Tin mới nhất

Ngành Điện tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn- Tại sao không?

Thứ sáu, 12/12/2008 | 10:07 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đang triển khai mạnh mẽ chương trình “Điện lực tiếp nhận lưới điện hạ áp ở khu vực nông thôn để đầu tư, cải tạo và bán điện trực tiếp đến tận hộ dân nông thôn”. Mục tiêu đến năm 2010 sẽ hoàn thành chương trên phạm vi toàn quốc. Đây không phải là lần đầu tiên EVN có chủ trương bán lẻ điện đến từng hộ dân, vì đến thời điểm tháng 8/2008, ngành Điện đã bán lẻ 3.854/8.843 xã trên toàn quốc (43,58%) với gần 5,73/13,1 triệu hộ dân nông thôn (43,7%).
 

Sau khi tiếp nhận, lưới điện hạ áp nông thôn đang từng bước được cải tạo để đáp ứng nhu cầu về điện của hộ dân nông thôn

Triển khai chương trình này, cho đến nay, ngành Ðiện đã làm việc và nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Bộ, Ngành chủ quản, các tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Ðặc biệt là sự quan tâm và ủng hộ của đại đa số người dân nông thôn có mức thu nhập trung bình và thấp (chiếm khoảng 80% số hộ nông thôn). Tuy nhiên, ở một vài nơi cũng có một số người, trong đó có cán bộ lãnh đạo còn nghi ngại vấn đề này, có thể do chưa nghiên cứu kỹ, chưa hiểu rõ cái lợi chung của việc ngành Ðiện tiếp nhận lưới điện nông thôn để bán lẻ trực tiếp.

 Ai lợi và lợi thế nào?

Sau nhiều lần trong nhiều năm, Nhà nước điều chỉnh tăng giá bán điện, nhưng giá bán điện cho sinh hoạt nông thôn vẫn giữ nguyên ở mức 390 đ/kWh (chưa có VAT), chưa bằng một nửa giá thành của EVN, chỉ bằng từ 1/2 đến 1/3, thậm chí 1/4 giá mà EVN phải mua của các doanh nghiệp khác, trong đó có cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và mua ngoài nước. Ngành điện tiếp nhận và bán lẻ trực tiếp đến hộ dân, xét về góc độ kinh tế có một số lợi ích sau: Năm 2007, EVN bán tổng cho khu vực nông thôn, giá điện sinh hoạt là 390 đ/kWh, VAT nộp cho Nhà nước tương ứng 39 đ/kWh. Theo thống kê của các công ty Ðiện lực (nơi có ngành Ðiện bán lẻ trực tiếp) thì  giá bán điện bình quân cho sinh hoạt ở khu vực này là 640 đ/kWh (trong đó  80% số hộ giá 550 đ/kWh), VAT tương ứng là 64 đ/kWh, chênh lệch + 25 đ/kWh. Cũng tại khu vực nông thôn, sản lượng điện thương phẩm giá 390 đ/kWh của toàn EVN là khoảng 7 tỷ kWh, nếu tốc độ tăng phụ tải 12% thì đến năm 2010 là 12 tỷ kWh, như vậy thuế tăng thêm do EVN thu nộp vào ngân sách Nhà nước là 12 tỷ kWh x 25 đ/kWh = 300 tỷ đồng. Nếu tính cả số hộ  đã tiếp nhận để bán lẻ (43,5%) trước tháng 8/2008 thì số tiền VAT, EVN nộp ngân sách sẽ khoảng 530 tỷ  đồng.

Theo các số liệu thống kê, hiện nay, tổn thất điện năng của các tổ chức bán điện nông thôn ngoài ngành Ðiện là khoảng 20% - 25%. Ngành Ðiện bán lẻ trực tiếp (có đầu tư cải tạo lưới và quản lý chặt chẽ) tổn thất khoảng từ 6 - 7% (nếu đầu tư tốt chỉ khoảng 5%). Như vậy, nếu ngành Ðiện trực tiếp quản lý và bán lẻ thì tổn thất khu vực nông thôn giảm được khoảng 13%-15%. Ðến 2010, nếu để các tổ chức khác bán (như hiện nay), mức tổn thất khoảng 20% thì lượng điện năng tổn thất là 2,4 tỷ kWh, như vậy chính người tiêu dùng là nông dân phải gánh chịu giá mua cao. Nếu để ngành Ðiện nhận quản lý, cải tạo và bán điện trực tiếp thì lượng điện năng tổn thất khoảng 0,84 tỷ kWh, giảm được 1,56 tỷ kWh. Với lượng điện năng này, nếu chỉ cần phát 6 h cao điểm /ngày thì phải có 1 nhà máy công suất 720 MW, gấp hơn 6 lần nhà máy thủy điện Thác Bà, gấp hơn 2 lần công suất nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, đồng thời phải đầu tư lưới điện truyền tải, phân phối để chuyển tải lượng điện tổn thất trên.

