Sự kiện

Các hồ thủy điện: Vừa chống hạn, vừa đảm bảo sản xuất điện

Thứ hai, 14/3/2016 | 09:58 GMT+7
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối tháng 5, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần.

Hồ chứa nước thủy điện A Vương đang được tích nước để phát điện và cung cấp nước cho hạ lưu. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Dòng chảy trên các sông ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%; ở Tây Nguyên từ tháng 2 đến tháng 4 thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6. Mùa khô ở các tỉnh ven biển Trung bộ sẽ kéo dài tới tháng 8-9. Trên nhiều sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông ở Trung bộ, Tây Nguyên ngay trong các tháng đầu mùa khô 2016,  tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra  trên diện rộng và khốc liệt hơn so với năm 2015. Để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, vừa bảo đảm sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội,  các Nhà máy thủy điện Miền Trung, Tây Nguyên đã và đang điều tiết hợp lý từng mét khối nước.
 
Công ty cổ phần thủy điện A Vương (AVC) cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương rất thấp và để đảm bảo tích nước đến cuối mùa lũ và đầu mùa khô năm 2016, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã tạm thời tách Nhà máy thủy điện A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 8-12-2015. Đến  ngày 1-1-2016, mực nước hồ Thủy điện A Vương chỉ đạt 361,6m (thiếu 18,4m so với mực nước dâng bình thường-MNDBT), tương đương với thiếu hụt sản lượng điện là 109 triệu kWh.
 

Công nhân vận hành đập hồ thủy thủy điện A Vương. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 6 hồ thủy điện (tổng công suất đặt là 870 MW) với tổng dung tích hữu ích là 1,18 tỷ m3 (ứng với điện năng sản xuất khoảng 519 triệu kWh); Trong đó có 4 hồ chứa lớn, có khả năng điều tiết để đáp ứng các nhu cầu nước hạ du là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh, Sông Bung 4.

Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện trên cả nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hồ trên địa bàn từ Thanh Hóa trở vào, thống kê cho thấy tổng lượng nước về các hồ này thiếu hụt từ 40 - 60 % so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ trong suốt mùa mưa không xuất hiện lũ như Ialy, Pleikrong, A Vương, Sông Bung 4….Nhận định trước được tình hình thủy văn khó khăn, ngay trong thời kỳ mùa lũ, EVN đã huy động cao các nguồn đắt tiền (nhiệt điện than, tuabin khí và kể cả nguồn chạy dầu), hạn chế huy động các Nhà máy thủy điện (NMTĐ) để tích nước. Tuy vậy, tính đến ngày 1-1-2015 nhiều hồ vẫn không thể tích lên MNDBT cũng như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của quy trình điều tiết liên hồ chứa, với tổng sản lượng thủy điện (của các hồ trên cả nước) thiếu hụt so với MNDBT lên đến 3.2 tỷ kWh. Riêng đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có hồ A Vương mức nước đầu năm thấp hơn MNDBT/ mức nước tối thiểu đầu mùa cạn của quy trình liên hồ là 18.4m/ 13.9m.
 

Những cánh đồng khô cháy, nứt nẻ do hạn hán. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong các tháng đầu năm 2016, hiện tượng El Nino vẫn tiếp diễn kéo theo tình hình thủy văn hầu hết các hồ chứa khu vực miền Trung, miền Nam tiếp tục kém. Để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô 2016, các NMTĐ trên các khu vực này hầu như chỉ vận hành theo các ràng buộc nước hạ du. Như đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ vận hành đáp ứng yêu cầu nước hạ du theo quy trình vận hành liên hồ chứa và yêu cầu của địa phương (công văn số 205/UBNN-KTN ngày 15-1-2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, số 135/SNN&PTNT-CCTL ngày 26-1-2016 của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam). Mặc dù vậy, đến ngày 1-3 mức nước các hồ này vẫn rất thấp, trong đó hồ A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 đến 5.7m, thấp hơn mức nước tối thiểu của quy trình liên hồ 3.64m.

Trên lưu vực sông Sê San, có 6 NMTĐ với tổng công suất đặt 1611 MW, đáp ứng xấp xỉ 12% nhu cầu phụ tải đỉnh của khu vực miền Trung, miền Nam (khoảng 13.822 MW). Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa thủy điện nói trên là 2,02 tỷ m3 (ứng với điện năng sản xuất được 1.72 tỷ.kWh), tuy nhiên, trên lưu vực này chỉ có các hồ PleiKrông, Ialy (điều tiết năm) và Sê San 4 (điều tiết dưới tuần) là có khả năng điều tiết để đáp ứng các nhu cầu nước hạ du.
 

Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang chạy máy phát điện và xả nước xuống hạ lưu với lưu lượng 100 m3/s. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Nhận định trước được tình hình thủy văn khó khăn, ngay trong thời kỳ mùa lũ, EVN đã huy động cao các nguồn đắt tiền, như: Nhiệt điện than, tuabin khí và kể cả nguồn chạy dầu, nhằm hạn chế khai thác các NMTĐ để tích nước. Tuy vậy, tính đến ngày 1-1-2016 nhiều hồ vẫn không thể tích lên MNDBT cũng như mức nước tối thiểu đầu mùa cạn theo quy định của quy trình điều tiết liên hồ chứa; tổng sản lượng thủy điện (của các hồ trên cả nước) thiếu hụt so với MNDBT lên đến 3.2 tỷ kWh. Riêng lưu vực sông Sê San, bao gồm cả 3 hồ thủy điện PleiKrông, Ialy và Sê San 4 đều có mức nước đầu năm thấp hơn so với MNDBT/mức nước tối thiểu đầu mùa cạn của quy trình liên hồ, trong đó, hồ PleiKrông là 3.55m/1.05m, hồ Ialy là 8.58m/1.68m và hồ Sê San 4 là 4.94m/4.14m. Tổng dung tích trong các hồ thấp hơn so với MNDBT khoảng 835 triệu m3, thấp hơn so với mực nước tối thiểu trong quy trình là 327 triệu m3. Đặc biệt ngay từ đầu năm lượng nước tích được của hồ Sê San 4 chỉ đạt 1% dung tích hữu ích của hồ.

