Buổi đối thoại, vận động các hộ dân hỗ trợ mặt bằng thi công. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Khác với các dự án có phần việc giải tỏa đền bù, các hộ dân sinh sống, có đất, nhà ở, công trình, vật kiến trúc... trong hành lang đường dây điện trên không có điện áp 220kV thuộc khoảng cột VT01-VT02, nối từ trạm biến áp 220kV Hòa Khánh đến tuyến đường dây đã được hoàn thành, không phải giải tỏa, di dời chỗ ở do nhà ở, công trình xây dựng hiện trạng được các cơ quan chức năng xác định có đủ điều kiện tồn tại, an toàn theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Qua trắc đạc, điểm cao nhất của nhà dân hiện trạng (nhà cao nhất) so với mặt đất là 9m. Khoảng cách từ dây dẫn điện 220kV khi đạt trạng thái võng cực đại theo thiết kế đến nhà dân gần nhất là 18,3m.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ, khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái vòng cực đại không nhỏ hơn 6m.
Căn cứ theo quy định nói trên, nhà ở của người dân gần đường dây nhất, còn cách khoảng an toàn của dây dẫn điện 220kV hơn 12m (đã trừ đi 6m cách dây dẫn điện).
Do đó, toàn bộ diện tích đất trong hành lang đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu của các hộ dân không bị thu hồi, người dân vẫn quản lý, sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai và điện lực.
Các nhà ở, công trình, vật kiến trúc... không phải phá dỡ, người dân vẫn sinh sống, làm việc... bình thường.
Tuy nhiên, việc sử dụng đất của người dân bị ảnh hưởng vì bị khống chế chiều cao xây dựng tối đa để bảo đảm khoảng cách từ phần nhô ra của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện 220kV không nhỏ hơn 6m, trong đó, hộ dân ở gần dây dẫn điện nhất có thể xây dựng nhà ở 3 tầng.
Khi xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu, người dân liên hệ với với chính quyền địa phương Công ty Truyền tải điện 2 (174 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng) để được hướng dẫn bảo đảm an toàn theo quy định.
Theo Giám đốc Ban giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu Nguyễn Đây, tuy không bị thu hồi đất nằm trong hành lang đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu, nhưng do bị hạn chế khả năng sử dụng đất nên chủ sử dụng đất được Nhà nước hỗ trợ về đất tối đa đến 80% đơn giá bồi thường thu hồi đất cùng loại đối với phần diện tích nằm trong hành lang nói trên.
Còn nhà ở, công trình, vật kiến trúc... trên diện tích nằm trong hành lang này được hỗ trợ 100% giá trị theo đơn giá. Riêng đối với nhà ở, công trình, vật kiến trúc... được xây dựng trên diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nằm trong hành lang đường dây điện 220kV) thì được hỗ trợ 80% giá trị nếu xây dựng trước ngày 1-7-2004, 50% giá trị nếu xây dựng từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2014.
“Việc áp giá hỗ trợ về đất, nhà ở, công trình, vật kiến trúc... của Ban giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu đúng theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Nguyễn Đây nói.
Tuyến đường dây 220kV Hòa Khánh - Hải Châu chỉ còn một khoảng cột chưa được kéo dây. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tại buổi đối thoại, các hộ dân đề nghị hội đồng giải phóng mặt bằng dự án hỗ trợ thêm đối với diện tích đất và nhà ở bị ảnh hưởng chéo góc bởi hành lang đường dây điện 220kV; hỗ trợ thêm do chênh lệch giá thị trường và đơn giá của Nhà nước; hỗ trợ về giá đất đối với diện tích đất và nhà ở trên đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ khó khăn, mất thu nhập, nhất là đối với hộ kinh doanh phòng trọ do công nhân không thuê trọ khi đường dây điện hoàn thành...
Người dân cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy xác nhận phạm vi xây dựng nhà ở, công trình không nằm trong khoảng cách (6m) bảo vệ an toàn dây dẫn điện 220kV; có giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở lại trong hành lang đường dây điện 220kV...
Khu vực hành lang đường dây 220kV không bị thu hồi đất, các nhà dân, công trình được xác định có đủ điều kiện tồn tại. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Phòng đền bù, Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung thông tin, do được thiết kế đặc biệt nên cột néo dây rất cao, khoảng cách từ dây dẫn điện 220kV thấp nhất được thiết kế đến mặt đất tự nhiên từ 24-36m, nên tăng độ an toàn cho người dân đỡ lo lắng.
Người dân yên tâm là sau này, khi xây dựng nhà mới thì hộ ở gần đường dây nhất vẫn xây được thấp nhất 3 tầng, mà vẫn còn cách dây dẫn điện hơn 6m nên bảo đảm an toàn.
Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung đã gửi thông báo đến từng hộ dân hướng dẫn về an toàn điện trong hành lang đường dây điện 220kV Hòa Khánh - Hải Châu và việc xây dựng, cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình sau này.
Trạm biến áp 220kV Hòa Khánh đang chờ được đóng điện về trạm biến áp 220kV Hải Châu để cấp điện cho trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
“Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung mong người dân đồng thuận, hỗ trợ đơn vị thi công có thế triển khai việc kéo dây điện từ đầu tuần sau để đáp ứng tiến độ đóng điện trong tháng 4-2024, bảo đảm cấp điện cho trung tâm thành phố Đà Nẵng từ mùa hè này”, ông Nguyễn Văn Tuấn đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Huỳnh Anh Vũ khẳng định, dự án đường dây 220kV Hòa Khánh - Hải Châu là dự án trọng điểm, động lực và rất quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng, đời sống dân sinh và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng hành lang tuyến, đến thời điểm này, Ban giải phóng mặt bằng quận Liên Chiểu đã thực hiện đúng các quy định của Trung ương cũng như thành phố. Đối với các kiến nghị của các hộ dân, quận sẽ tích cực xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.
Đối với một số kiến nghị vượt quá thẩm quyền của hội đồng giải phóng mặt bằng của quận nên quận sẽ đề xuất thành phố xem xét trong khả năng, phạm vi các quy định của pháp luật.
“Do không thu hồi đất cũng như không tháo dỡ nhà cửa, công trình nên quận cũng mong người dân tạo điều kiện, hỗ trợ cho đơn vị thi công kéo đường dây điện trên không để sớm hoàn thành, đóng điện”, ông Huỳnh Anh Vũ đề nghị.
Link gốc