Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chỉ đạo khắc phục sự cố do bão số 10 gây ra tại Hà Tĩnh trong đêm ngày 15/9.
Ngành Điện đã phản ứng ngay lập tức khi đồn hết tâm, dồn hết sức để nhanh chóng cấp điện trở lại cho nhân dân.
Cơn bão số 10 đổ bộ và các tỉnh miền Trung nước ta được đánh giá là cơn bão mạnh, thời gian kéo dài nên đã gây thiệt hại nặng nề cho 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, cùng với đó là rất nhiều tỉnh khác bị ảnh hưởng như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Chính vì thế, ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 tại TP. Hồ Chí Minh sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam theo chương trình dự kiến trước đó để ra Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An chỉ đạo ứng phó, khắc phục sau bão.
Tận mắt chứng kiến những thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra tại vùng tâm bão Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Thủ tướng chỉ thị: “bằng bất kỳ mọi giá, không để nhân dân thiếu đói, cấp ủy, chính quyền phối hợp với các bộ, ngành liên quan nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão gây ra để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Trước mắt, bằng mọi giải pháp phải tập trung nhân lực, vật lực khắc phục hệ thống lưới điện để trong thời gian ngắn nhất cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân”.
Ngành Điện không quản ngại khó khăn sớm khắc phục sự cố điện trở lại cho nhân dân.
Chỉ đạo tại 2 cuộc họp nhanh với tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, ngay sau báo cáo của lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “ưu tiên” ngành Điện báo cáo trước trong số các bộ, ngành bởi theo Thủ tướng, “ngành Điện là ngành cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng, các tác động rất lớn đến các ngành khác trong công tác khắc phục sau bão. Chính vì thế ngành Điện phải nhanh chóng khắc phục, huy động tất cả lực lượng điều người từ miền Bắc vào, miền Trung ra và thậm chí nếu cần thiết phải điều người từ miền Nam ra”.
Tức tốc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay trong đêm 15/9, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN EVN đã làm việc với Công ty Điện lực Quảng Bình và sáng ngày 16/9 làm việc với Công ty Điện lực Hà Tĩnh yêu cầu 2 đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại, kiểm kê tài sản, huy động toàn bộ nhân lực của Công ty và các nhà thầu, đồng thời yêu cầu khẩn trương khắc phục sự cố sớm nhất có thể để cấp điện trở lại cho nhân dân.
Không được phép chần chừ, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã ngay lập tức điều động 9 đơn vị trực thuộc như Công ty Điện lực Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Công ty Lưới điện cao thế miền Trung… tham gia hỗ trợ khắc khục thiên tai cho Công ty Điện lực Quảng Bình và đã huy động các đơn vị thi công lưới điện trên địa bàn tham gia khắc phục. Trong đó huy động tổng số lực lượng lên tới 1.013 công nhân và 68 xe cơ giới, 47 xe chở người, 15 xe xúc và các vật tư thiết bị từ các đơn vị trong toàn EVNCPC.
Với quyết tâm cao độ đó, đến 15 giờ ngày 20/9, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã cấp điện bình thường cho toàn bộ lưới điện của tỉnh Quảng Bình. Ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện Quảng Bình đã chia sẻ: “Các anh em đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người thợ điện. Nếu không có sự giúp đỡ này, thời gian khắc phục sự cố điện tại Quảng Bình chắc chắn không thể thực hiện như tiến độ yêu cầu”.
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và huy động bằng mọi nguồn lực tối đa, đã huy động 22 nhà thầu thi công (420 người) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, cùng với việc huy động Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (gồm Chi nhánh lưới điện cao thế Nghệ An và Thanh Hóa -25 người). Đồng thời yêu cầu cán bộ Văn phòng Công ty (80 người), các Điện lực trực thuộc (70 người), lực lượng tại chỗ của Điện lực Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (160 người), thợ điện nông thôn (160 người) và hàng trăm người dân cùng tham gia khắc phục.
Ông Nguyễn Phúc Phong – Giám đốc Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: Tỉnh Hà Tĩnh đánh giá đây là cơn bão lớn nhất trong 27 năm qua đi vào tỉnh nên đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh, trong đó ngành Điện ước thiệt hại 70 tỷ đồng. Sau khi bão qua, những huyện/thị bị thiệt hại nhẹ hơn nhanh chóng củng cố lại lưới sau đó tới thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh để tập trung khắc phục cho vùng tâm bão này.
Ông Phong chia sẻ thêm: “Lưới điện Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề, cùng với đó một số khu vực bị ngập úng, một số khu vực ở phía rừng núi huyện Kỳ Anh cực kỳ khó khăn nên việc cấp điện trở lại cho bà con chậm hơn một chú. Tuy nhiên, Công ty đã dồn hết tâm sức để sớm cấp điện trở lại cho nhân dân và tính đến trưa ngày 24/9, gần 420.000 khách hàng trong tỉnh đã được cấp điện trở lại”.
Đánh giá về những nỗ lực của ngành Điện tại địa phương, ông Bùi Quang Hoàn – Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho rằng: Bão số 10 là cơn bão mạnh gây thiệt hại cho huyện ước tính 1.300 tỷ đồng (bằng 10 năm thu ngân sách của huyện), trong đó ngành Điện là ngành hạ tầng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng ngành Điện đã nhanh chóng cấp điện trở lại cho trung tâm để phục vụ công tác chỉ huy. Những ngày vừa qua, ra ngoài đường đều thấy bóng dáng những người mặc áo cam không quản ngày đêm nhanh chóng khắc phục sự cố cấp điện trở lại cho nhân dân.
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN EVN, bão số 10 đã làm ảnh hưởng đến 1,5 triệu khách hàng bị mất điện, trong đó toàn bộ tỉnh Hà Tĩnh với 419.512 khách hàng bị mất điện và toàn bộ tỉnh Quảng Bình với 257.124 khách hàng bị mất điện. Nhưng chỉ sau hơn 1 ngày, ngành Điện đã cấp điện trở lại cho trên 1,2 triệu khách hàng. Và đến trưa ngày 24/9 đã cấp điện trở lại cho toàn bộ người dân.