Phó Giám đốc Công ty thủy điện Buôn Kuốp cho biết, từ khi các hồ được đưa vào khai thác (năm 2009), việc cấp nước phục vụ canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản khu vực hạ du được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là hồ đầu nguồn Buôn Tua Srah, là hồ lớn nhất trên bậc thang Srêpôk, diện tích hồ khoảng 37,1 kM2, dung tích hữu ích là 522,6 triệu m3, là hồ duy nhất trên bậc thang có chế độ điều tiết năm. Vào các tháng mùa kiệt, lưu lượng dòng chảy tự nhiên trên sông rất thấp xấp xỉ từ 15 - 20 m3/s. Tuy nhiên, do được tích nước vào những tháng mùa lũ, nên hồ Buôn Tua Srah có khả năng cung cấp lưu lượng trung bình khoảng 50 m3/s, đảm bảo cho việc bơm nước tưới tiêu nông nghiệp các vùng hạ du trong mùa kiệt. Mặt khác, với việc duy trì dòng chảy như trên tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyên chở nông sản, giao thương hàng hoá 2 bên bờ sông (tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông).
 

Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah đang chạy máy phát điện, cung cấp nước cho hạ lưu với lưu lượng 100 m3/giây. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Trong quá trình SXKD, công ty luôn thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định của chính phủ, cũng như của chính quyền các cấp; tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhân dân địa phương, cố gắng hài hoà lợi ích giữa các bên. Trong sản xuất hàng ngày, hoặc trong quá trình điều tiết xả nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô, Công ty luôn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền địa phương thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Các bên liên quan thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin để khai thác các hồ hiệu quả cao nhất. Trong quá trình vận hành hàng ngày, khi trên lưới điện Quốc gia có những thay đổi ảnh hưởng đến chế độ vận hành của các nhà máy, làm lượng xả ra hạ du từ các hồ không đạt theo quy định, Công ty cũng đã thông báo kịp thời đến các bên liên quan để sớm có kế hoạch phù hợp trong việc tưới tiêu, canh tác nông nghiệp (dịp lễ, tết, các đợt trung đại tu thiết bị…).

Do dung tích các hồ chứa nước công ty quản lý có hạn, nhưng điều tiết hồ chứa phải được khai thác tối ưu đảm bảo 2 nhiệm vụ trọng tâm là công tác phát điện và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, canh tác nông nghiệp vào các tháng mùa kiệt. Để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ trên, vào đầu tháng 12 hàng năm, công ty tổ chức làm việc với các địa phương liên quan (đại diện là các Nông nghiệp& PTNT huyện trên địa bàn) để xác định về nhu cầu sử dụng nước phục vụ nông nghiệp trong các tháng mùa kiệt. Sau đó, Công ty trình kế hoạch khai thác hồ chứa vào các tháng mùa kiệt đến UBND tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện/thành phố thuộc 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để theo dõi chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các trạm bơm thuỷ lợi trong việc bơm nước tưới tiêu, Công ty đã chế tạo và lắp đặt Hệ thống cảnh báo xa dọc hạ lưu hồ để thông báo thời gian xả nước, giúp nhân dân trong vùng và các Trạm bơm thuỷ lợi chủ động trong việc bơm nước. Bên cạnh đó, Công ty có thiết lập số điện thoại nóng tại Phòng điều khiển trung tâm Nhà máy thuỷ điện Buôn Tua Srah để tiếp nhận 24h/24h mọi sự yêu cầu của nhân dân địa phương.
 

Nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên đã được cứu sống nhờ nguồn nước từ thủy điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết khắc nghiệt, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 rất thấp (≈ 0 m3/s), không đạt theo tính toán tại Quy trình vận hành liên hồ. Mặc dù vậy, Công ty sẽ theo dõi sát sao diễn biến thời tiết trên khu vực, đề ra phương án khai thác các hồ trong từng giai đoạn cụ thể, sao cho đủ nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và tưới tiêu nông nghiệp hạ du các hồ trong mùa kiệt năm 2016. Với tình hình thời tiết như trên, ngày 7-3-2016, Công ty đã được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi Thị trường điện, để chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016.

Trong cơ cấu nguồn của Hệ thống điện Quốc gia hiện nay, thủy điện chiếm tỷ trọng lên đến 42% (cả về công suất lẫn điện năng), việc đảm bảo cung cấp điện cũng tối ưu chung phụ thuộc nhiều vào lượng nước tích được cũng như nước về của các hồ chứa. Do tình hình thủy văn không thuận lợi, hiện nay lượng nước còn lại trong các hồ thủy điện là 23.7 tỷ m3, thiếu hụt so với MNDBT 10.14 tỷ m3 (ứng với sản lượng thủy điện thiếu hụt là 4.62 tỷ kWh). Chính vì vậy, hiện nay cũng như thời gian tới miền Trung và miền Nam không đủ nguồn để tự cân bằng cung cầu nội miền, thường xuyên phải nhận sự hỗ trợ công suất từ miền Bắc trong khi khả năng truyền tải của lưới liên kết bị giới hạn và tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi truyền tải cao. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo duy trì khả năng phát điện của các NMTĐ nội miền là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an ninh năng lượng, đồng nghĩa các nguồn thủy điện cần phải có đủ nước để duy trì vận hành đến hết mùa khô.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn