Một dự án điện mặt trời được thực hiện tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
Chiều 20/5, Sở Công thương và Công ty Điện lực Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo phát triển điện mặt trời mái nhà. Hội thảo thu hút được sự tham gia của 80 khách hàng tiềm năng và các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, dịch vụ và thiết bị liên quan đến điện mặt trời.
Ông Vũ Ngọc Đức - Phó Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo - Viện năng lượng nhận định: “Với số giờ nắng trung bình trong năm khá lớn, bức xạ mặt trời cao, Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng lớn nhất trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà”.
Bản đồ tiềm năng mặt trời lý thuyết khu vực tỉnh Quảng Ngãi (nguồn của Solargis) cho thấy, khu vực có bức xạ tổng cộng theo phương ngang từ 1.800 kWh/m2/năm tập trung chủ yếu ở khu vực nửa phía Đông của tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai phát triển năng lượng điện mặt trời. Tính đến tháng 5/2019 đã có 28 khách hàng với tổng công suất hơn 130Mwp.
Theo các đơn vị cung cấp hệ thống điện mặt trời, mỗi Mwp có mức đầu tư từ 18 - 22 triệu đồng. Đối với hộ gia đình có thể lắp đặt hệ thống có công suất từ 3 - 5 Mwp và qua tính toán từ sau 5 - 6 năm có thể hoàn vốn. Hệ thống có thời hạn sử dụng trong khoảng 25 năm, vừa cung cấp điện cho gia đình và nếu có lượng điện không sử dụng hết cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Về giải pháp hỗ trợ tài chính, ông Huỳnh Tấn Hùng - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, đối với dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà, tỷ lệ tài trợ của HDBank lên đến 70% đối với khách hàng doanh nghiệp và từ 70 - 75% đối với khách hàng cá nhân.
Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại hội thảo.
Dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Hội thảo phát triển điện mặt trời mái nhà là hội thảo quan trọng và có ý nghĩa về cả mặt kinh tế, môi trường, có lợi cho cả người dân, nhà đầu tư, cũng như lợi cho đất nước.
Ông Bính đánh giá cao sự tiên phong của ngân hàng HDBank trong việc triển khai vay vốn chương trình này. Tuy nhiên, hiện mức đầu tư cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khá cao, do đó ngân hàng cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi và dễ dàng hơn.
“Thường những người có điều kiện kinh tế mới có khả năng lắp đặt điện mặt trời mái nhà vì mức đầu tư lớn, do đó ngân hàng HDBank nên có cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân tham gia”, ông Bính nói.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, TP tích cực triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để phát triển điện mặt trời.
Theo ông Võ Đình Trà - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi, "Hội thảo phát triển điện mặt trời trên mái nhà" có mục đích kết nối khách hàng, chủ đầu tư, các nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời, tổ chức tài chính và ngành điện; giới thiệu lợi ích của điện mặt trời; cùng thảo luận để đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà ở khu vực tỉnh Quảng Ngãi.
"Đầu tư điện mặt trời nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho khách hàng, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chủ trương khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo của Chính phủ trong bối cảnh các nguồn phát điện truyền thống ngày càng khan hiếm, đắt đỏ và nhu cầu sử dụng điện tăng cao", ông Trà nói.