Đóng điện nhiều dự án giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo

Thứ tư, 1/2/2023 | 10:29 GMT+7
Năm 2022, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã đóng điện được 42 dự án.

Thi công tại vị trí cột 39 ĐZ 500kV Nhiệt điện Vân Phong-Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo (NLTT), thủy điện, nhập khẩu điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như: các đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, Vân Phong - Vĩnh Tân, Tây Hà Nội - Thường Tín, Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; trạm biến áp (TBA) 500 kV Vân Phong; nâng công suất các TBA 500 kV Nho Quan, Đăk Nông, Sông Mây, Nhà Bè; Các đường dây 220 kV Thanh Hóa - Nghi Sơn - Quỳnh Lưu, Lào Cai - Bảo Thắng, Bắc Giang - Lạng Sơn, Nâng khả năng tải các đường dây 220 kV Việt Trì - Phú Thọ, Việt Trì - Vĩnh Tường; các TBA 220 kV Tương Dương, Yên Hưng, Bắc Quang, Cam Ranh...

Đánh giá của EVNNPT cho thấy, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh các khó khăn, vướng mắc kéo dài trong chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2022 đã thể hiện sự cố gắng rất lớn của Tổng Công ty và các đơn vị trong năm qua hoàn thành khối lượng đầu tư với giá trị 16.868 tỷ đồng, đạt 83,1% kế hoạch, giải ngân là 16.524 tỷ đồng, đạt 81,4% kế hoạch. Từ đó, góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn điện NLTT cũng như đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, EVNNPT cũng khởi công được 28 dự án; trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như đường dây 500 kV đấu nối TBA 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, TBA 500 kV Vĩnh Yên, nâng công suất TBA 500 kV Sông Mây; các đường dây 220 kV Ninh Phước - Thuận Nam, Thạnh Mỹ - Duy Xuyên; các TBA 220 kV: Khu kinh tế Nghi Sơn, Pắc Ma, Phú Thọ 2... 

Ngoài ra, EVNNPT phê duyệt được 24 báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, 15 báo cáo nghiên cứu khả thi; phê duyệt 40 thiết kế kỹ thuật. Đồng thời lựa chọn nhà thầu cho 943 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 10.626,58 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,61%; Tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng cho 769 gói thầu, đạt tỷ lệ 98,21% về số lượng gói thầu và chiếm tỷ lệ 85,38% về giá trị trong tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi. 

Cũng theo EVNNPT, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong các tháng đầu năm 2022, vướng mắc kéo dài trong phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, giá nguyên vật liệu tăng cao, khó khăn trong BTGPMB và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng..., tuy nhiên, EVNNPT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách như các dự án đường dây 500 kV mạch 3, các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Đường dây 500kV Quảng Trạch – Dốc Sỏi đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, EVNNPT đã kịp thời có văn bản đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo chính quyền các cấp tháo gỡ vướng mắc trong BTGPMB; tổ chức các đoàn công tác làm việc với các cấp ủy, chính quyền địa phương, kiểm tra tình hình thi công các dự án trọng điểm, cấp bách như dự án Trạm biến áp 220kV Bắc Quang và đấu nối, các dự án đường dây 500 kV mạch 3, dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong.... Tổng công ty cũng huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí những cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt nhất cho các dự án trọng điểm, cấp bách; đảm bảo nhân lực cho các Ban tiền phương, Ban điều hành đối với các công trình trọng điểm. Trên thực tế, các Ban này đã phát huy hiệu quả hoạt động, chủ động, linh hoạt trong điều hành dự án, đặc biệt trong giai đoạn cách ly phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Lãnh đạo Tổng Công ty, các Ban Quản lý dự án và các phòng, ban chuyên môn liên quan thường trực trên công trường để điều hành, phối hợp với các đơn vị tư vấn, nhà thầu và chính quyền địa phương kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong BTGPMB, thi công dự án, điển hình là các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, EVNNPT đã nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ rất sâu sát của Tập đoàn; sự ủng hộ và phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua. 

Mặt khác, để thích ứng, chủ động, sẵn sàng thi công trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách, EVNNPT đã áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý tiến độ, chất lượng và nghiệm thu như: Nhật ký thi công và biên bản nghiệm thu điện tử, lắp đặt và sử dụng camera giám sát các TBA, dán nhãn các vật tư thiết bị bằng QR code, quản lý bằng công nghệ AI... trong tất cả các dự án đầu tư xây dựng.

EVNNPT cho biết, khối lượng đầu tư xây dựng và số dự án khởi công, đóng điện năm 2022 chưa đạt so với kế hoạch do nguyên nhân chủ yếu như việc phê duyệt chủ trương đầu tư và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án bị chậm do các khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm việc với các chính quyền địa phương, các bộ ngành.

Bên cạnh đó, khó khăn trong thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài. Nhiều dự án phải điều chỉnh tuyến theo yêu cầu của địa phương dẫn đến phải phê duyệt tại thiết kế. 

Trong khi đó, chất lượng tư vấn, từ khâu khảo sát đến khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tiền khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công chưa cao, vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần. Vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng. Một số nhà thầu thi công năng lực yếu đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng theo các quy định của nhà nước (đặc biệt sau khi Quốc hội có Nghị quyết số 61/2022/QH15) cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án đi qua đất rừng. Đáng chú ý, khó khăn, vướng mắc rất lớn trong giải phóng mặt bằng đã gây ảnh hưởng đến tiến độ nhiều số dự án như: các đường dây 500 kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Chơn Thành - Đức Hòa; các đường dây 220 kV: Nậm Sum - Nông Cống, Hải Dương - Phố Nối, Quảng Ngãi - Quy Nhơn...

Đặc biệt, do biến động về giá cả thị trường nên rất nhiều gói thầu chào vượt giá dự toán gói thầu dẫn đến phải xử lý tình huống đấu thầu, thậm chí phải huỷ thầu để tổ chức đấu thầu lại, kéo dài thời gian trong đấu thầu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

 

Mai Phương