Nhiệt điện LNG sẽ giảm phát thải cacbon, qua đó giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, tại cuộc họp vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn và nhiều nội dung quan trọng khác, đồng thời cũng thống nhất với các tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, trong đó có "siêu dự án" Nhà máy nhiệt điện LNG.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Đây là dự án lớn thứ 3 của tỉnh sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (hơn 9 tỉ USD) và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (2,8 tỉ USD), Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiến hành các quy trình dự án phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Công tác đấu thầu phải diễn ra một cách công bằng, công khai, minh bạch.
Theo tờ trình, dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ xây dựng 1 nhà máy điện LNG, công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG, như: Kho chứa LNG, trạm tái hóa khí trên bờ sức chứa khoảng 230.000 m3; trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm…
Dự án có quy mô dự kiến rộng khoảng 68,2 ha, ở khu vực phía nam Khu kinh tế Nghi Sơn, nằm trên địa phận xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), với tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỉ USD. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm và vận hành thương mại trước năm 2030.
Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của 5 nhà đầu tư, gồm: Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT); nhà đầu tư Gulf Energy Development Public Company Limited; nhà đầu tư SK E&s Co., Ltd; Tổ hợp nhà đầu tư Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV POWER) và Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group). Dự kiến việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ diễn ra trong quý 2 năm 2024.
Việc đầu tư dự án nhiệt điện LNG tại Thanh Hóa sẽ không chỉ góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là su thế góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, than đá, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên là ba loại nhiên liệu hoá thạch được sử dụng phổ biến để phát triển điện ở nhiều quốc gia. Trong đó, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải cacbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. Khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) được sử dụng rộng dãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung cấp không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hoá thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia.
Link gốc