Điều ít biết về lưới điện thông minh ở Việt Nam

Thứ ba, 27/9/2022 | 09:26 GMT+7
Theo xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh 2021 của Tập đoàn Điện lực Singapore (SPGroup), 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt thứ hạng cao tại ASEAN và thế giới.
 
Ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng giám đốc EVNHCMC giới thiệu mô hình lưới điện thông minh.
 
Cụ thể, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) xếp thứ 53/86, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) xếp thứ 59/86 và Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) xếp thứ 67/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, EVNHCMC đạt 67,9/100 điểm, tăng 17 hạng so với năm 2020 vươn lên đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, bỏ xa các công ty điện lực đến từ Malaysia, Thái Lan hay Indonesia. Đây là bước đi ngoạn mục khi EVNHCMC chỉ mới đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện thông minh từ năm 2016.
 
Lưới điện thông minh do SP Group thực hiện đánh giá theo 7 lĩnh vực: Giám sát và điều khiển, phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp nguồn năng lượng phân tán, năng lượng xanh, an ninh lưới điện, trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng.
 
Đánh giá xếp hạng cho thấy mức độ hiện đại của hệ thống lưới điện so với thế giới. Hiện tại, mô hình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh của EVNHCMC được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến khích nhân rộng trên toàn quốc, giúp ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ điện tới khách hàng.
 
Những lợi ích vượt trội cho khách hàng
 
Lưới điện thông minh là hệ thống lưới điện sử dụng công nghệ số và những công nghệ tiên tiến khác, nhằm giám sát và quản lý việc truyền tải điện từ tất cả nguồn phát, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng với độ tin cậy cao, hiệu quả và an toàn.
 
Ở Việt Nam, từ cuối năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1670/QĐ-TTg về Phát triển Lưới điện Thông minh. Trong đó, EVN chịu trách nhiệm: Lập kế hoạch cụ thể để thực hiện cho chương trình, đề án, các nhóm công tác cho từng giai đoạn; tổ chức thực hiện các dự án lưới điện thông minh thí điểm ở Việt Nam phù hợp với các giai đoạn phát triển lưới điện thông minh được duyệt; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ quản lý và vận hành hệ thống lưới điện thông minh trong tương lai; đầu tư hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện phát triển lưới điện thông minh theo lộ trình được duyệt.
 
Theo các chuyên gia, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện thông minh là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung cũng như yêu cầu hiện đại hóa của một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù như ngành điện. Lưới điện thông minh mang lại rất nhiều lợi ích cho cả các đơn vị phân phối điện và khách hàng. Đầu tiên, nó giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm thiểu chi phí thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý thông thông tin…
 
Chi phí nhân công, vận hành cũng được giảm xuống tối thiểu nhờ ứng dụng công tơ điện tử/công tơ thông minh và các công nghệ cho phép thu thập số liệu, giám sát, điều khiển các thiết bị trên lưới điện từ xa thông qua mạng viễn thông.
 
Với các khách hàng, lưới điện thông minh giúp giám sát sản lượng điện năng tiêu thụ của các thiết bị tại thời điểm khác nhau theo thời gian thực, từ đó chủ động lựa chọn thiết bị và điều chỉnh hành vi sử dụng điện nhằm tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng sẽ mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị khi sử dụng các dịch vụ điện.
 
Nhân rộng mô hình ra nhiều công ty điện lực
EVNHANOI đã hoàn thành số hóa công tác điều độ - là bước đệm để xây dựng lưới điện thông minh.
 
Lộ trình đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện thông minh đã được các tổng công ty điện lực tích cực triển khai từ sớm.
 
Năm 2021, khi lần đầu tham gia đánh giá của SPGroup, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã đạt 64,3/100 điểm, xếp thứ 5 trong khối công ty điện lực các nước ASEAN, đứng thứ 59/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia.
 
Trong công tác quản lý vận hành lưới điện, EVNCPC cũng đã làm chủ công nghệ SCADA tại các trung tâm điều khiển và trạm biến áp 110 kV; thực hiện chuyển 100% các trạm biến áp 110 kV sang vận hành không người trực. 100% các thiết bị phân đoạn trên lưới điện có khả năng kết nối với SCADA về các trung tâm điều khiển để điều khiển xa. Hệ thống thiết bị được quy hoạch đồng bộ, bảo đảm khả năng quản lý và cấu hình tập trung, tối ưu về dự phòng thiết bị. Tỷ lệ cáp quang hóa đến tận quận/huyện đạt hơn 95%.
 
EVNHANOI cũng đã lên lộ trình chi tiết xây dựng lưới điện thông minh trong giai đoạn 2021-2025 với nhiều nhóm giải pháp: Quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật; kinh doanh, dịch vụ chăm sóc khách hàng và quản lý tài sản, quản trị nguồn nhân lực...
 
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng lưới điện thông minh và chương trình tăng cường độ tin cậy, ổn định hệ thống lưới điện trên toàn địa bàn 21 tỉnh thành (từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào).
 
Trong khi đó, với hệ thống lưới điện thông minh, EVNHCMC sẽ hoàn thành cơ bản mục tiêu chuyển đổi số vào năm 2022, trở thành doanh nghiệp số. Theo đó, ngành điện sẽ lấy khách hàng và người sử dụng điện làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ trực tuyến, góp phần nâng cao tính minh bạch trong quan hệ với khách hàng, kết nối liên thông và vận hành thích ứng với nền kinh tế số.
 
Những sự chuyển động từ các đơn vị thành viên đang giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại EVN - nơi được đánh giá là một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đối tác.
 
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện, EVN là một môi trường lý tưởng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị, nông thôn và là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
 
Theo: Zing News