Sự kiện

Vì mục tiêu đảm bảo nguồn điện cung cấp cho miền Nam

Thứ ba, 19/11/2013 | 15:28 GMT+7
Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông (mạch 3) được đánh giá là công trình có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống điện Việt Nam trong việc đảm bảo cấp điện cho miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh sau năm 2013. Với tầm trọng này, song song với việc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây này, các công trình đồng bộ với dự án cũng đang được Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh xúc tiến triển khai. Đây được coi là những công trình đảm bảo cung cấp điện ổn định, độ tin cậy cao; đồng thời tăng cường khả năng liên kết hệ thống điện khu vực Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và miền Nam nói chung.



Thi công Đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông (mạch 3). Ảnh: Ngọc Hà

Quyết định ở Chiến dịch 55 ngày đêm

Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc EVN NPT nhận xét "với đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông, chúng tôi phải tập trung thi công đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh bởi đây là vùng hành lang tuyến eo hẹp. Trong khi phương án tuyến mới không được giải quyết, chúng tôi tìm giải pháp sử dụng tuyến cũ của hai đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 để tạo đường hai mạch, sau đó lấy một tuyến để làm đường dây mạch 3".
 
Do vậy, theo ông Lẫm, thời điểm cắt điện thích hợp nhất để thi công đường dây 500kV mạch 3 là trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2013. "Nếu chậm trễ là không thể cắt điện được vì đến tháng 12 và tháng Giêng là vào mùa khô ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bởi đây là giai đoạn phụ tải luôn ở mức cao", ông Lẫm nói.

Ông Lẫm cũng khẳng định, Chiến dịch cắt điện 55 ngày đêm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vừa phải đảm bảo đủ điện cho khu vực phía Nam, không được tiết giảm điện theo yêu cầu của Chính phủ, vừa phải huy động tổng lực trong một thời gian ngắn để hoàn thành công trình đúng tiến độ đề ra. Trên thực tế, trong quá trình cắt điện 55 ngày chỉ chia làm hai giai đoạn chính. Cụ thể: Trong thời gian 40 ngày đầu, vừa thi công móng mới, vừa phải kéo dây và tháo cột cũ để giải phóng hành lang  tuyến; 15 ngày còn lại chỉ tập trung xử lý việc đấu nối và tháo dỡ các vị trí cũ để thi công vị trí mới. Do vậy, các đơn vị xây lắp phải thi công một khối lượng rất lớn trong 55 ngày. Ban AMT cũng phải giải quyết một khối lượng lớn về công tác giải phóng mặt bằng trải dài trên 6 tỉnh, thành phố để bàn giao cho nhà thầu thi công, đáp ứng tiến độ.

Ông Nguyễn Hữu Ý, Phó Giám đốc Công ty Xây lắp điện 2 cũng cho rằng trong giai đoạn cắt điện 55 ngày đêm với khối lượng rất lớn, công nhân không có ngày nghỉ, lại phải làm bên cạnh đường dây đang mang điện rất nguy hiểm.

"Chúng tôi phải huy động gần hết lực lượng, có thời điểm tới 600 người trên công trường để thi công đồng loạt ở tất cả các vị trí nhằm kịp tiến độ. Khối lượng 15 ngày tới không nhiều nhưng lại bị khống chế bởi thời gian. Theo đó, trong 12-13 ngày phải dựng hai cột lớn trong ruộng lớn không có đường, còn căng dây trong 2 ngày. Vì vậy, khi cắt điện là chúng tôi phải bắt tay làm ngay, không thể chờ đợi", ông Ý nói.

Đánh giá về quá trình cắt điện 55 ngày đêm, Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Lẫm nhấn mạnh: "Với sự chỉ đạo sát sao của NPT, sự năng nổ của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung, Công ty Xây lắp điện 2 tập trung lực lượng, sự phối  hợp chặt chẽ của UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND huyện Củ Chi và bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đưa toàn bộ công trình về đích đúng hẹn".

Theo ông Lẫm, để cắt điện đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, điều kiện tiên quyết EVN NPT phải hoàn thành Trạm biến áp (TBA) 500kV Sông Mây, đường dây 500kV Sông Mây-Tân Định và Phú Mỹ-Sông Mây. Trong thời gian cắt điện, điện lưới quốc gia vẫn phải cung cấp ổn định, liên tục cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Điểm nhấn là Trạm 500kV Cầu Bông

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 qua chiến dịch 55 ngày đêm, EVNNPT cũng xúc tiến triển khai thi công TBA 500kV Cầu Bông cho kịp tiến độ đóng điện với công trình này vào cuối tháng 4 sang năm. Đây là trạm có vai trò quan trọng trong việc cấp điện cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ trong giai đoạn từ năm 2013. Ngoài ra, trạm còn là nơi đấu nối cho đường dây 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông để truyền tải công suất cao từ miền Trung vào miền Nam.

Trạm 500kV Cầu Bông là công trình trọng điểm quốc gia được xây dựng tại ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.637 tỷ bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đơn vị thi công là liên doanh nhà thầu Công ty Xây lắp điện 4 và Công ty Xây lắp điện 1.

