6 tổ máy phát điện của Thủy điện Sơn La. ảnh: ĐIÊU CHÍNH TỚI.
Có lẽ ít ai còn nhớ đã có lúc bài toán bậc thang thủy điện trên sông Đà từng là đề tài tranh luận gay gắt. Phương án hai bậc thang (Hòa Bình - Sơn La cao) đã được phê duyệt, phương án ba bậc thang (Hòa Bình - Sơn La thấp - Lai Châu) hoàn toàn thất thế. Ngày ấy, Tiền Phong thuộc số ít tờ báo kiên trì tạo diễn đàn cho các nhà khoa học bảo vệ phương án ba bậc thang phát biểu quan điểm của mình.
Tiến sỹ Trần Nhơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, từng chủ trì hàng chục cuộc hội thảo khoa học nhằm tìm lời giải cho bài toán bậc thang thủy điện trên sông Đà nhớ lại: “Nhiều nhà khoa học, các chuyên gia Thủy lợi, Điện lực, Xây dựng, Nông - Lâm nghiệp… ủng hộ phương án Sơn La thấp. Song ý kiến của họ chưa đủ sức nặng, nhất là khi phương án Sơn La cao đã được Chính phủ lựa chọn, nếu không có sự đóng góp của một người. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Tiến sỹ Trần Nhơn kể: “Đại tướng cử đồng chí thư ký đến Hội Thủy lợi làm việc. Sau khi xem xét báo cáo của Hội Thủy lợi và cân nhắc các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, Đại tướng đã hai lần viết thư gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Chính những lá thư này đã góp phần thuyết phục các đồng chí lãnh đạo quyết định chọn phương án Sơn La thấp”.
Sau khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định phương án Sơn La thấp, trên số báo Tết Quý Mùi (tháng 2/2003), Tiền Phong trích đăng lá thư thứ hai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
…“Ý kiến riêng tôi thì đề nghị Trung ương, Quốc hội chọn phương án an toàn hơn, từ 200m xuống đến 170m. Kinh nghiệm trong cách mạng cũng đã từng có trường hợp trận Điện Biên Phủ ta đã đề ra phương án đánh nhanh, được toàn bộ cán bộ chiến sỹ, toàn bộ đoàn cố vấn tán thành và triển khai thực hiện. Nhưng đến giờ chót phát hiện có tình hình không bảo đảm thắng lợi, vẫn đem ra bàn lại và cuối cùng phải thay đổi hoàn toàn theo phương án mới để bảo đảm chắc thắng. Vì vậy, với công trình cực kỳ hệ trọng này, không nên nghĩ rằng đã quyết định rồi thì thôi không bàn nữa, mặc dù biết còn ý kiến cho rằng chưa bảo đảm an toàn”.
Nhiều người từng băn khoăn với câu hỏi: Nguyên là giáo viên lịch sử, là Tổng tư lệnh Quân đội, vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại có tầm nhìn sâu rộng và đưa ra giải pháp sát thực trước những dự án lớn của đất nước? Nhân ngày Đại tướng đi xa, người viết bài này mạo muội đưa ra câu trả lời: Đó là nhờ Đại tướng có phương pháp tiếp cận sự việc khoa học, khách quan, biết lắng nghe ý kiến các nhà chuyên môn, lại hoàn toàn không vướng vào “lợi ích nhóm” mà luôn đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất.
Theo: Tiền phong Online