Ngay sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 11 đã gây mất điện trên diện rộng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam.
Cột điện gãy đổ trên đường phố quận Hải Châu - Đà Nẵng do ảnh hưởng của cơn bão số 11. Ảnh: Tuổi trẻ
Từ đêm ngày 14/10 và sáng ngày 15/10, bão số 11 đã đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cây cối đổ ngã ngổn ngang. Do ảnh hưởng của bão số 11, ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12.
Về hệ thống lưới điện, theo thông tin nhanh từ Ban chỉ huy PCLB Tổng công ty Điện lực miền Trung cho biết, bão số 11 đã làm nhiều cột điện bị đổ, gây mất điện trên diện rộng một số khu vực tại tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và toàn bộ TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Hiện chưa có số liệu thống kê thiệt hại ban đầu do tình hình thời tiết tại các địa phương này vẫn rất xấu, mưa lớn và gió.
Đến 18h30 tối 14/10, toàn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi đã bị mất điện do gió giật làm ngã trụ điện, đứt dây điện nên cả đảo chìm trong bóng tối, mọi ngôi nhà đều cửa đóng then cài, không một bóng người và không thấy xe cộ. Càng về khuya, gió mỗi lúc mỗi lúc mạnh hơn, cộng thêm mưa nặng hạt và sóng biển dâng cao khiến hàng chục nhà dân và trường học bị tốc mái, hàng trăm cây cối bị gió bão bẻ gãy ngổn ngang trên đường từ đầu đến cuối đảo.
Rút kinh nghiệm sau các đợt mưa cơn bão số 10, các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung đã chủ động mở các van điều tiết, sớm xả lũ, hạ thấp mực nước các hồ chứa để phòng, chống bão số 11 - được dự báo sẽ có mưa rất lớn. Ban quản lý 14/20 hồ đập thủy điện đã chủ động điều tiết nước về hạ du ở thời điểm mưa chưa lớn và nước về hồ không cao với lưu lượng từ 200-1.000m3/giây. Từ 9h sáng 14.10, Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 đã bắt đầu xả lũ theo các cửa tràn về hạ du sông Vu Gia (không phát điện) với lưu lượng 100-500m3/ giây. Đến 13h30 ngày 14.10, Thủy điện Đắk Mi 4 tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn hơn, từ 500 đến 1.000m3/ giây.
Trên lưu vực sông A Vương, nhà máy thủy điện này đã chủ động mở van, điều tiết nước về hạ du sông Vu Gia từ 13h chiều ngày 13.10 với lưu lượng 35-100m3/giây. Đến 17h ngày 14.10, lưu lượng xả lũ được tăng lên với mức 200-300m3/ giây. Đến 17/10, hồ thủy điện A Vương sẽ về đến mực nước đón lũ và việc xả lũ sẽ tạm dừng.
Ông Lê Đình Bản - Phó GĐ Cty thủy điện A Vương - cho biết, dù lượng mưa trong 2 ngày qua tại lưu vực A Vương còn thấp, lưu lượng nước về chưa đầy 40m3/giây; tuy nhiên, dự báo sẽ có mưa lớn trong đêm 14.10 đến trưa 15.10 nên các nhà máy thủy điện đã chủ động xả lũ trước trong các hồ chứa, hạ thấp cao trình về đến mức chờ đón lũ. Đây được xem là động thái tích cực của các chủ hồ thủy điện tại các thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn trước bão số 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 08 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 102,6 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
PV (tổng hợp)