Ông Nghiêm Hữu Tuyền, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Xây lắp điện 4 kiêm Trưởng ban điều hành dự án Trạm 500kV Cầu Bông cho biết, hiện nay công trình đã hoàn thành phần xây dựng sân 500kV và sân 220kV; tháng 1 thiết bị sẽ về công trường để lắp đặt trong tháng 4/2014. Nhà điều khiển và các nhà bay sẽ hoàn thành trong tháng 12 tới. Đường trong trạm phục vụ thi công đến đâu thì hoàn thành đến đó, phần ngoài trạm cũng đang tập trung hoàn thiện rải đá mặt đường để vận chuyển thiết bị.

Cũng theo ông Tuyền, khó khăn ở đây là điều kiện địa hình xây dựng công trình trong vùng đất lầy trũng, không ổn định, khâu khảo sát thiết kế phải thay đổi, phân tường rào bổ sung thêm cọc. Về cơ bản khâu thiết kế đã giải quyết xong, những hạng mục bị chậm nhà thầu đã tìm cách bù được khối lượng để đảm bảo  tiến chung trên công trường. Thời điểm này, trên công trường cao điểm tới 300 công nhân, chia làm 10 nhóm thi công, đang tăng cường lắp trụ thiết bị. "Đến nay, tiến độ công trình đã đạt yêu cầu nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư", ông Tuyền khẳng định.

Đánh giá về nhà thầu thi công Trạm 500kV này, ông Mai Ngọc Hiển, Giám sát Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cho rằng năng lực nhà thầu đảm bảo. Hiện nhà thầu đang tập trung toàn bộ lực lượng cho phần giàn trụ cổng sân 500kV với khối lượng đã đạt được gần 80%.

Các dự án đồng bộ

Song song với việc thi công đường dây 500kV mạch 3 và Trạm 500kV Cầu Bông, Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai các dự án đồng bộ là đường dây 220kV Cầu Bông-Củ Chi, TBA 220kV/110kV Củ Chi và TBA 110kV Cầu Bông nối cấp nhằm truyền tải công suất từ TBA 500kV Cầu Bông, góp phần giảm bán kính cung cấp điện cho các TBA 220kV trong khu vực Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Với tổng mức đầu tư trên 1.744 tỷ đồng, cả 3 dự án này dự kiến sẽ hoàn tất trong quý 1/2014.

Ông Lê Đình Qúy, Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý dự án lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện TBA 110kV Cầu Bông đã thực hiện được 20% khối lượng, TBA 220kV Củ Chi hoàn tất được 40% khối lượng xây dựng. Phần đường dây, trong tổng số 78 móng trụ mới có mặt bằng thi công 18 trụ, đã thi công xong 10 móng trụ. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận đơn giá đền bù dự án. Tổng Công ty đang đôn đốc cùng UBND huyện Củ Chi áp giá đền bù để cuối năm nay sẽ có mặt bằng thi công 60 móng trụ còn lại. Các công tác chế tạo cột thép, cung cấp vật tư thiết bị vẫn triển khai bình thường.

Theo bà Phan Thị Bích Huyền, Quản lý phần xây dựng dự án TBA 220/110kV Củ Chi, đây là trạm 220kV lớn nhất ở huyện Củ Chi được xây dựng tại xã Nhuận Đức. Theo kế hoạch dự này sẽ xây dựng trong 14 tháng, nhưng do bàn giao mặt bằng chậm nên từ tháng 7 đến nay, nhà thầu đang phải rút ngắn thời gian để phấn đấu đến cuối tháng 3/2014 sẽ xong, đảm bảo tiến độ. Phần cung cấp thiết bị do Tập đoàn ENERBENSA SDN BHD thực hiện, phần thiết bị trong nước và phần xây lắp do Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây lắp điện số 5 thực hiện.

Bà Huyền cho biết mặt bằng ở đây bị ngập nước nên gây khó khăn cho xử lý phần nền móng, thay vì thiết kế chỉ có một lớp mặt, nhà thầu phải đào lấy hết phần đất yếu để đắp cát vào, gây tốn thời gian. Hiện phần móng đã xong và đã hoàn thiện 60% khối lượng hai nhà phân phối và nhà điều khiển, dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ hoàn thiện xong hai khối nhà này.

Như vậy, sau năm 2013, đường dây 500kV mạch 3 có vai trò quan trọng truyền tải công suất từ các trung tâm nhiệt điện, thủy điện ở phía Bắc, Tây Nguyên cung cấp cho khu vực phía Nam. Cùng với hai đường dây 500kV mạch 1 và 2, đường dây mạch 3 sẽ tăng cường tính ổn định tin cậy của hệ thống điện, đảm bảo tiêu chuẩn n-1. Các đường dây 500kV đoạn miền Trung có nhiệm vụ truyền tải công suất từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc. Với hệ thống điện 500kV bền vững này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đang yêu cầu các Ban Quản lý dự án tập trung đảm bảo tiến độ các trung tâm nhiệt điện ở miền Nam, đặc biệt là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Duyên Hải để đáp ứng cho khu vực miền Nam từ năm 2015./.

 
Mai Phương / ICON.com.vn