Sự kiện

Đưa điện ra đảo Cù Lao Chàm: Phát triển kinh tế biển đảo

Thứ năm, 31/3/2016 | 15:30 GMT+7
Cù Lao Chàm là một cụm đảo, gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông  thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. 


Giai đoạn thả cáp ngầm đang được triển khai từ đảo vào đất liền. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ nhiều năm nay, đảo Cù Lao Chàm chỉ sử dụng nguồn điện tại chỗ là  trạm phát điện diezel và trạm phát điện hỗn hợp pin mặt trời - diezel. Do chi phí phát điện bằng nguồn nhiên liệu giá cao và hạn chế công suất nên trong một ngày người dân trên đảo Cù Lao Chàm chỉ được sử dụng điện không quá 6 giờ và chỉ dùng thắp sáng, xem ti vi, chạy máy quạt và sinh hoạt gia đình. Quản lý  các trạm phát điện do Công ty Công trình công cộng Hội An đảm nhiệm. Giá thành mỗi kWh điện ở Cù Lao Chàm lên đến 12 nghìn đồng, mỗi năm Thành phố Hội An phải trích ngân sách bù lỗ, hỗ trợ tiền điện cho người dân lên đến 2,5 tỷ đồng do chênh lệch giữa giá thành sản xuất với giá bán cho khách hàng sử dụng điện theo Quyết định của Bộ Công Thương. 
 
 

 Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành kiểm tra tiến độ thi công dự án. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt và trọng tâm. Theo đó, Tổng Công ty đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên mọi nguồn lực triển khai dự án đạt chất lượng và tiến độ. Khác với các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho đảo Cô Tô, Phú Quốc hay Lý Sơn, khó khăn của dự án cấp điện cho Cù Lao Chàm là sẽ đi qua các công trình di tích văn hóa lịch sử, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, đòi hỏi các đơn vị thi công phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đặc trưng văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vốn có của xã đảo. Các tuyến đường giao thông trên đảo rất hẹp, hầu hết không có vỉa hè, nhà cửa được xây dựng tập trung và nằm ngay sát mép đường cũng khó khăn cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khảo sát tuyến đường dây trung áp đấu nối từ điểm cuối tuyến cáp ngầm để cấp điện cho các trạm biến áp trên đảo, EVNCPC đã phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn phương án thiết kế phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đất đai, cây cối hoa màu và nhà cửa của dân.


Thợ lặn kiểm tra kỹ thuật chôn rải cáp ngầm. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Khởi công ngày 9-1-2016, trong suốt thời gian thi công, thời tiết trên biển không được thuận lợi để tập kết vật liệu cũng như phương tiện thi công cáp ngầm trên biển và phần lưới điện trên đảo; thi công công phần ngầm gặp nhiều đá tảng, địa hình phức tạp nên phải thi công chủ yếu bằng thủ công. Mặc dù đã có phương án cấp điện dự phòng, tuy nhiên trong quá trình thi công cải tạo tuyến đường dây 22kV trên bờ vẫn phải cắt điện một số khu vực thành phố Hội An nhiều lần trong thời gian ngắn để chuyển lưới. Theo kế hoạch phê duyệt, Dự án sẽ hoàn thành trước 30-6-2016. Tuy nhiên, EVNCPC đã chỉ đạo và thống nhất với các nhà thầu phấn đấu hoàn thành thi công và đóng điện phần đường dây để cấp điện lưới Quốc gia cho cho đảo Cù lao Chàm trước 20-4-2016.
 
Để đảm bảo tiến độ cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm trước ngày 20-4, lãnh đạo EVNCPC thường xuyên kiểm tra hiện trường để quản lý tiến độ, chất lượng và giải quyết vướng mắc kịp thời để đảm bảo tiến độ dự án như kế hoạch đề ra; thành lập tổ công tác trực tiếp tại công trường (gồm các Ban của EVNCPC, PC Quảng Nam, Ban QLDA) để hỗ trợ cho quá trình thi công, bố trí lịch cắt điện.
 

Lưới điện hạ thế trên đảo cũng đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngoài giải quyết khó khăn trong sử dụng điện sinh hoạt của người dân, việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm được xem là động lực thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, từng bước cải thiện cuộc sống người dân trên đảo. Dân số trên các hòn đảo này chỉ khoảng 3.000 người, nhưng do khoảng cách từ bờ biển Cửa Đại ra đảo chỉ khoảng 15km, đi ca-nô cũng chỉ mất khoảng 30 phút, khí hậu nơi đây lại quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào; các rặng san hô ở khu vực biển Cù Lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ, UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007 nên Cù Lao Chàm là đảo thu hút với lượng du khách khá lớn mỗi ngày. Nhiều dịch vụ lưu trú, giải trí, tham quan… được triển khai trên đảo phục vụ du khách. 
 
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết, Dự án cấp điện cho đảo Cù Lao Chàm là thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo và ven biển, đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, dự án còn có ý nghĩa tích cực trong việc bảo vệ môi trường, kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế; giảm gánh nặng chi phí ngân sách của địa phương do phải bù lỗ hằng năm cho các trạm phát điện diezel tại các xã đảo.
 
Dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm bằng cáp ngầm được Chính phủ đồng ý chủ trương vào tháng 5.2014. Đến tháng 12.2014, được Bộ Công Thương phê duyệt. Dự án có quy mô gồm 15,48km cáp ngầm 22kV xuyên biển; 17,214km đường dây 22kV trên đất liền; 6 trạm biến áp phân phối 22/0,4kV có tổng dung lượng 900kVA; 11km đường dây hạ áp 0,4kV và các hạng mục phụ trợ... với tổng mức đầu tư hơn 484,8 tỷ đồng. Trong đó, 85% là vốn từ ngân sách trung ương và 15% còn lại là vốn của EVNCPC. Dự kiến, dự án hoàn thành trước ngày 30.6.2016.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn