Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đó là khẳng định của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam- Dương Quang Thành tại Hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của EVNNPT. Cùng với việc đảm bảo tiến độ khởi công và hoàn thành khoảng 80 dự án, công trình lưới điện, phải tập trung mọi nỗ lực và phương tiện để đảm bảo vận hành an toàn các đường dây và trạm biến áp, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong bối cảnh tiếp tục truyền tải cao để đảm bảo cung cấp điện là yêu cầu đặt ra trong năm 2023 đối với EVNNPT.
Mặc dù phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn như phương thức vận hành thay đổi so với kế hoạch đầu năm, giá nguyên vật liệu và thiết bị, tỷ giá đồng đô la Mỹ tăng cao, công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải tiến triển chậm do các khó khăn vướng mắc kéo dài trong thủ tục đầu tư và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng... song, năm 2022 Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; trong đó, đã đóng điện được 42 dự án lưới điện (trong kế hoạch phải hoàn thành 71 dự án). Đáng ghi nhận trong số đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện, nhập khẩu điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện, như: đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Vân Phong - Vĩnh Tân, đường dây 500kV Tây Hà Nội - Thường Tín, Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; TBA 500 kV Vân Phong...
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận và biểu dương Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) và các đối tác, nhà thầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành vượt tiến độ Dự án TBA 500kV Vân Phong và đấu nối, sẵn sàng giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tránh được việc phải bồi thường theo các cam kết.
Chia sẻ về công trình lưới điện quan trọng này, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc của lãnh đạo Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, Ban quản lý dự án đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, thành lập Ban điều hành cùng với 4 ban tiền phương để triển khai dự án đường dây 500 kV Vân Phong - Vĩnh Tân này.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Trong năm qua, EVNNPT cũng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh – đầu tư xây dựng, tích cực triển khai, tập trung nguồn lực xác định nhiệm vụ và phát triển các trọng tâm chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực. Trong đó đã hoàn thành xây dựng phần mềm, triển khai số hóa hoàn toàn công tác kiểm tra quản lý vận hành đường dây, vận hành trạm biến áp và công tác thí nghiệm; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh và đánh giá tình trạng thiết bị trên lưới truyền tải điện; Trang bị UAV và lắp đặt 65/349 camera AI/camera giám sát đường dây; Chuyển 115/146 TBA 220kV sang vận hành không người trực… là cơ sở để thực hiện kế hoạch đến năm 2025 đạt 100% các TBA 220kV chuyển sang vận hành không người trực…
Phát huy các kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2022, EVNNPT cam kết trong năm 2023 sẽ tập trung mọi nỗ lực để quản lý, vận hành lưới điện truyền tải an toàn, liên tục, ổn định, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân với dự kiến sản lượng điện truyền tải khoảng 217,8 tỷ kWh, tăng 2,97% so với thực hiện năm 2022; Tỷ lệ tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 2,56%; Nỗ lực khởi công 35 dự án và hoàn thành, đưa vào vận hành 44 dự án lưới điện truyền tải theo đúng tiến độ được duyệt; Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty…
Cùng với các công việc như kế hoạch, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đề nghị EVNNPT cần nghiên cứu tính toán phương án “giá/phí truyền tải” để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này theo chủ trương xã hội hoá lưới điện truyền tải.
"Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cần phải nghiên cứu xây dựng giá truyền tải theo cấp điện áp, lúc đó giá truyền tải mới linh hoạt được, mới chủ động và tính toán hiệu quả của nhà đầu tư được. Chúng ta cũng phải kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh lại tính toán giá truyền tải theo cấp điện áp. Trước đây đầu tư lưới điện truyền tải đương nhiên là Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia, nhưng bây giờ không phải đương nhiên nữa. Luật điện lực rồi các chủ trương của Đảng, Chính phủ là xã hội hóa lưới điện truyền tải. Hiện nay, Bộ đang xây dựng Thông tư, Nghị định để xem xã hội hóa những phần nào. Nhưng ít nhất là đấu nối của các nhà máy, đầu nối của phần cung cấp phụ tải cho các hộ công nghiệp, khách hàng lớn thì có thể xã hội hóa được, không nhất thiết là phải Tổng Công ty truyền tải".
Người đứng đầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nhấn mạnh, EVNNPT cần tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ của chủ đề năm 2023 trong toàn Tập đoàn là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, nâng cao hiệu quả công tác tài chính, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh có lợi nhuận… Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần cùng Tập đoàn hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ của EVNNPT trong kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số của Tập đoàn; Tích cực triển khai ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung vào áp dụng các công nghệ, thiết bị mới, hiện đại trong quá trình quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành để cải thiện các chỉ tiêu kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.