Tin mới nhất

Điều chỉnh giá điện năm 2009: Dự kiến, giá bình quân tăng dưới 10%

Thứ tư, 14/1/2009 | 09:11 GMT+7
Ngày 13-1, tại Hà Nội, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) tổ chức cuộc trao đổi về “Đề án giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường”, Đề án được xây dựng trên cơ sở căn cứ các Quy định của Luật Điện lực về chính sách giá điện; Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện; Thông báo số 176/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu hoàn chỉnh phương án giá điện và cơ chế thực hiện giá điện phù hợp với cơ chế thị trường và Thông báo số 235/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu “ về cơ chế giá điện phải tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường, không bao cấp, giảm bù chéo, đảm bảo cạnh tranh. Nhà nước quy định giá mua, bán điện theo hướng giá mua điện bảo đảm có lãi cho nhà sản xuẩt, Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

. Giá điện không đáp ứng được khả năng trả nợ

Qua kết quả kiểm tra thực tế sản xuất kinh doanh điện, các số liệu từ báo cáo kiểm toán tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của Kiểm toán nhà nước và đánh giá thẩm tra các số liệu tính toán báo cáo do EVN trình, cho thấy gần 2 năm thực hiện biểu giá điện hiện hành áp dụng từ ngày 1-1-2007, do những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước cũng như thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ nên việc tăng giá điện theo lộ trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg giá điện bình quân sẽ được tăng từ 1-7-2008 đã phải lùi lại. Vì vậy, biểu giá điện hiện nay không còn phù hợp,  không phản ánh đúng và đủ chi phí đầu vào của ngành điện cũng như không đáp ứng được khả năng trả nợ và vay vốn đầu tư các công trình mới.

Bộ Công thương cho biết, tỷ trọng các nguồn điện giá rẻ (các nhà máy thuỷ điện lớn) trong tổng sản lượng điện sản xuất ngày càng giảm, tỷ trọng các nguồn điện giá cao (Nhà máy điện tua bin khí, tua bin chạy dầu có giá nhiên liệu phụ thuộc vào giá dầu thế giới) tăng cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải. đã làm cho giá thành sản xuất điện nói chung tăng đáng kể, trong khi giá điện bán lẻ đầu ra không được điều chỉnh kịp thời, khiến cho việc cân bằng tài chính của EVN gặp khó khăn.

Do giá điện chưa được điều chỉnh theo đúng lộ trình nên giá một số nhiên liệu cho sản xuất điện cũng chưa được tăng. Giá than cho điện hiện chỉ bằng khoảng 50% giá thị trường, trong khi than cho điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng ngành than, điều này đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển của ngành than.

Nếu với tốc độ tăng nhu cầu điện của nền kinh tế như năm 2009 được tính bằng năm 2008 là 12,8% , thì nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển điện dự kiến khoảng 45-50 ngàn tỷ đồng, tính cả nguồn vốn của các doanh nghiệp ngoài EVN sẽ còn cao hơn. Năm 2008, do chưa thực hiện điều chỉnh giá điện đã làm giảm doanh thu sản xuất kinh doanh điện của EVN khoảng 980 tỷ đồng.

. Giá điện bán lẻ điện thấp nhất trong khu vực

Theo số liệu thống kê, giá bán lẻ điện bình quân năm 2007 là 860đ/kWh (tương đương 5,3 cent); năm 2008 là 870,44đ/kWh (tương đương 5,2 cent), thậm chí cho đến thời điểm hiện nay, do tỷ giá đồng đô la tăng cao thì giá điện bán lẻ điện chỉ tương đương 4,3 cent. Với giá điện trên, giá bán lẻ điện đang được áp dụng tại Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và châu Á (giá điện bình quân năm 2008 của một số nước như sau: Brunei: 6,2 cent; Campuchia 17,7 cent; Indonesia 6,8 cent; Lào 5,4 cent; Malaixia 7,7 cent; Myanma 6,5 cent; Philippine 17,5 cent; Singapore 13,1 cent và Thái Lan là 8,5 cent). Hiện nay, hầu hết các nước đều áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện theo thị trường với thời gian điều chỉnh từ 1 tháng đến 1 năm.

Với giá điện bán lẻ giữ ở mức thấp, những năm gần đây nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp có nghệ lạc hậu tiêu thụ nhiều điện như luyện thép, xi măng, hóa chất (đang bị đóng cửa hoặc bị cấm phát triển ở các nước lân cận) đã ồ ạt chuyển sang Việt Nam để tranh thủ lợi thế của giá điện rẻ. Tình trạng này cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhu cầu điện tăng cao căng thẳng trong cung cầu điện càng lớn. Với giá điện giữ ở mức thấp trong khu vực làm cho EVN không thể đàm phán mua điện từ các nguồn mới với giá cao để bán theo quy định. Điều này cũng là lực cản cho việc đầu tư và đưa vào vận hành các nguồn mới.

