Diễn đàn năng lượng

Doanh nghiệp đề xuất 108 giải pháp tiết kiệm năng lượng

Thứ hai, 27/5/2019 | 08:31 GMT+7
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về phát triển các dự án tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 24/5.
doanh nghiep de xuat 108 giai phap tiet kiem nang luong
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo.
 
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động, với nhịp độ phát triển khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với sự phát triển nhanh chóng ấy, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng ngày một gia tăng.
 
Trước thực trạng này, bên cạnh việc khai thác các nguồn năng lượng mới, nhất là các nguồn năng lượng sạch, theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ TKNL và phát triển bền vững (Bộ Công Thương), vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng cần phải được chú trọng đẩy mạnh.
 
Đặc biệt, mới đây, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 (Chương trình VNEEP 3). Theo đó, chương trình đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như tiết kiệm từ 5 -7% so với tổng mức tiêu thụ năng lượng, giảm mức tổn thất điện năng xuống dưới 6,5%, đồng thời đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về mức tiết kiệm năng lượng cho một số ngành nghề trọng điểm, tiêu thụ nhiều năng lượng trong giai đoạn 2019 – 2025.
 
Chính vì vậy, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” đã góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các công ty dịch vụ năng lượng và tạo môi trường thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK&HQNL), góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Lâm Giang chia sẻ thêm.
 
Theo ông Kim Jinoh - Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam - với tư cách là cơ quan phụ trách viện trợ ODA của Chính phủ Hàn Quốc, KOICA đã làm việc với Bộ Công Thương và các bên có liên quan, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình VNEEP. Dự án này sẽ xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.
 
Dự án gồm 3 hợp phần chính gồm: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp; Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 12/2017 đến tháng 12/2019.
 
Đối tượng thụ hưởng chính của dự án gồm các trung tâm TKNL và các công ty dịch vụ năng lượng, các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc quản lý lĩnh vực TKNL, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, những doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Theo Vụ TKNL và phát triển bền vững, thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ TKNL của hơn 2.400 doanh nghiệp và sử dụng năng lượng trọng điểm, dự án đã lựa chọn 10 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như giấy, bột giấy, thức ăn chăn nuôi, thép, xi măng, hóa chất, lọc hóa dầu, dệt may. Kết quả, có 108 giải pháp TKNL được đề xuất. Thực hiện các giải pháp này, các doanh nghiệp có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78.000 USD (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng). Với mức đầu tư dự kiến gần 200.000 USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606.000 tấn CO2/năm.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung về tiềm năng TKNL tại các doanh nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dịch vụ TKNL của các công ty dịch vụ năng lượng và các trung tâm TKNL. Từ đó, thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư TK&HQNL ở Việt Nam.
 
“Thông qua hội thảo này, Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp công nghiệp nhận diện được các giải pháp TKNL, chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án cũng như tiếp cận các nguồn tài chính cho vay nhằm triển khai các dự án TKNL” - bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh.
Theo: Báo Công Thương