Lãnh đạo EVN và lãnh đạo tỉnh Lai Châu trao tặng Nhà bán trú dân nuôi cho Trường THCS Ma Li Pho
Đầu tư vào con người
Lai Châu là một trong những tỉnh miền núi khó khăn nhất trên cả nước. Mặc dù diện tích đất rộng, nhưng phần lớn là đồi núi, hay phải gánh chịu lũ quét, lũ ống, cơ sở hạ tầng kém phát triển. Vì thế, dù trước đây tỉnh đã thụ hưởng một số chương trình ưu đãi của Chính phủ trong công tác xoá đói giảm nghèo, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng.
Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong việc giúp địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, trong giai đoạn 2009 – 2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, hỗ trợ cho 3 huyện Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên 280 tỷ đồng. Việc đầu tư tập trung vào phát triển lưới điện, xoá nhà tạm, xây dựng Nhà bán trú dân nuôi, hỗ trợ giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế và một số hỗ trợ khác, với quyết tâm góp phần giúp địa phương thực sự thoát nghèo.
Ba huyện do EVN đỡ đầu có dân số khoảng 160 nghìn người với hơn 30 nghìn hộ dân (90% là dân tộc thiểu số). Trong đó, tỷ lệ hộ đói nghèo khá cao. Bởi vậy, nhiệm vụ của EVN khá nặng nề. Nếu không có một chương trình thiết thực, thể hiện tầm nhìn thì dù nhiều tiền cũng không đem lại kết quả mong đợi.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong công tác xoá nhà tạm, EVN cấp cho 16 hộ thuộc diện chính sách, mỗi hộ 40 triệu đồng và hỗ trợ cho 1.400 hộ, mỗi hộ 5 triệu đồng để góp phần cùng địa phương thực hiện chương trình Xoá nhà tạm. Tính đến ngày 25/11/2009, số tiền EVN chuyển cho các huyện là 4,9 tỷ đồng.
Theo thoả thuận hỗ trợ, EVN sẽ xây tặng 21 “Nhà bán trú dân nuôi” cho một số trường THCS trên địa bàn 3 huyện (kinh phí mỗi nhà khoảng 250 triệu đồng). Với tinh thần hoàn thành đến đâu, trao tặng ngay đến đó, tạo điều kiện cho các em học sinh được ăn ở thuận lợi, ngày 28/10/2009, EVN đã tổ chức trao tặng 2 ”Nhà bán trú dân nuôi” cho hai trường THCS Nậm Xe và THCS Ma Li Pho, huyện Phong Thổ. Trong nhà bán trú có trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho các em học sinh mùa đông cũng như mùa hè (giường tầng, chăn, màn, đèn, quạt). Nhân dịp này, EVN còn tặng mỗi trường 2 bộ máy tính để các giáo viên có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin.
Đối với chương trình hỗ trợ y tế, EVN uỷ quyền cho Điện lực Lai Châu thực hiện. Đến nay đơn vị này đã mua bảo hiểm y tế cho 1.500 học sinh của 3 huyện, với mức bảo hiểm y tế cho mỗi học sinh là 153.000 đồng/năm và trao cho các trường học ngay trong tháng 11/2009.
Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho các em học sinh có thêm điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe, EVN còn hỗ trợ huyện Tân Uyên xây dựng một Trường dân tộc nội trú với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để tiếp tục đào tạo cho các lớp con em mai sau của huyện Tân Uyên nói riêng và tỉnh Lai Châu nói chung. Công trình này đang được thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND huyện để có ngôi trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Dự kiến năm 2012, trường sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.
Thông qua việc xây dựng nhà ở và chăm sóc sức khoẻ cho các em học sinh dân tộc, EVN hy vọng các em có điều kiện đến trường nhiều hơn, đạt được kết quả học tập tốt hơn. Mặc dù đầu tư vào con người chưa thể thấy ngay hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng các em chính là lực lượng lao động, là nguồn chất xám quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế của Lai Châu trong tương lai.
Cũng phải nói thêm rằng, ngoài hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, EVN còn đồng ý đào tạo nghề cho 30 học sinh địa phương và sau khi các em tốt nghiệp sẽ nhận vào làm việc tại các đơn vị thuộc EVN trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Giải quyết phần “gốc”
Nếu cấp kinh phí xây nhà cho người dân chỉ là giải quyết phần “ngọn” trong bài toán xoá đói giảm nghèo thì đầu tư phát triển kinh tế địa phương chính là giải quyết phần “gốc”.
Mặc dù đến nay điện lưới đã đưa tới hơn 70% số xã, nhưng do đặc thù dân cư miền núi sống rải rác, nên tổng số hộ dân ở Lai Châu được sử dụng điện mới chỉ đạt khoảng 38%. Vì vậy, phát triển điện công nghiệp phục vụ cho sản xuất, cũng như mở rộng lưới điện nông thôn là mục tiêu rất quan trọng trong chương trình hỗ trợ huyện nghèo của EVN. Kinh phí cho phần này chiếm khoảng 250 tỷ đồng. Dự tính đến năm 2012, sẽ có 100% xã và khoảng 90% hộ dân của tỉnh sẽ được sử dụng điện.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực vô cùng lớn của EVN. Có đi qua những vùng đồi quanh co, những rặng núi hiểm trở mới thấy sự gian nan của ngành Điện trong việc đưa điện đến những địa bàn vùng cao như Lai Châu. Một mặt, suất đầu tư công trình điện rất lớn, mặt khác, tiền điện hàng tháng của các hộ dân chỉ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Với nguồn chi và thu chênh lệch như vậy, thời gian thu hồi vốn của EVN không thể tính bằng năm như những công trình khác. Trong khi, EVN lại đang đứng trước bài toán thực sự nan giải: Thiếu vốn đầu tư.
