Cắt băng khánh thành và đóng lưới điện quốc gia trên huyện đảo Cô Tô. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Đầu tư điện lưới cho Cô Tô, quyết định táo bạo
Huyện Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có diện tích 46,2 km², giữ vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng quan trọng của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc. Nơi đây, 52 năm trước, khi Bác Hồ kính yêu tới thăm nhân dân các dân tộc trên đảo Cô Tô, Người đã quyết định cho dựng tượng của Người tại chính nơi thiêng liêng này, như một lời khẳng định chủ quyền biển đảo của non sông đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên do điều kiện địa hình phức tạp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cho huyện Cô Tô còn chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của huyện đảo. Đặc biệt, khi hàng chục năm nay mới chỉ có nguồn điện chạy dầu diesel, nguồn năng lượng mặt trời với công suất rất nhỏ để sử dụng nên việc đầu tư và phát triển huyện đảo còn nhiều khó khăn. Đứng trước tình hình đó, nắm bắt được tầm quan trọng của việc phải có nguồn điện cung cấp ra đảo để phục vụ mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, Chính phủ, Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Các Ban ngành của tỉnh và các cơ quan liên quan phối hợp, chỉ đạo điều hành quyết liệt để quyết tâm thực hiện mục tiêu và kế hoạch xây dựng Hệ thống cáp điện cấp điện ra đảo Cô Tô. Có thể nói đây là một trong những quyết định táo bạo và dũng cảm nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa điện ra Cô Tô để đánh thức những tiềm năng kinh tế lớn của huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch và dịch vụ nghề cá, và đặc biệt hơn, có điện lưới quốc gia chính là có đòn bẩy để gốp sức đưa Cô Tô thành một trung tâm du lịch mang đẳng cấp quốc tế và đảm bảo an ninh quốc phòng quốc gia.
Nỗ lực và quyết tâm để thành công
Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được tỉnh Quảng Ninh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) quyết tâm phải thực hiện thành công. Do đó, cách đây một năm, ngay khi có quyết định đầu tư, tỉnh Quảng Ninh và EVN NPC đã phối hợp thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các nội dung đầu tư, trong đó EVN NPC sẽ đóng vai trò là chủ đầu tư của dự án và khi hoàn thành, Công ty Điện lực Quảng Ninh (đơn vị trực thuộc EVN NPC) sẽ trực tiếp khai thác vận hành lưới điện trên đảo.
Để có đủ nguồn vốn phục vụ thi công, ngoài một phần do ngân sách tỉnh đầu tư, còn lại phần lớn trông chờ vào sự ủng hộ, tài trợ của các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản và sự cam kết của một số đơn vị, doanh nghiệp khác. Để tìm lời giải cho bài toán về vốn đầu tư dự án, Thường trực UBND tỉnh đã có cuộc họp bàn về nội dung này, theo đó thống nhất sẽ báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho hưởng các quy định đặc thù trong đầu tư dự án. Cùng với đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi sự tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để xây dựng lưới điện ra đảo Cô Tô. Tỉnh công khai tài khoản nhận tài trợ cho dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp tài trợ được hạch toán phần kinh phí này vào chi phí kinh doanh, sản xuất của đơn vị.
Lo được vốn, đến quá trình triển khai dự án, EVN NPC cũng gặp một số khó khăn về hồ sơ pháp lý, trong đó có việc chỉ định thầu; nguồn vốn đầu tư tuyến nhánh rẽ đường dây 22 kV và hệ thống lưới điện phân phối cấp điện cho xã đảo Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn) vì đây là dự án đặc thù đưa điện ra đảo xa bằng cáp ngầm chưa mang tính phổ biến tại Việt Nam nên phát sinh nhiều khó khăn như biến động về vốn đầu tư, áp dụng công nghệ thi công rải cáp ngầm bằng rô bốt dưới đáy biển. Vấn đề giải phóng mặt bằng cũng gặp khó khi hướng tuyến đi qua nhiều địa danh khác nhau, đặc biệt trong đó có Vườn Quốc Gia Bái Tử Long, Khu du lịch sinh thái Yến Long. Những vấn đề nói trên đòi hỏi EVN NPC vừa phải nhanh chóng thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng lại phải có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, nhiệt huyết và quyết tâm cao nhất của chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng như đồng chủ đầu tư NPC, công trình đưa điện lưới quốc gia đã về đích, hoàn thành cấp điện 1.600 hộ dân trên đảo Cô Tô và xã Thanh Lân trong những ngày tháng 10 lịch sử, khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đang hướng đến ngày kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh.
