Tin trong nước

Điện về Tân Trạch

Thứ ba, 28/10/2008 | 10:13 GMT+7
Xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch là xã giáp biên giới Việt-Lào phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Đây là xã vùng, vùng xa đặc biệt khó khăn nằm heo hút, cách trở giữa dãy Trường Sơn. Từ khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, đi theo đường 20 gập ghềnh đèo dốc, với chiều dài khoảng 25 km, nhưng xe ô tô phải phải đi trên 2 giờ mới đến được xã. Tân Trạch là một trong 2 xã còn lại của Quảng Bình được xác định không có điều kiện để cấp điện lưới Quốc gia, nên cần được đầu tư cấp điện bằng năng lượng khác.

Vốn là một tộc người thiểu số chuyên sống trong các hang đá sâu giữa núi rừng, người Arem được bộ đội biên phòng đòn Cà Roong phát hiện và vận động xuống núi, thay đổi tập tục để sinh sống tại khu tái định cư do Chính quyền địa phương đầu tư từ năm 1994. Từ khi Tân Trạch có thêm bản đồng bào dân tộc Arem, nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước đến nay bản Arem từng bước được đổi thay để trở thành khu trung tâm của xã. Hiện nay, xã Tân Trạch có 51 hộ với 231 khẩu đồng bào Arem sinh sống. Trường THCS, Trung tâm Y tế xã đã được xây dựng phục vụ cho đồng bào. Tuy nhiên, điện sinh hoạt từ lâu vẫn là một vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm đối với khu vực miền núi rẻo cao này.

Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc, từ năm 2007 với nguồn vốn đầu tư của Tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với Điện lực Quảng Bình xác định tiến trình thực hiện dự án cấp điện bằng pin mặt trời với công suất 1,2 kW cấp điện cho Trường THCS, Trung tâm Y tế, trụ sở UBND xã và các hộ lân cận. Nhờ có điện mà xã được lắp hệ thống thu tín hiệu VINASAT để đồng bào xem được tivi. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ khi có điện, đồng bào Arem đã thay đổi nhiều từ lối sống và ý thức cộng đồng, Bà con được xem tivi như là câu chuyện “cổ tích” có nhiều điều mới là dần dần được mở ra trong tiềm thức, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hòa đồng giữa bản năng của người dân tộc thiểu số với cuộc sống hiện tại …

Ồn Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết: Là chủ đầu tư dự án, để cho công trình có tính bền vững, cấp điện ổn định lâu dài thì vấn đề quan tâm hiện nay trong quá trình triển khai dự án phải thực hiện đồng bộ với công tác quản lý kỹ thuật vận hành và bảo dưỡng thiết bị trong thời gian sử dụng. Đây là nội dung cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý Nhà nước, chuyên môn kỹ thuật và chính quyền địa phương hưởng lợi từ dự án nhằm khai thác tối đa hiệu quả từ việc có điện, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Theo Tạp chí Điện & Đời sống T10/2008