Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo EVN chụp ảnh kỷ niệm tại nơi đường điện ngầm chuẩn bị được đấu nối với đường điện trên đảo Cô Tô
Thần tốc
Ông Thiều Kim Quỳnh – Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc - khẳng định, hiện các công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo của Việt Nam, chưa có công trình nào mà thời gian thực hiện nhanh như dự án này. Nếu tính từ lúc khởi công tháng 11/2012 đến thời gian dự kiến khánh thành (20/11/2013) đúng một năm. Tốc độ thi công đường dây đúng như tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và càng có ý nghĩa hơn khi công trình được hoàn thành trong thời điểm trái tim của mọi người dân Việt Nam đang rất xúc động hướng về Đại tướng. Công trình như một món quà dâng tặng để tưởng nhớ, tri ân công ơn của Người.
Huyện đảo Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, diện tích 46,2 km2, dân số 5.465 người. Quần đảo Cô Tô gồm 50 đảo lớn, nhỏ, là vị thế chiến lược của vùng Đông Bắc tổ quốc. Những năm qua, Cô Tô luôn được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh. Từ một huyện đảo khó khăn đã không ngừng đổi mới, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng phát triển mạnh. Hiện, thường xuyên có hơn 500 tàu thuyền đánh bắt hải sản hoạt động, quanh đảo có hơn 1.000 loài cá, trong đó có hơn 60 loài có giá trị cao. Đảo đã được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm như: Trung tâm dịch vụ nghề cá Vịnh Bắc Bộ, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh… Đảo Cô Tô còn được thiên nhiên ban tặng những bãi tắm đẹp, nước biển trong xanh, bãi cát trải dài sóng vỗ yên lành. Do vậy, mục đích đầu tư của công trình rất quan trọng nhằm giải quyết được việc phát triển kinh tế, du lịch biển đảo. Đặc biệt, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biên giới, hải đảo. Góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc của tổ quốc.
Công nhân đang đấu nối điện ngầm vượt biển với đường điện hạ thế trên đảo Cô Tô
Sáng tạo
Thời gian ngắn, tiến độ thực hiện phải nhanh, dự án đưa điện ra Đảo Cô Tô được chia cho hai chủ đầu tư tiến hành cùng lúc. Các công trình do Tổng công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư bao gồm đường dây và trạm biến áp Vân Đồn 1 đã được hoàn thành và đóng điện ngày 25/9/2013. Đường dây 110kV từ trạm biến áp 110kV Vân Đồn 1 đến Đài Chuối đã hoàn thành thi công và tổ chức đóng điện thành công ngày 9/10/2013, còn các công trình do UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư (cái hay của tỉnh Quảng Ninh là tỉnh làm chủ đầu tư nhưng vẫn giao cho Công ty Điện lực Quảng Ninh quản lý) với cái lý là không ai thạo việc hơn những người ngành điện và cũng chính họ sẽ phải tiếp quản vận hành đường dây nên họ quản lý sẽ ít tốn kém hơn, trách nhiệm phải cao hơn.
Theo kế hoạch ngày 16/10 người dân đảo Cô Tô sẽ chính thức có điện. Đây không chỉ là niềm vui của người dân huyện đảo Cô Tô, niềm tự hào của chủ đầu tư (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và UBND tỉnh Quảng Ninh), các nhà tài trợ, nhà thầu mà còn là niềm hy vọng của người dân các đảo trên lãnh thổ Việt Nam đang ngày đêm ngóng dòng điện lưới quốc gia. |
Công trình của tỉnh sẽ là đường dây trên không 110kV, 22kV và trạm cắt. Tất cả các gói thầu thi công đã được thực hiện hoàn thành và tiến hành nghiệm thu xong trong ngày 10/10/2013. Phần đặc biệt quan trọng, gian nan cần kỹ thuật cao và chuẩn xác cáp ngầm 22kV xuyên biển được giao cho nhà thầu Prysmian - Thaiduong thi công với tổng chiều dài 23,166 km (đã bao gồm 500m dự phòng) gồm 4 tuyến: Cái Đà đến Trà Ngọ 2,768km, từ Bản Sen đến Ba Mùn 2,359km từ Ba Mùn đến Cô Tô 15,368 km và cuối cùng là từ Cô Tô đi Thanh Lâm 2,177km. Đến nay, từ Ba Mùn đến Cô Tô đã được hoàn thành đang được thí nghiệm…để đấu nối với đất liền dự kiến sẽ bàn giao ngày 15/10/2013. Thế là chúng tôi có dịp “rẽ sóng” ra đảo.
Cùng chuyến với chúng tôi còn có lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, đi cùng với lãnh đạo tỉnh còn có Giám đốc Sở Công Thương, lãnh đạo Tổng công ty điện lực miền Trung, họ ra đảo với mục đích học tập cách làm “thần tốc, sáng tạo” này của tỉnh Quảng Ninh để áp dụng thi công dự án đưa điện ra đảo Lý Sơn, một dự án Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư.
Ông Phùng Ngọc Phong - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh - chia sẻ với đoàn công tác: “Đây là dự án trọng điểm số 1 của tỉnh sẽ phải được khánh thành trong dịp tỉnh Kỷ niệm 50 năm thành lập. Tức thời gian từ khởi công cho đến lúc khánh thành chỉ 1 năm nên phải thực sự: “Thần tốc, tạo bạo, sáng tạo” mới xong được. Nghĩa là phải xin được Chính phủ cơ chế đặc thù, chứ cái gì cũng đấu thầu thời gian không cho phép, để nước ngoài trúng thầu họ “bầy nhầy” ra thì “mình chết”.
Địa hình thi công hiểm trở, núi đá dựng đứng sát mép nước, ven đảo thì đất bùn, khoảng cách các cụm đảo lớn như từ Cái Rồng ra Cái Lim và từ Bản Sen ra Ba Mùn đến hơn 2km, phương tiện giao thông qua lại lớn đòi hỏi khoảng vượt phải cao… Nhưng giờ đây, tất cả mọi khó khăn đã vượt qua, nhân dân đảo Cô Tô đang chờ đón khoảnh khắc mong đợi ngàn đời, dòng điện lưới quốc gia sáng bừng trên đảo.
Ông Phong trầm ngâm nhớ lại những ngày đầu khi Chính phủ cần ý kiến của các bộ để thông qua dự án. Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ trong thời gian ngắn đã có ý kiến với Chính phủ. Nhưng còn Bộ Quốc phòng, đường cáp ngầm qua biển đâu phải chuyện chơi, liên quan tới an ninh, biển đảo phải có ý kiến của các đồng chí quân đội Chính phủ mới quyết được.
Thời gian không cho phép chờ đợi, thế là ông Phong “táo bạo” vào tận nơi làm việc của đồng chí Lãnh đạo chủ chốt Bộ Quốc phòng để trình bày dự án. Thủ trưởng đi công tác, chỉ gặp được thư ký. Hai người lính cùng chiến trường năm xưa nhận ra nhau, còn vén áo lên cho nhau xem những vết đạn để lại thương tích trên người. Thế là, trên tinh thần người lính xung trận đồng chí thư ký hứa hôm sau thủ trưởng đi công tác về sẽ được xem xét xử lý ưu tiên ngay.
Quả đúng như vậy, hôm sau ông Phong đã nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng đồng ý cho triển khai dự án. Lòng nhẹ nhõm, trên đường về Quảng Ninh báo cáo công việc với lão đạo tỉnh: “Đầu đã xuôi, chắc đuôi sẽ lọt”. suy nghĩ và niềm tin ấy luôn thường trực trong ông.