Tuy nhiên, là một doanh nghiệp nhà nước, EVN luôn phải đặt nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu, nhất là khi Chính phủ đã tin tưởng giao nhiệm vụ và điện được coi là “bánh mỳ” nuôi các ngành công nghiệp khác phát triển. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc phát triển điện, từ đó tạo đà phát triển cho công nghiệp của địa phương, vì đây mới là mục tiêu phát triển bền vững.”
Được biết, Công ty Điện lực 1 được EVN giao nhiệm vụ quản lý và triển khai dự án. Hiện các đơn vị tư vấn đang khảo sát để lập dự án đầu tư và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2009.
Ông Hùng cũng cho biết thêm: Tập đoàn không chỉ ưu ái riêng ba huyện nghèo do EVN đỡ đầu, mà sẽ triển khai nhiều gói hỗ trợ khác trên toàn tỉnh Lai Châu nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đầu tư vào các huyện nghèo rất tốn kém, hiệu quả kinh tế gần như không có. Vì vậy, Chính phủ nên có những ưu đãi về thuế, nguồn vốn vay ưu đãi để doanh nghiệp yên tâm thực hiện hỗ trợ các huyện nghèo, đặc biệt với các DN đứng chân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các địa bàn khó khăn.
(Kiến nghị của nhiều doanh nghiệp với Chính phủ trong Hội nghị các DN tham gia thực hiện Chương trình 30a)
Ông Vương Văn Thành - Phó Chủ tịch tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 30a của tỉnh: Nguồn vốn sẽ được sử dụng hiệu quả và đến trực tiếp với người dân
Chỉ sau 3 tháng ký kết, đến nay địa phương đã có 2 ngôi nhà bán trú dân nuôi đầu tiên trong tổng số 21 nhà được xây dựng. Đồng thời, EVN đã rất quan tâm tới đội ngũ giáo viên của trường, đã tặng máy tính để nhà trường có điều kiện thực hiện tốt hơn việc dạy và học. Các cháu học sinh được cấp thẻ bảo hiểm y tế có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt hơn trong thời gian tới. Chúng tôi vô cùng cảm động, xin hứa nguồn đầu tư của EVN sẽ được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả để đến trực tiếp với người dân.
Bà Tẩn Mý Khe, Phó giám đốc sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu: Số học sinh bỏ học sẽ ngày càng giảm
Do kinh tế tỉnh phát triển chậm, việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục rất hạn chế. Việc xây nhà bán trú cho các em học sinh của EVN sẽ góp phần phát triển giáo dục địa phương. Trước đây, việc huy động các em đến trường gặp nhiều khó khăn vì đa số các em ở xa, đường đồi núi hay xảy ra sạt lở, lũ quét... Bởi vậy, số học sinh bỏ học tương đối nhiều. Nhưng nay, nhờ có nhà ở, số em bỏ học giảm hẳn. Tỷ lệ trẻ huy động đến trường tương đối cao: 97% mẫu giáo, 98% tiểu học.
Ông Bùi Quang Vinh: Hiệu trưởng trường Nậm Xe: Quyết tâm dạy tốt học tốt
Món quà của EVN là nguồn động viên tích cực đối với nhà trường. Thay mặt cán bộ, học sinh trong trường, tôi hứa sẽ sử dụng tốt nguồn đầu tư của EVN. Ngoài ra, thầy và trò trường Nậm Xe quyết tâm dạy tốt học tốt, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia, đóng góp nhiều nhân tài cho huyện, tỉnh.
Em Lường Thị Trang, học sinh trường Nậm Xe: Chúng em lại được đi học cái chữ.
Nhà của em và các bạn cách trường xa lắm. Khi lũ về bất chợt rất nguy hiểm, có nhiều bạn sợ không đi học. Sau đó, nhà trường cho chúng em được ở nhờ nhà dân. Mặc dù đi lại đỡ vất vả, nhưng lại còn nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nay em và các bạn được ở nhà mới đẹp hơn, sạch hơn, có đèn sáng, quạt mát ngay tại trường, nên chúng em lại có điều kiện để được đi học cái chữ.
Dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình 30a của EVN
|
Giai đoạn
|
Kinh phí (tỷ đồng)
|
Phát triển lưới điện nông thôn
|
2009-2012
|
250
|
Xóa nhà tạm
|
2009-2010
|
7,64
|
Xây nhà bán trú dân nuôi
|
2009-2011
|
5,25
|
Hỗ trợ giáo dục-đào tạo
|
2009-2012
|
15,9
|
Hỗ trợ y tế
|
2009-2011
|
0,45
|
Hỗ trợ khác
|
|
0,15
|