Sự kiện

Nâng công suất truyền tải đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh: Khẳng định tinh thần tự chủ, tự cường và phát huy nội lực

Thứ ba, 19/11/2013 | 14:54 GMT+7
Như sự trùng lặp ngẫu nhiên, 10 năm sau khi đường dây 500kV mạch 2 đưa vào vận hành thì Miền Nam lại đứng trước nguy cơ thiếu điện do các dự án nguồn điện phía Nam bị chậm tiến độ. Sau 20 năm, đường dây 500kV Bắc-Nam lại gánh vác sứ mệnh ổn định hệ thống, “cứu” cho Miền Nam khỏi rơi vào tình trạng thiếu điện, với nhiệm vụ nâng cấp 2 mạch đường dây 500kV Bắc –Nam và cũng như một sự ngẫu nhiên, Dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh”, nâng công suất truyền tải cho mạch truyền tải Bắc-Nam lại được CBCNV ngành điện khẳng định tinh thần phát huy nội lực, tự cường dân tộc.

Năm 1995, đường dây 500kV mạch 1 Bắc-Nam đưa vào vận hành sau 4 năm xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh phía Nam và 10 năm sau, năm 2005, đường dây 500kV mạch 2 cũng được xây dựng và đưa vào vận hành  giải quyết ngay tình trạng thiếu điện ở miền Bắc.

Với sự có mặt của đường dây 500 KV mạch 2, cùng với đường dây 500 KV mạch 1 đã vận hành gần 20 năm, góp phần quyết định thành công các Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Giữ vai trò huyết mạch của hệ thống điện quốc gia, 2 mạch đường dây 500kV Bắc-Nam không chỉ đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân, đảm bảo nâng cao đời sống xã hội cho nhân dân, còn đảm bảo an ninh thông tin với đường truyền cáp quang thông suốt Bắc-Nam.

Do một số nhà máy nguồn điện phía Nam không vào kịp tiến độ theo Quy hoạch Tổng sơ đồ VII, nên hiện nay, các đường dây 500kV Bắc –Nam phải truyền tải điện từ Miền Bắc và Miền Trung vào Miền Nam. Với công suất truyền tải hiện nay sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện ở tỉnh phía Nam vào mùa khô 2014. Để nâng cao khả năng truyền tải trên hệ thống đường dây 500kV Bắc-Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giao nhiệm vụ  cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện lắp đặt các thiết bị nâng công suất truyền tải trên 2 mạch 500kV Bắc-Nam.

Qua kết quả tính toán,  nếu Dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh” chưa hoàn thành thì cuối năm 2013, đầu năm 2014  khả năng truyền tải công suất trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc Nam sẽ bị hạn chế, theo đó, Miền Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện. Từ đầu năm đến nay, trên 2 mạch đường dây 500kV Bắc-Nam đã xuất hiện 20 lần vận hành trong tình trạng đến giới hạn cho phép là 1.000A. Năm 2014, theo dự báo tăng trưởng phụ tải khoảng 13-14%, thì với công suất hiện hành của 2 mạch đường dây 500kV Bắc-Nam, chắc chắn số lần quá tải trên hệ thống 500kV Bắc-Nam sẽ tăng nhiều hơn.

EVN cho biết, trong trường hợp truyền tải công suất đến giới hạn thì hoặc phải phát tăng cường các nguồn điện tại chỗ ở các tỉnh phía Nam, nếu không đủ công suất nguồn để phát điện tại chỗ thì phải thực hiện tiết giảm phụ tải, điều này đồng nghĩa với cắt điện.
 


Trạm biến áp 500kV Nho Quan. Ảnh: Ngọc Hà

Là điểm nút quan trọng nằm trong hệ thống điện quốc gia (500kV) , trạm biến áp 500kV Nho Quan không chỉ đảm bảo cung cấp điện cho khu vực Hà Nội, mà còn là trọng điểm tiếp nhận công suất từ các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La...truyền tải cho Miền Trung, Miền Nam khi cần thiết. Vì vậy, việc nâng dung lượng tụ bù dọc phục vụ vận hành đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao độ tin cậy và khả năng truyền tải của hệ thống điện Quốc Gia và cải thiện đáng kể khả năng truyền tải của cung đoạn đường dây này, thông qua đó làm tăng khả năng truyền tải công suất cho toàn hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc Nam.

Để thực hiện công việc này, EVN NPT đã giao Công ty Truyền tải điện 1 (TTĐ1) triển khai các công việc tại trạm biến áp 500 kV Nho Quan: Điều chuyển hai bộ tụ bù dọc 3 pha 15Ω-1500A từ trạm biến áp 500 kV Di Linh và Tân Định lắp đặt thay thế 2 bộ tụ bù dọc 3 pha 23Ω-1000A trên đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh. Trang bị bổ sung các vật tư thiết bị để đảm bảo ghép nối hệ thống điều khiển bảo vệ cho các bộ tụ bù dọc di chuyển từ trạm biến áp 500 kV Di Linh và Tân Định lắp đặt tại trạm biến áp 500 kV Nho Quan với hệ thống điều khiển chung toàn trạm. Trong đó có xem xét tận dụng hệ thống điều khiển bảo vệ hiện có để phục vụ cho công tác lắp đặt, vận hành các bộ tụ điều chuyển.