. Giá được đề xuất sẽ không gây tác động lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân

Qua phân tích đánh giá tác động của suy thoái toàn cầu, nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới sẽ thấp hơn dự kiến trong Tổng sơ đồ điện VI . Theo đó, Bộ Công thương đã đề xuất giá bán điện tăng bình quân dưới 10% vào năm 2009. Theo Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam, với mức tăng này, tác động của việc tăng giá điện đến toàn bộ nền kinh tế là tương đối nhỏ, bằng 0,44% GDP năm 2009. Ước tính sẽ làm giảm tốc độ tăng GDP năm 2009 khoảng 0,05%- 0,07%; trực tiếp làm tăng CPI khoảng 0,25%-0,3%.

Dự kiến, với giá điện năm 2009, các ngành sản xuất phải trả thêm khoảng 2.400-2.700 tỷ đồng tiền điện, bằng khoảng 0,36%-0,4% giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp. Một số ngành sản xuất 3 ca với chi phí tiền điện chiếm tới 40%-50% giá thành sản xuất như cấp nước, điện phân…giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm khoảng 3%-4%; các ngành cán thép, xi măng giá thành sẽ tăng thêm khoảng 0,4%-0,5%, ước tính giá thành từ 6.000-8.000đ/tấn sản phẩm.

Dự kiến giá bán điện cho khối hành chính sự nghiệp năm 2009 tăng khoảng 14%-16%, với tổng số tiền điện tăng thêm do tăng giá điện của các cơ quan hành chính sự nghiệp khoảng 430-480 tỷ đồng, bằng 0,4%-0,5%  tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước năm 2009 với ước khoảng gần 97 nghìn tỷ đồng.

. Giá điện cho sinh hoạt được đặc biệt quan tâm

Theo Cục Điều tiết điện lực, giá điện cho sinh hoạt dự kiến tăng khoảng 13%-17%, tổng số tiền điện tăng thêm từ nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt năm 2009 khoảng 2.770-3.500 tỷ đồng; tăng tiêu dùng cuối cùng của cá nhân khoảng 0,3%-0,35%, làm tăng chi tiêu tiền điện của các hộ gia đình thêm khoảng 3%.

Do giá điện vẫn giữ ở giá thấp cho 50kWh đầu tiên. Để thực hiện chính sách bù giá, nên các hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp có mức sử dụng dưới 50kWh/tháng (khoảng 653.000 hộ thuộc các Thành phố, Thị xã và 568.000 hộ thuộc khu vực nông thôn mua điện trực tiếp từ các công ty điện lực), chi phí tiền điện sẽ không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Theo đó, các hộ sử dụng dưới 50kWh/tháng, tiền điện tối đa phải trả thêm sẽ là 2.500đ/tháng, bằng 0,2% thu nhập của một hộ có thu nhập thấp nhất; hộ sử dụng 100kWh/tháng, tiền điện phải trả thêm vào khoảng 16.000đ/tháng, bằng 0,75%  của hộ dân có thu nhập dưới trung bình; hộ sử dụng 150kWh/tháng, tiền điện trả thêm từ 18.000-19.000đ/tháng, bằng 0,62% của hộ có thu nhập trung bình; hộ sử dụng 200kWh/tháng, phải trả thêm 21.000đ/tháng, bằng 0,47% hộ thu nhập khá và từ hộ sử dụng từ 300kWh/tháng, phải trả thêm 25.000-30.000đ/tháng, bằng 0,3% hộ thu nhập cao.

Tại cuộc trao đổi về Đề án giá điện, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa các ý kiến xoay quanh vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động và người tiêu dùng.

Bộ Công thương cho biết, từ năm 2010, cũng trong khuôn khổ Đề án giá điện năm 2009 và các năm 2010-2012, Bộ cũng đề xuất phê duyệt cơ chế giá bán điện theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, Bộ Công thương duyệt điều chỉnh tăng không quá 7% so với giá bình quân hiện hành . Trường hợp giá bán điện bình quân điều chỉnh tăng cao hơn 7% sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án giá điện 2009 đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ từ giữa tháng 12-2008. Hiện nay Bộ Tài chính đang thẩm định để báo cáo Chính phủ ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.

Bộ Công thương cho biết, nếu Đề án thông qua, dự kiến biểu giá điện mới sẽ được áp dụng vào cuối Quý I-2009 hoặc đầu Quý II-2009, Tuy nhiên, thời điểm cụ thể sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định./

Thanh Mai