Công nhân ngành điện đóng điện lưới quốc gia trên đảo Cô Tô. Ảnh: Trần Phương
Huyện đảo sẽ tỏa sáng
Sau gần một năm triển khai dự án, công trình cấp điện lưới quốc gia đến đảo Cô Tô đã hoàn thành trong thời gian kỷ lục, khẳng định sự nỗ lực lớn lao, sự quyết tâm đến cùng của tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng như ngành điện lực nói riêng.
Ông Nguyễn Phúc Vinh – Chủ tịch kiệm Tổng Giám đốc EVN NPC hạnh phúc chia sẻ: Đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô, huyện đảo cách đất liền chừng 55km là công trình đầu tiên mà những người công nhân điện lực hiện thực hóa thành công việc kết nối lưới điện quốc gia từ đất liền qua hàng chục cây số đường biển đến với bà con nhân dân đảo xa. Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất, thi công kéo đường dây trên không giữa các đảo bằng kinh khí cầu, dải cáp ngầm dưới đáy biển bằng thiết bị và công nghệ mới nhất như: đào rãnh cáp ngầm đáy biển ở những tầng đá gốc bằng thiết bị máy cắt đá, phương pháp cày thủy lực cao áp ở phần lớn các tuyến cáp dưới đáy biển... Vậy mà, công trình đã được thi công với khoảng thời gian kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam, hoàn thành vượt tiến độ, đảm bảo an toàn và chất lượng, tuân thủ đúng thiết kế kỹ thuật được phê duyệt và đã đóng điện thành công.
Vậy là, điện lưới quốc gia đã đến với nhân dân Cô Tô. Điện sẽ được cung cấp an toàn và đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện đảo cũng như các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn. Rồi đây, sẽ không lâu, Cô Tô sẽ tỏa sáng. Tại đây sẽ hình thành các khu kinh tế tổng hợp, khu du lịch biển đảo chất lượng cao, khu dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Bắc Bộ. Huyện đảo tiền tiêu của tổ quốc sẽ dần tương xứng với tiềm năng và vị trí, vai trò mà người cha vĩ đại của toàn dân tộc Việt, Bác Hồ Chí Minh đã lưu dấu và dành tình cảm cho Cô Tô.
Tổng vốn đầu tư của Dự án: 1.106 tỷ đồng. Trong đó:
Phần vốn của UBND tỉnh Quảng Ninh: 821,531 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục:
+ Đường dây 110kV với chiều dài 11,852 km, 31 vị trí cột thép;
+ Đường dây cáp gầm xuyên biển 22kV: 23,166km (đã bao gồm 500 dự phòng.)
+ Đường dây 22kV (Trên đảo Ba Mùn, TT Cô Tô, Thanh Lân) 18,7 km: 161 vị trí, Cáp quang: 2,768km (Ba Mùn); 08 Trạm cắt tại các đầu tiếp đờ của cáp ngầm và 01 Trạm biến áp trên đảo Ba Mùn.
Phần vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc: 277,4 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục:
+ Hạng mục 110kV mạch kép có chiều dài 17,5km, từ Nhiệt Điện Cẩm Phả đến TBA Vân Đồn 1 với tổng mức đầu tư: 190,471 tỷ đồng;
+ Tuyến đường dây trên không 110kV từ TBA Vân Đồn 1 đến vị trí 32 (Đài Chuối, Vạn Yên, Vân Đồn) có chiều dài 10,2km với tổng mức đầu tư 57,629 tỷ đồng
+ Đường dây hạ thế: 29 km; Trung thế 04km; 12 TBA với Tổng mức đầu tư 29,3 tỷ đồng. |