Tin mới nhất

Ngăn sông Đà đợt 2 công trình thuỷ điện Sơn La thành công: Thành tích thuộc về những người công nhân thuỷ điện

Thứ ba, 23/12/2008 | 15:34 GMT+7
Chúng tôi trở lại công trình thuỷ điện Sơn La tại xã Ít Ong, huyện Mường la vào những ngày cuối năm để chứng kiến sự kiện ngăn sông Đà đợt 2 vào chiều ngày 23-12. Đây có thể được coi là sự kiện lớn không những của đồng bào Tây Bắc mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Bởi nó đánh dấu một sự kiện lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế công nghiệp nước nhà, ngày quyết định thời điểm phát điện lên lưới quốc gia của Nhà máy thuỷ điện vào loại lớn trên thế giới và là một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á cả về quy mô công suất, vốn đầu tư và di dân tái định cư.

Đại công trường thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trước giờ ngăn sông. Ảnh: Ngọc Hà

Do tiềm năng của sông Đà tác động đến các công trình xây dựng trong bậc thang ở khu vực Tây Bắc cũng như vùng châu thổ sông Hồng rất lớn nên nhiệm vụ của công trình thuỷ điện Sơn La đã được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 9 đề ra thông qua Nghị quyết với các nhiệm vụ: cung cấp điện năng để phát triển kinh tế-xã hội phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho đồng bằng Bắc Bộ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.

Sau đúng 3 năm kể từ ngày khởi công xây dựng công trình, Sơn La đã thay da đổi thịt, hình ảnh một Sơn La “đi dễ, khó về” đã lùi vào dĩ vãng. Trước mắt chúng tôi, Mường La heo hút ngày nào, nay đã trở thành phố phường nhộn nhịp suốt ngày đêm. Trung tâm phố huyện ở cách công trường 6km đã phát triển với nhiều loại dịch vụ tạp hóa, điện tử, cây xăng, nhà hàng đặc sản, khách sạn bề thế…Không như trước đây, từ Thị xã Sơn La, với hơn 40km đường đèo dốc, vào tới trung tâm huyện Mường La, phải đi mất cả ngày đường, thì bây giờ, đi xe máy chỉ hết hơn 1 giờ đồng hồ.

Trên công trường thuỷ điện Sơn La hôm nay đang hội tụ 4 bậc anh tài trong làng xây dựng thuỷ địên là: Tổng công ty sông Đà (tổng thầu), Tông công ty Lắp máy (LILAMA), Tông công ty phát triển hạ tầng (LICOGI), Tổng công ty xây dựng Trường Sơn. Theo đó, Tổng công ty sông Đà đảm nhiệm 70% khối lượng với công việc xây dựng nhà máy và đập dâng; Tổng công ty xây dựng Trường Sơn đang thi công sân tiêu năng, hố xói và mũi phóng; LILAMA lắp thiết bị và LICOGI thi công công trìnhh tràn với tổng số khoảng 6000-7000 công nhân (thời kỳ cao điểm lên tới 15.000 cán bộ, công nhân).

Trưởng Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La Nguyễn Hồng Hà cho biết, theo kế hoạch, thì đến 3-1-2009 mới tiến hành ngăn sông Đà đợt 2, nhưng sau khi xem xét điều kiện thuỷ văn cho thấy mực nước sông Đà đang giảm dần từ 1.200m3/s xuống còn 430m3/s, mực nước tại tuyến đập nhỏ hơn lưu lượng thiết kế ngăn sông là 988m3/s; đồng thời, công tác chuẩn bị của Chủ đầu tư và các nhà thầu cho việc ngăn sông đã hoàn tất, nên đã quyết định ngăn sông Đà đợt 2 sớm 7 ngày so với kế hoạch.

Trước giờ phút ngăn sông, từng đoàn xe vận tải hạng nặng nối đuôi nhau từ  sườn kênh bên phải chở đầy những tảng đá có đường kính đến 1m. Phó Giám đốc Ban Điều hành Dự án thuỷ điện Sơn La - Tổng công ty sông Đà Trần Văn Phòng nói, để chuẩn bị cho việc ngăn sông Đà đợt 2, các đơn vị thi công đã hoàn thành đường thi công hạ lưu từ ngày 5-12-2008; dự trữ 2.000m3 đá có đường kính 0,9m, 8.000m3 vật liệu lớp lọc, 40.000 m3 đất sét làm vật liệu chống thấm, cũng các thiết bị khác như máy đào, máy ủi, đầm rung, xe tải nặng, hệ thống máy bơm, thiết bị khoan gia cố, tuyến băng tải …

Đứng trên cao độ 205m, chúng tôi đã nhìn thấy bức tường bê tông chắn ngang dòng sông và các tổ máy đã được định hình. Nhiều hạng mục cũng đang được xây dựng như: nhà máy, kênh dẫn nước, mũi phóng, đập tràn…

Trưởng Ban quản lý dự án thuỷ điện Sơn La Nguyễn Hồng Hà cho biết, công việc sau ngăn sông sẽ còn rất nhiều, vì vậy, lực lượng thi công sẽ phải tổng lực làm việc liên tục 3 ca làm sao hoàn thành phần đập đến cao độ 126m vào ngày 2-4-2009 với tổng khối lượng bê tông phải thực hiện là 126.000m3 bê tông đầm lăn, chưa kể phải bơm hút khoảng 400.000m3 nước tại hố móng, khoan phun xử lý nền, để ngày 30-4-2009 đủ điều kiện cho nước tràn qua được, đảm bảo chống lũ 2009.

Ngăn sông Đà đợt 2 thành công sẽ rút ngắn được thời gian xây dựng công trình sớm được 1 năm so với dự kiến. Với thời gian được rút ngắn trên, sẽ làm lợi cho đất nước khoảng 1 triệu USD; đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng thiếu công suất của hệ thống điện Việt Nam.

Chúng tôi lên Sơn La đúng đợt gió mùa, cái lạnh của miền núi phía Bắc thật khắc nghiệt, như châm vào da thịt. Rừng Tây Bắc đã lác đác hoa mai trắng, hoa đào bích. Mùa này suối ít nước. Núi non trùng điệp . Sương mù dầy đặc. Tre nứa trúc mai vẫn rì rầm. Ruộng bậc thang, nhà ven suối, tất cả các làng tái định cư mang dáng dấp Tây Bắc trong sự chuyển mình theo nhịp sống mới. Trên đường Quốc lộ số 6 những chiếc xe tải nặng chuyên dụng vẫn cần mẫn chở thiết bị đi về phía công trình thuỷ điện Sơn La.

Những ngày ở Sơn La, tôi cảm thấy không khí ấm áp nơi đây, khi bóng tối viền quanh các ngôi nhà, tôi chợt nhận ra sự ấm cúng ấy được lan tỏa ra từ những ngôi nhà tái định cư, mà trong đó, người dân có cuộc sống sung túc hơn, đầy đủ hơn.

Tháng 12 ở Sơn La đang đi với những bước hồi hộp trong thời tiết, gió nắng ban ngày và mưa phùn giá lạnh ban đêm. Từ trong tĩnh lặng, một điệu khèn da diết trỗi lên và truyền qua đêm vắng. Điệu hát được gió đưa từ mái các nhà sàn sang tới công trình, có mỏng đi đôi chút nhưng vẫn khơi gợi và san sẻ./

Thanh Mai