Tại trạm biến áp 500 kV Hà Tĩnh, điều chuyển một bộ tụ bù dọc 3 pha 30Ω-1500A từ trạm biến áp 500 kV Di Linh lắp đặt thay thế  bộ tụ bù dọc 3 pha 21.5Ω-1000A trên đường dây 500 kV Nho Quan – Hà Tĩnh mạch 1; chuyển 3 bộ máy cắt bypass từ trạm biến áp 500 kV Di Linh lắp đặt thay thế  bộ máy cắt bypass 1000A trên đường dây 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh mạch 1. Và cũng như ở trạm 500kV Nho Quan,  trang bị bổ sung các vật tư thiết bị để đảm bảo ghép nối hệ thống điều khiển bảo vệ cho các bộ tụ bù dọc di chuyển từ trạm biến áp 500kV Di Tân Định lắp đặt tại trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh với hệ thống điều khiển chung toàn trạm. Trong đó có xem xét tận dụng hệ thống điều khiển bảo vệ hiện có để phục vụ cho công tác lắp đặt, vận hành các bộ tụ điều chuyển.

Từ trước đến nay việc cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù 500 kV và thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải thuê chuyên gia các hãng chế tạo thực hiện. Nhưng do tận dụng điều chuyển các thiết bị còn tận dụng được để giảm chi phí trong điều kiện NPT đang khó khăn, vốn đầu tư phải tập trung cho xây dựng các đường dây truyền tải mới, nên các chuyên gia không “mặn mà” với dự án sử dụng  thiết bị cũ. Mặc dù không ít lần NPT đặt vấn đề này với các chuyên gia nước ngoài nhưng chưa lần nào các chuyên gia đưa được ra thời hạn cụ thể. Hơn nữa giá thành cũng khá cao.

Thông thường các dự án tương tự khác (thuê chuyên gia) , phần lắp đặt thiết bị khoảng 3 tuần và thí nghiệm hiệu chỉnh khoảng 2 tuần (chưa kể thời gian khảo sát thiết kế của chuyên gia, thời gian này thông thường cũng phải mất khoảng 3 tháng). Với thời gian trên, việc nâng công suất truyền tải 2 mạch đường dây 500kV Bắc-Nam sẽ không thể hoàn thành trước năm 2014. Đứng trước tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” này, NPT mạnh dạn quyết định giao cho Công ty Truyền tải điện 1 nghiên cứu và “tự lực cánh sinh” thực hiện dự án.

Sau thời gian nghiên cứu, có sự hỗ trợ của NPT, ngày 6-9-2013, Công ty Truyền tải điện 1 tiến hành khởi công phần xây dựng móng trụ và sau 2 tuần tiến hành lắp đặt thiết bị, ngày 15-11-2013, NPT và Công ty Truyền tải điện 1 đã đóng điện thành công dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh”.

Sau thành công mang tính đột phá xây dựng mạch 1 đường dây 500kV Bắc-Nam, một lần nữa, CBCNV ngành điện nói chung và  Truyền tải nói riêng đã khẳng định tinh thần vượt khó khăn, chủ động sáng tạo nghiên cứu làm chủ công nghệ. Việc không phải thuê chuyên gia không chỉ tiết kiệm cho Nhà Nước hàng chục tỷ đồng và khẳng định khả năng của EVN NPT trong việc đột phá làm chủ các công nghệ hiện đại tiên tiến của nước ngoài, với việc nâng cao khả năng truyền tải được 150% còn đảm bảo truyền tải năng lượng giữa hai miền theo điều kiện vận hành kinh tế nhất.

Có thể năm 2014 không thiếu điện như năm 2010, nhưng cũng có thể thiếu và thiếu nhiều hơn bởi thủy điện bây giờ và khi nào cũng vậy, phụ thuộc vào thời tiết, thủy văn. Nếu không thể nâng công suất truyền tải điện vào Miền Nam, để không thiếu điện, EVN sẽ phải huy động các nguồn sản xuất điện đắt tiền và như vậy, việc lỗ cũng có thể lặp lại. Đem lại hiệu quả cho nền kinh tế, cho bài toán kinh doanh của ngành điện là khó tính được bằng con số, song điều nhận thấy rất rõ từ công trình “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan-Hà Tĩnh” đã thể hiện tinh thần phát huy nội lực, không  “bắc nước chờ gạo” của CBCNV Công ty Truyền tải điện 1, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia nói riêng và CBCNV ngành điện nói chung./
 
Thanh Mai / Icon.com.vn