Qua khỏi phà Cần Thơ, xe chúng tôi hướng theo Quốc lộ 91 để về Ô Môn - nơi có hàng trăm cán bộ công nhân của Tổng Công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam - VNECO (tiền thân là Công ty xây lắp điện III) đang thi công các tuyến đường dây 220 kV Ô Môn - Sóc Trăng, Ô Môn - Thốt Nốt và trạm biến áp 500 kV Ô Môn. Đây là 3 công trình có tổng giá trị xây lắp gần 150 tỷ đồng.
Tiếp chuyện chúng tôi trên công trường, kỹ sư Nguyễn Thành Đồng, Phó Tổng Giám đốc VNECO, Trưởng ban chỉ đạo thi công các công trình, cho biết: “Quá trình triển khai thi công các công trình này gặp rất nhiều khó khăn - nhất là vật tư, tiền vốn và giải phóng mặt bằng. Nhưng với quyết tâm và kinh nghiệm của mình, đến nay, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành Trạm biến áp 500 kV Ô Môn và đang khẩn trương thi công tuyến đường dây 220 kV Ô Môn - Sóc Trăng, Ô Môn - Thốt Nốt”.
Ngồi trên chiếc xuồng máy ba lá tròng trành, chúng tôi đến vị trí móng cột 177 ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, đây là đoạn giữa của tuyến 220 kV Ô Môn - Sóc Trăng do Công ty Mê ca VNECO đảm nhận thi công. Anh Nguyễn Toàn, phụ trách thi công về tiến độ dựng cột cho biết: “Thi công trong điều kiện khó khăn, bởi đang trong mùa nước nổi, nên việc đào đúc móng mất rất nhiều thời gian. Nhưng với tinh thần trách nhiệm của mình, anh em vẫn quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ”.
Tuyến đường dây 220 kV Ô Môn - Sóc Trăng có chiều dài 79 km với 205 vị trí móng cột và tuyến đường dây 220 kV Ô Môn - Thốt Nốt có chiều dài 27 km gồm 77 vị trí móng cột là hai trong số các công trình lưới điện đồng bộ của Cần Thơ và cũng là công trình chống quá tải cho cả khu vực. Hai tuyến đường dây này cùng với Trạm biến áp 500 kV Ô Môn hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng cắt điện luân phiên như hiện nay.
Thấy chúng tôi chăm chú nhìn anh em công nhân đang miệt mài be bờ tát nước để đúc móng, dựng cột, kỹ sư Trần Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Kỹ thuật của Tổng Công ty, bộc bạch: “Đã là đường dây thì công trình nào cũng giống nhau, đó là đào đúc móng, dựng cột và kéo dây, nhưng khó khăn thì mỗi một công trình lại khác nhau. Thời tiết ở Nam bộ trời nắng thì rất nắng, nhưng đến mùa nước nổi thì nước cũng rất lớn, vì vậy đòi hỏi người thi công phải luôn sáng tạo để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ngoài ra, ở đây nhà cửa, đồng ruộng và vườn cây ăn trái rất nhiều, nên việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng mất rất nhiều thời gian, đến nay, tuyến Ô Môn - Sóc Trăng vẫn còn 25 vị trí móng cột chưa được giải tỏa đền bù nên chưa thể thi công được”.
Nhận trách nhiệm thi công các công trình trọng điểm này, VNECO đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các công ty thành viên, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động lập kế hoạch, bố trí nhân lực và phương tiện thiết bị, xe máy thi công thích hợp... cũng như tìm mọi phương thức để huy động vốn, nhờ vậy mà chất lượng và tiến độ của các công trình luôn được đảm bảo.
Anh Hoàng Mạnh Cường, VNECO 8, người trực tiếp chỉ huy thi công tuyến đường dây 220 kV Ô Môn - Thốt Nốt, cho biết, đơn vị anh được giao nhiệm vụ thi công đoạn tuyến từ vị trí số 1 đến vị trí số 12. Mặc dù chỉ với 3,7 km nhưng phải kéo 18 sợi dây dẫn, 1 dây cáp quang và 1 dây chống sét. Đây cũng là một trong những đoạn khó khăn nhất của toàn tuyến, nhưng với kinh nghiệm và sự nỗ lực của cán bộ công nhân trên công trường, đến nay, đơn vị đã hoàn thành việc đúc móng, dựng cột và đang triển khai kéo dây, có đoạn đã lấy độ võng.
Nam bộ - mùa nước nổi, những kênh rạch chằng chịt khắp miệt vườn. Chính vì vậy mà việc vận chuyển nguyên vật liệu vào chân công trình gặp rất nhiều khó khăn. Trên 85% vật liệu, phụ kiện là phải vận chuyển theo đường kênh rạch, có những cuộn dây dẫn to, nặng anh em phải dùng cẩu “Ba lăng xích” để cẩu từ thuyền lên bờ, ngoài ra là khênh vác, gùi cõng và dùng cả xe đạp lôi để vận chuyển. Nói như anh em công nhân ở đây thì: “Kiểu gì cũng làm, miễn là vật liệu đến được công trình để thi công kịp tiến độ”.
Tiến độ và chất lượng là mục tiêu chung của VNECO. Riêng với những người thợ, họ hiểu sâu sắc rằng, chất lượng không đơn thuần là điều kiện để đảm bảo kinh doanh có lãi, mà nó còn biểu hiện đạo đức của người sản xuất - của những người thợ đường dây đang góp phần tích cực vào tiến trình CNH - HĐH đất nước./.