Chúng tôi trở lại thôn Phú Ao, xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) – nơi có hơn 90% đồng bào dân tộc Churu đang sinh sống sau hơn một năm Điện lực Lâm Đồng tổ chức lễ khởi công Dự án điện Tây Nguyên. Sắc xuân đang về trên những rẫy cà phê trổ bông trắng xóa và trên từng nét mặt phấn khởi của người dân. Phấn khởi vì từ nay, người dân ở vùng thâm sơn cùng cốc này hàng đêm không còn phải lù mù trong ánh lửa củi ngo. K’Sam (37 tuổi, dân tộc Churu) thổ lộ: “Gia đình tôi sống ở đây từ đời ông bà đến nay mới thấy cái điện sáng về; giờ gia đình mình đã mua TV màu, đầu đĩa, quạt máy, 3 đứa con tôi cũng có điện để học bài vào ban đêm”. Cùng tâm trạng phấn khởi đó, chị Vi Thị Dương (dân tộc Tày) cho biết, gia đình chị đến đây lập nghiệp được 7 năm, trước đây không có điện, sống tăm tối lắm, nay có điện rất mừng…
Có điện, gia đình chị Vi Thị Dương mua sắm nhiều thiết bị phục vụ cuộc sống.
Niềm vui gia đình anh K’Sam, chị Dương là tâm trạng chung của người dân thôn Phú Ao và cũng là của hơn 20.000 hộ đồng bào ở 475 thôn, buôn của Lâm Đồng được hưởng lợi từ Dự án điện Tây Nguyên. Về thôn, buôn vùng sâu của Lâm Đồng. Giờ đây ở giữa núi rừng thâm sâu hầu như nhà nào cũng thấy những cần ăngten vươn cao, tiếng trẻ học bài ê a dưới ánh điện. Dự án điện Tây Nguyên đã đạt được những mục tiêu bước đầu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa. Nhưng cái đích hướng đến của dự án là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhằm đem lại lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân, giữ vững an ninh – quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội.
Nhận thức được ý nghĩa đó, Công ty Điện lực 2 và Điện lực Lâm Đồng đã đặt quyết tâm cao ngay từ khi bắt đầu ở đây triển khai dự án ở đây. Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Điện lực Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy đã chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng, thống nhất không đưa kinh phí giải phóng mặt bằng vào dự án mà chuyển nguồn kinh phí đó đầu tư thêm lưới điện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc hoặc không đảm bảo tiến độ thì tổ chức họp ngay với nhà thầu để giải quyết. Do khối lượng công việc khá lớn nên để đảm bảo đưa điện đến sớm cho dân, Điện lực Lâm Đồng đã thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, triển khai giải phóng mặt bằng song song với thi công lưới điện và đường dây hạ thế kéo đến đâu, đôn đốc anh em mắc điện vào nhà dân xong đến đó”.
Triển khai một khối lượng công việc lớn trong điều kiện địa hình khắc nghiệt và thời tiết không mấy thuận lợi như Tây Nguyên đòi hỏi những người tham gia công trình phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao. Tại huyện Lâm Hà, vào mùa mưa, đơn vị phải dùng xe máy cày mới có thể vận chuyển được vật liệu vào các thôn như: Sình Công (xã Liên Hà), Hang Hớt (xã Mê Linh); còn ở các huyện vùng lũ như Cát Tiên, Đạ Tẻh thì thi công càng vất vả hơn.
Nhưng chính từ sự nỗ lực quyết tâm đưa ánh điện đến với dân càng sớm càng tốt mà Lâm Đồng đã trở thành địa phương về đích đầu tiên trong 5 tỉnh thực hiện Dự án điện Tây Nguyên.
Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện vùng Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó 85% là vốn của Chính phủ, 15% là vốn đối ứng của ngành điện. Mục tiêu là kéo điện về 1.200 thôn, buôn (116.000 hộ) chưa có điện để nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn vùng lên 90% vào năm 2010. Tại Lâm Đồng, dự án triển khai tại 475 thôn, buôn trên địa bàn 116 xã với tổng mức đầu tư trên 207 tỷ đồng. Dự án đã triển khai 403km đường dây trung thế 1 pha và 3 pha; 824km đường dây hạ thế 1 pha và 3 pha; lắp đặt 474 trạm biến áp (tổng 13.102kVA) và lắp đặt cho mỗi hộ dân một công tơ điện, nhánh rẽ và mạng điện trong nhà.
Theo: SGGP