Đơn vị thi công đổ trụ, móng trên đồng ruộng tại huyện Đông Hòa - Ảnh: NGÔ XUÂN
Đến hết thời gian của dự án (cuối tháng 12/2018), nếu công trình không hoàn thành, chủ đầu tư sẽ rút vốn và chuyển đi nơi khác.
Vướng giải phóng mặt bằng
Theo Công ty Điện lực Phú Yên, dự án Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối tỉnh Phú Yên có hơn 49,3km đường dây trung áp, gần 64,5km đường dây hạ áp và 34 trạm biến áp được xây dựng mới hoàn toàn; phần còn lại là cải tạo, nâng cấp đường dây, trạm biến áp đã xuống cấp. Trong đó có đến 82% tổng chiều dài tuyến là đường dây hạ áp cấp điện trực tiếp đến các hộ dân, trải dài trên địa bàn 65 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, nhiều địa bàn có lưới điện lạc hậu nhưng ngành Điện chưa có kinh phí tu sửa cũng được ưu tiên đưa vào đầu tư, nâng cấp trong dự án này. Có thể thấy, người dân chính là đối tượng được hưởng lợi nhất sau khi dự án hoàn thành. Vì vậy, ngay từ khi mới có chủ trương đầu tư, người dân trong tỉnh đều rất đồng tình.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tạo mọi điều kiện để dự án triển khai đúng tiến độ. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng khởi công, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã vấp phải rất nhiều khó khăn vì không thể giải phóng mặt bằng. Tiêu biểu, tại khu phố Phú Thọ 3 (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa), ngành Điện sẽ xây dựng mới hoàn toàn 1 trạm biến áp công suất 100kVA, 1 đường dây trung áp 22kV dài 215m, gồm 7 trụ điện (5 vị trí móng, cột) thay thế lưới điện ở khu vực này đã xuống cấp. Thế nhưng, nhiều hộ dân ở khu vực này không đồng tình với việc giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công làm việc.
Giải thích về nguyên nhân phản đối, ông Bùi Sâm ở khu phố này, nói: “Dự án mang lại lợi ích cho dân thì chúng tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên, Nhà nước nên ưu tiên xây móng, trụ điện ngoài phần đất của dân. Nếu buộc phải xây vào đất dân thì phải thỏa thuận theo giá trị trường vì giá đất ở đây đang tăng mạnh. Chưa kể, nếu dựng trụ điện ngay trong lô đất, thì sau này việc xây nhà sẽ rất phức tạp nên chẳng ai muốn”. Không chỉ ông Sâm, hiện nhiều người dân có diện tích đất bị thu hồi làm dự án đều có tâm lý tương tự. Còn những người đồng ý cho giải tỏa thì yêu cầu chủ đầu tư phải đền bù với giá thỏa thuận trước khi thi công. Điều này gây không ít khó khăn cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công.
Theo ông Lương Thanh Liêm, Chỉ huy công trình của Công ty Xây dựng Thuận An - đơn vị thi công cải tạo lưới điện ở huyện Đông Hòa và huyện Phú Hòa, từ khi triển khai, cả chủ đầu tư và đơn vị thi công dành rất nhiều thời gian cho khâu giải phóng mặt bằng nhưng kết quả không được như mong muốn. Lúc đầu, các địa phương và người dân đều đồng tình. Nhưng khi nhà thầu mang thiết bị đến làm việc thì một số địa phương không cho triển khai vì lý do chưa hoàn tất thủ tục. Tương tự, chỉ một số ít người dân chấp nhận phương án thi công trước, đền bù sau; số còn lại vẫn quyết tâm phản đối. Có trường hợp doanh nghiệp huy động cả một đội quân cùng nhiều trang thiết bị đến làm việc nhưng bị chính quyền địa phương và người dân ngăn cản nên đành quay về, tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. Do vậy, đến nay công ty mới triển khai được một phần công việc trên phạm vi đất của Nhà nước với khoảng 10% khối lượng.
Rút kinh phí nếu không hoàn thành
Theo chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, địa phương tạo điều kiện về mặt bằng thì ngành Điện mới đầu tư công trình cấp điện. Đến hết thời gian của dự án (cuối tháng 12/2018), nếu công trình không hoàn thành, chủ đầu tư sẽ rút vốn và chuyển đi nơi khác. Ông Dương Văn Sự, Phó Trưởng Ban chuyên trách quản lý dự án, Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: “Mỗi năm, Công ty Điện lực Phú Yên chỉ được tổng công ty phân bổ khoảng 50 tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp lưới điện.
Trong khi đó, lưới điện trên địa bàn tỉnh nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng. Do vậy, dự án Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối tỉnh Phú Yên với kinh phí gần 240 tỉ đồng sẽ giúp ngành Điện đầu tư mới và nâng cấp một phần lưới điện ở các địa phương, đặc biệt là các khu vực điện nông thôn sau tiếp nhận nhưng chưa có điều kiện cải tạo. Nếu địa phương không tận dụng, sau này muốn xin vốn đầu tư các dự án khác cũng sẽ rất khó”.
Theo ông Sự, để giải quyết vướng mắc, trong thời gian chờ các đơn vị hoàn tất các thủ tục thu hồi đất để đầu tư phần lưới điện trung thế, Công ty Điện lực Phú Yên đã yêu cầu các đơn vị tập trung thi công ở những khu vực không phải giải phóng mặt bằng, các khu vực đất lúa và phần lưới điện hạ thế trước. Công ty cũng khuyến khích các đơn vị thi công chủ động ứng vốn để đền bù, giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của người dân. Đồng thời, đơn vị cũng đề xuất Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho ứng kinh phí giải phóng mặt bằng trước nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, đơn vị còn đề xuất Tổng công ty xin Bộ Công thương đề nghị Chính phủ Nhật Bản gia hạn thời gian hoàn thành dự án để hoàn tất những giấy tờ, thủ tục liên quan. Tuy nhiên, để dự án được triển khai đúng tiến độ, ngành Điện rất cần các địa phương phối hợp, hỗ trợ tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất triển khai dự án.
Dự án Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối tỉnh Phú Yên có quy mô 206,9km đường dây trung áp, 194,5km đường dây hạ áp, 40 trạm biến áp với tổng dung lượng 10.063kVA; 22 bộ máy cắt Recloser, 6 tủ máy cắt hợp bộ với tổng mức đầu tư gần 237 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư nâng cấp toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối 22/0,4kV trên địa bàn các huyện, thị xã trong toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sử dụng điện từ 8-10%/năm của tỉnh. Sau khi hoàn thành, dự án này đảm bảo cung cấp điện cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh cũng như nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân. |