Sự kiện

Dự án cáp ngầm xuyên biển ra Phú Quốc: Cú hích cho đặc khu kinh tế tương lai

Thứ bảy, 23/11/2013 | 14:42 GMT+7
Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển với số vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng kéo điện vượt biển từ Hà Tiên ra huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đang bước vào giai đoạn cuối nước rút. Tại Phú Quốc, Trang tin Ngành Điện Icon.com.vn đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng quanh ý nghĩa to lớn của dự án.



Chuyên gia của nhà thầu Prysmian chuẩn bị cho công tác rải cáp từ tàu Cable Enterprise. Ảnh: Ngọc Thọ

PV: Thưa Bộ trưởng, lý do nào để Bộ Công Thương quyết định chọn đầu tư dự án kéo điện vượt biển ra huyện đảo Phú Quốc, thưa ông?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất nước ta, có diện tích 593km2, dân số 103.000 người. Số hộ dân có điện là 20.938 hộ, đạt tỷ lệ 88,44%, sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ do ngành Điện quản lý. Sản lượng điện thương phẩm năm 2013 ước đạt 60 triệu kWh, tăng hơn 10 lần so với thời điểm 2002 khi ngành Điện tiếp nhận quản lý. Do sử dụng nguồn điện diesel nên giá thành điện rất cao, đồng thời khả năng cung cấp điện cũng hạn chế và chi phí sửa chữa, bảo trì rất lớn. Mặc dù giá bán điện bình quân hiện nay trên huyện đảo là 5.060 đ/kWh nhưng hàng năm ngành Điện vẫn phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể như năm 2013 là khoảng 200 tỷ đồng.

Sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 178/2004/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến Kiên Giang để tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Phú Quốc.

Và nhiều nhà đầu tư đã đề xuất với địa phương, Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép tham gia đầu tư cấp điện ra đảo bằng các nguồn nhiệt điện, phong điện…song lại đòi hỏi nhiều điều kiện mà không chứng minh được tính khả thi nên cuối cùng đều không thể triển khai được.

Trong bối cảnh Phú Quốc đang thiếu điện, việc giao phó cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện dự án là quyết định phù hợp và tối ưu nhất.

PV: Lợi ích mà người dân huyện đảo Phú Quốc có được sau khi dự án hoàn thành là gì, thưa ông?


 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Ảnh: Ngọc Thọ
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Toàn huyện mới chỉ có 88% số hộ dân được sử dụng điện từ nguồn diesel tại chỗ với giá bình quân hơn 5.060 đồng/kWh do ngành điện quản lý, còn lại nhiều xã bà con tự chung nhau mua máy phát điện và phải trả chi phí rất cao.

Khi dự án hoàn thành, người dân Phú Quốc cũng sẽ chỉ phải trả giá điện bằng với giá điện ở đất liền, tức bằng 1/3 so với mức giá đang phải mua từ nhà máy diesel Phú Quốc. Ngành điện cũng sẽ tiết kiệm mỗi năm hàng trăm tỷ đồng bù lỗ do phát điện bằng dầu ở Phú Quốc. Cụ thể, người dân cũng chỉ phải trả giá điện bình quân khoảng 1.508,85 đồng/kWh như trên đất liền.

Đặc biệt, ngoài việc cung cấp điện cho các nhu cầu hiện tại, dự án này còn cấp mới cho các phụ tải quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông, cấp điện cho nhân dân các xã Gành Dầu, Bãi Thơm và nhiều khu vực khác chưa có điện trên đảo như vị trí ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, cũng như phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ du lịch mà Phú Quốc đang rất lợi thế.

Có thể nói, dự án này chính là tiền đề quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo cú hích cho sự chuyển mình để Phú Quốc nhanh chóng trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết một số mốc tiến độ của dự án tính đến thời điểm hiện tại?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Thông tin có được từ chủ đầu tư thì hiện các hạng mục công trình phía Hà Tiên như đường dây 110kV Kiên Lương - Hà Tiên và đoạn đấu nối ra đầu cáp ngầm phía bờ Hà Tiên, Trạm 110kV hay đường dây 110kV Hàm Ninh - Phú Quốc và Trạm 110kV Phú Quốc đã hoàn thành. Riêng các lộ ra phía 22kV của Trạm 110kV Phú Quốc đang được tích cực triển khai.

Bắt đầu từ ngày 17/11/2013, công tác lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện ở vùng biển khu vực xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó sẽ kéo sang phía bờ biển Hà Tiên và tiếp bờ ở khu vực xã Thuận Yên (thuộc thị xã Hà Tiên, Kiên Giang)

Theo cam kết của nhà thầu Prysmian và cũng là nhà thầu vừa thực hiện thành công dự án kéo cáp ngầm 22kV ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, công tác lắp đặt phần cáp ngầm dưới đáy biển và đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13/1/2014.

Do vậy, dự kiến công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh các hạng mục công trình của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 1/2014 và có thể đóng điện cho bà con nhân dân sử dụng vào dịp Tết Nguyên đán 2014.

PV: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quy mô và tính chất của dự án?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đây là dự án nhóm A có quy mô lớn, công nghệ phức tạp và lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, nhằm đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục và ổn định cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên đảo đến năm 2020, đưa Phú Quốc phát triển thành đặc khu kinh tế - hành chính, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm giao thương quốc gia, khu vực và quốc tế… theo mục tiêu của Chính phủ.

Dự án còn cho thấy trách nhiệm và tầm quan trọng không thể thiếu của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước bởi lẽ nếu chỉ xét đến yếu tố lợi nhuận thông thường thì không một đơn vị tư nhân nào dám đảm đương. Nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam lại nhận trọng trách này để biến ước mong có điện bao đời nay của người dân Phú Quốc trở thành hiện thực.

PV: Để dự án cán mốc tiến độ đề ra, theo Bộ trưởng các đơn vị liên quan cần làm gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn điện trên đảo Phú Quốc, là động lực mạnh mẽ, cú hích quan trọng vào tiến trình phát triển và đổi mới kinh tế - xã hội, là điều kiện tiền đề để phát triển đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước. Để Dự án được triển khai thuận lợi, tôi đề nghị các bên phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin kịp thời để chủ động chọn các giải pháp phù hợp với tinh thần trách nhiệm cao và sự tích cực. Đề nghị các cấp chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang và các tổ chức, cá nhân liên quan tiếp tục hỗ trợ tối đa cho Tổng công ty Điện lực miền Nam và nhà thầu Prysmian hoàn thành đúng tiến độ dự án với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả để sớm cấp điện lưới quốc gia cho nhân dân trên đảo.

Hiện, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã có  điện lưới quốc gia bằng công nghệ kéo cáp ngầm vượt biển do EVN làm chủ đầu tư. Sắp tới đây là huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang). Sang đầu năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ tiếp nhận quản lý toàn bộ lưới điện ở Côn Đảo. Như vậy đến năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ quản lý lưới điện ở 10/12 huyện đảo của cả nước, trong đó khu vực phía Nam hoàn thành việc đưa điện đến 100% số huyện đảo tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, thể hiện vai trò trách nhiệm và góp phần đắc lực trong việc giữ vững chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngọc Thọ (thực hiện)