Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngay từ đầu năm, EVN đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động- những vấn đề đã được EVN xác định là “sự sống còn” của doanh nghiệp.
Hiệu quả là sự sống còn
Năm 2015, EVN đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành Hệ thống điện quốc gia đã bám sát nhu cầu sử dụng điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cấp bách cho sản xuất và kinh doanh, với sản lượng điện thương phẩm đạt 143,34 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 1,54 tỷ kWh và tăng 11,44% so với 2014, trong đó, sản lượng điện thương phẩm nội địa đạt 141,34 tỷ kWh, tăng trưởng 11,6% . Đặc biệt, đáp ứng tăng trưởng cho 11,03% cho nhóm phụ tải Công nghiệp - Xây dựng chiếm 53,4% . Đây là một trong những yếu tố tăng giá bán điện bình quân, đem lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh cho EVN.
Ngoài yếu tố cung cấp điện đáp ứng tăng trưởng cho các thành phần phụ tải có giá bán điện cao như công nghiệp-xây dựng (tăng 11,03%), thương mại-khách sạn- (tăng 22,81%)…thì với việc cơ bản hoàn thành công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, tiếp nhận tại 1.524 xã với trên 1,95 triệu hộ dân nông thôn (2011-2015) với mục đích để người dân nông thôn được hưởng lợi ích chính sách ưu đãi giá điện của Chính phủ, đồng thời, cũng góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cho EVN, góp phần tăng giá bán điện bình quân cho EVN, đặc biệt là đối với các Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, miền Nam và miền Trung.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Năm 2015, giá bán điện bình quân toàn EVN đạt 1.629,8 đ/kWh (tăng 12,58 đ/kWh so với KH, hiệu quả doanh thu bán điện tăng thêm 1.800 tỷ đồng), trong đó, giá bán bình quân của 5 Tổng Công ty Điện lực đạt 1.628,9 đ/kWh. Tất cả các Tổng Công ty Điện lực đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch giá bán điện bình quân từ 11-:-17 đ/kWh.
Doanh thu bán điện toàn EVN đạt 233.710 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2014; lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện Công ty mẹ-EVN và 9 Tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch. EVN bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước. Vốn điều lệ của Công ty mẹ - EVN đến 31-12-2015 là 160.000 tỷ đồng, tăng 2,08 lần so với vốn điều lệ năm 2010 (76.742 tỷ đồng).
Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn (Công ty mẹ EVN: hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán: 1,02 lần, tỷ lệ tự đầu tư: 37,5%).
Bền bỉ phấn đấu
Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 là kết quả của những bền bỉ nỗ lực phấn đấu của EVN với sự chỉ đạo sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan. Trong 5 năm (2011-2015), EVN đã đưa vào phát điện là 9.852MW bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, công trình Thủy điện Sơn La (2.400 MW) khánh thành ngày 23-12-2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội; Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu phát điện tháng 12-2015, hoàn thành sớm 1 năm so kế hoạch. Bên cạnh đó, các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam như NĐ Vĩnh Tân 2, NĐ Duyên Hải 1... cũng đã đi vào vận hành góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam.
Đồng bộ với các công trình nguồn điện, EVN đã hoàn thành 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.100km, tổng dung lượng trạm biến áp 56.000MVA. Hệ thống truyền tải được đầu tư đã đáp ứng yêu cầu đấu nối giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải và kết nối hệ thống điện quốc gia theo yêu cầu về độ an toàn và tin cậy.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đến cuối năm 2015, lưới điện 110-220kV đã phát triển đều khắp các tỉnh/ thành phố để đáp ứng nhu cầu điện các địa phương, cho các thành phố lớn, các tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, các tổ hợp công nghiệp FDI có quy mô lớn và cấp bách, phục vụ phát triển nông nghiệp như nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, hệ thống bơm tưới tại các tỉnh khu vực miền Nam.
Tiêu biểu trong giai đoạn 2011-2015 là các công trình nâng cao năng lực hệ thống truyền tải Bắc-Nam (ĐD 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, nâng cấp tụ bù dọc cho ĐD 500kV Bắc - Nam lên 2000A; ĐD 220kV Đắk Nông- Phước Long-Bình Long), các công trình kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc (TBA 500kV Hiệp Hòa, các ĐD 500kV Sơn La - Hiệp Hòa, Quảng Ninh-Hiệp Hòa, Sơn La-Lai Châu), khu kinh tế trọng điểm miền Nam (ĐD 500kV Phú Mỹ-Sông Mây, Sông Mây-Tân Định, Phú Lâm-Ô Môn, Vĩnh Tân-Sông Mây).
Trên cơ sở tính toán các phương án cung cầu điện với dự kiến sản lượng điện thương phẩm năm 2016 sẽ tăng trưởng 11%-12% so với năm 2015, EVN nhận định hệ thống điện có đủ khả năng đảm bảo đáp ứng đủ điện cho đất nước, với sản lượng điện thương phẩm 159,1 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015. Theo đó, phấn đấu thực hiện giá bán điện bình quân là 1.651,2 đ/kWh, trong đó giá bán điện bình quân của các Tổng Công ty Điện lực là 1.651 đ/kWh.
Ngoài việc điều hành hệ thống điện an toàn linh hoạt, kịp thời bám sát tình hình thời tiết, thủy văn, tình hình cấp khí, khai thác hiệu quả các nguồn điện. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng cho phát triển kinh tế-xã hội, EVN yêu cầu các Tổng công ty/Công ty Điện lực theo dõi và cập nhật nhu cầu phụ tải trên địa bàn, thực hiện các thủ tục cấp điện cho các các khách hàng theo quy trình nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng, tạo điều kiện tốt nhất cho các khách hàng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy vào tăng trưởng kinh tế của địa phương; giám sát chặt chẽ công tác quản lý kỹ thuật-vận hành lưới điện, phòng ngừa giảm sự cố; chuẩn bị đủ vật tư, thiết bị dự phòng. Đồng thời, hoàn thành kế hoạch đầu tư đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn đường dây và TBA…