 Trong từng thời kỳ, ngân sách địa phương vẫn phải bỏ ra để đầu tư cho lưới điện nông thôn theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ví dụ dự án RE II, các tỉnh vay WB đầu tư cho lưới điện hạ áp nông thôn với số vốn hàng nghìn tỷ đồng (Riêng tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 300 tỷ đồng). Chất lượng điện năng chắc chắn được đảm bảo khi ngành Ðiện quản lý trực tiếp, không như các HTX dịch vụ điện hiện nay chỉ biết khai thác, không bỏ vốn đầu tư nâng cấp, nhiều nơi điện sáng không bằng đèn dầu, nến… Các máy móc nông cụ, dịch vụ và sinh hoạt không sử dụng được, tình trạng “ăn đèn, ngủ điện” thường xuyên xảy ra.

Nếu ngành Ðiện tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn, thì cả 3 nhà: Nhà nông, Nhà nước, ngành Ðiện đều có những lợi ích cơ bản như sau: 

Ðối với nhà nông: Khoảng 80% hộ dân có mức sống trung bình và thấp sẽ được hưởng lợi do chỉ phải mua điện với giá 550 đ/kWh cộng với 10% thuế VAT (100 kWh đầu tiên) thay vì phải mua với giá trên dưới 700 đ/kWh, có nơi > 1000 đ/kWh như hiện nay. Chất lượng điện năng được đảm bảo, được cung cấp điện ổn định hơn; không phải đóng góp tiền để đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa lưới điện đặc biệt khi có thiên tai, bão lũ, lốc lớn…; có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn; đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong việc sử dụng điện vì hệ thống công tơ đếm điện chính xác và giá điện thống nhất trên toàn quốc của Chính phủ; đảm bảo an toàn cao cho người nông dân sử dụng điện, vì ngành Ðiện có đội ngũ CBCNV chuyên nghiệp, có trình độ cao trong quản lý bán điện.

Ðối với Nhà nước: Ðã góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết TW 7 - khóa X và các nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo ra một bộ mặt mới của nông thôn Việt Nam khi được sử dụng điện như ở các thành thị. Không phải chi ngân sách lớn để đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn; tránh được sự bức xúc kiện tụng của người dân nông thôn khi hệ thống điện hạ áp ở nông thôn được đảm bảo do đã có chuyên ngành Ðiện lực lo. Tăng được nguồn thu đáng kể vào ngân sách (do tăng thuế VAT giá điện).

Ðối với ngành Ðiện: Những khó khăn của ngành sẽ rất lớn khi tiếp nhận và bán lẻ trực tiếp cho hàng chục triệu hộ nông dân: Tiền đầu tư lớn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa lưới điện nông thôn, quản lý phức tạp hơn… Nhưng cái lợi là chủ yếu như sau: Thực hiện tốt chủ trương quan trọng của Ðảng và Chính phủ giao là đảm bảo cấp điện đủ, an toàn, chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; nâng cao được giá bán điện để bù đắp cho chi phí vay và trả nợ các nguồn vốn vay để đầu tư xây dựng hệ thống nguồn và lưới điện quốc gia; tiết kiệm được nguồn năng lượng ngày càng quý hiếm và quan trọng hàng đầu của quốc gia do giảm được được tổn thất điện năng. Không phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà máy phát điện chỉ để bù cho phần tổn thất đó; tăng nộp ngân sách cho Nhà nước; rèn luyện đội ngũ CBCNV, nâng cao chất lượng quản lý KDÐN, nâng cao được uy tín của ngành Ðiện đối với xã hội.

Theo TCĐL số 11/2008