bằng thiết bị thông minh, giúp phát hiện và báo cáo nhanh các trường hợp bất thường để có hướng xử lý kịp thời. Sự liên kết chặt chẽ giữa hệ thống CMIS3, website chăm sóc khách hàng và chương trình CRM giúp tiến trình cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng được giải quyết nhanh chóng, đúng qui định. 
 
Đối với công tác quản lý vận hành và sửa chữa điện, việc ứng dụng phần mềm giám sát an toàn lao động giúp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, đơn giản trong ghi chép; khắc phục tồn tại trong việc cấp phiếu công tác, kiểm tra hiện trường bằng thủ công; nhận diện các mối nguy và đánh giá rủi ro để từ đó có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động. Mặt khác, chương trình quản lý kỹ thuật (PMIS), website của độ tin cậy lưới điện, chương trình CRM, cũng góp phần đẩy mạnh cải tiến quy trình quản lý và vận hành lưới điện nhằm nâng cao độ an toàn, tin cậy và cải thiện hiệu suất vận hành. 
 
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật mang lại hiệu quả cao, như đưa vào sử dụng chương trình PMIS giúp đơn vị vận hành an toàn, tối ưu, tăng năng suất và giảm chi phí; chương trình PSS/ADEPT giúp tính toán phân tích, phân bổ công suất lưới điện; chương trình MDAS thuận tiện hơn trong kiểm tra thông số vận hành trạm biến áp; chương trình Appmeter dễ dàng theo trong theo dõi thông số vận hành trạm 110kV, đầu xuất tuyến 22kV.
 
Ông Huỳnh Thanh Giang - Đội trưởng đội quản lý vận hành và sửa chữa điện chia sẻ “Việc áp dụng các phần mềm giúp nâng cao hiệu quả công tác quản quản lý vận hành, công tác kiểm lưới điện, đường dây và trạm, thiết bị trên lưới được dễ dàng, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn; việc theo dõi từ xa đội công tác tại hiện trường giúp đánh giá hiệu quả công việc, phát hiện những sai sót để chấn chỉnh kịp thời; tổng hợp, truy xuất dữ liệu, báo cáo nhanh chóng, hiệu quả”. 
 
Cùng với số hóa trong kinh doanh dịch vụ, quản lý vận hành và kỹ thuật, đối với lĩnh vực tài chính kế toán, tổng hợp cũng được Điện lực chú trọng nâng cao. Điện lực đã sử dụng chương trình MMIS để hạch toán công tác nghiệp vụ kế toán; ứng dụng phần mềm HRMS trong công tác chấm công, quản lý nhân sự. 
 
Để tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ CNVCLĐ được thích ứng kịp thời với sự phát triển của công nghệ số, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người lao động; chủ động cho đội ngũ nhân viên tham gia các khóa đào tạo, tập huấn do ngành tổ chức; học tập chương trình đào tạo trực tuyến E-Learning hỗ trợ kiến thức chuyên môn cho người lao động, giúp nâng cao trình độ chuyên môn, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
 
Với mục tiêu cùng với ngành điện trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, toàn thể CNVCLĐ Điện lực Vĩnh Thuận tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh sau dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, do đó đơn vị càng phải nêu cao quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.
Cẩm Tú