Nhà máy điện hạt nhân Grohnde của Đức có thể được "cứu sống"
Cách đây 8 năm, dưới thời chính phủ liên minh của Thủ tướng Gerhard Schroeder, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh, Đức đã thông qua luật đóng cửa 19 lò phản ứng hạt nhân vào khoảng trước năm 2021 vì lo ngại các vấn đề an toàn. Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2005, chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay, gồm đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cũng nhất trí trong bản thỏa thuận liên minh là không xem xét lại luật "khai tử" các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, ngày nay, đứng trước cơn bão giá năng lượng, giới chức trách Đức đang cân nhắc lại kế hoạch này.
Đề xuất của Bộ Kinh tế
Mặc dù chính phủ liên minh đã cam kết như vậy song Bộ Kinh tế Đức vẫn đưa ra đề xuất kêu gọi kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân. Chính phủ nên từ bỏ chương trình đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân để giúp kìm hãm giá điện đang leo thang cũng như giúp bảo vệ môi trường. Đây là nội dung bản đề xuất do các nhà chuyên môn thuộc Bộ Kinh tế soạn thảo, theo hãng tin Bloomberg.
Hãng tin này dẫn lời phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức Charlotte Lauer còn cho biết, kế hoạch của các chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế đã được thể hiện bằng bản dự thảo dài 3 trang kêu gọi chính phủ kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân còn lại thêm ít nhất 8 năm, tức 40 năm so với mức tối đa 32 năm như hiện nay. Đức hiện đã tháo dỡ 2 lò phản ứng hạt nhân nên chỉ còn lại 17 lò. Giới chuyên môn lo ngại việc phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện thay vì nhà máy điện hạt nhân sẽ làm tăng lượng khí thải CO2 trong môi trường, theo tạp chí BusinessWeek.
Đề xuất của các chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Michael Glos, một thành viên thuộc CDU, ngay lập tức tạo ra một làn sóng tranh cãi gay gắt trong chính phủ. Bộ trưởng Môi trường Sigmar Gabriel, thuộc SPD, đã lên tiếng chỉ trích nhóm chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế và khẳng định một số đảng trong liên minh cầm quyền đã đồng ý tuân theo kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân theo thỏa thuận liên minh được ký kết năm 2005. "Nếu Bộ Kinh tế cứ theo đuổi quan điểm không đóng cửa các cơ sở năng lượng nguyên tử thì điều này không chỉ vi phạm thỏa thuận liên minh mà còn cho thấy Bộ Kinh tế không khác gì một cơ quan vận động cho năng lượng nguyên tử", ông Gabriel nói.
Theo tạp chí BusinessWeek, Bộ Kinh tế cũng đã nhanh chóng phản pháo: "Bộ trưởng Sigmar Gabriel nên ngưng cái trò chửi mắng tất cả những người nghiên cứu cẩn thận về tương lai của nguồn cung cấp điện và an ninh năng lượng".
Xóa bỏ, lợi hay hại?
Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ bản đề xuất của Bộ Kinh tế cho biết kế hoạch chấm dứt việc sản xuất năng lượng hạt nhân đồng nghĩa với việc tăng gấp đôi tỷ lệ điện được sản xuất từ khí đốt lên 23% vào năm 2020. Vấn đề này sẽ đè nặng lên đôi vai của người tiêu dùng khi giá điện tăng cao trong khi cũng sẽ cản trở kế hoạch giảm khí thải CO2.
Theo Newsweek, vào thời điểm chính phủ thông qua luật "khai tử", giá dầu chưa tới 20 USD/thùng trong khi giá dầu hiện đã tăng khoảng gấp 6 lần. Chính vì thế, theo BusinessWeek, không phải người dân nào ở Đức, nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất châu Âu, cũng hài lòng với kế hoạch đóng tất cả lò phản ứng hạt nhân. Tạp chí Newsweek dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 54% người Đức cho biết họ muốn các nhà máy điện hạt nhân tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, những người phản đối thì lo ngại việc thôi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân có thể gây nguy hại cho tính mạng con người cũng như môi trường do việc dự trữ các chất thải hạt nhân có độ phóng xạ cao. Họ cũng lo ngại về nguy cơ xảy ra "thảm họa hạt nhân Chernobyl thứ hai".
"Thật sai lầm khi đóng cửa các nhà máy hạt nhân thuộc nhóm an toàn nhất thế giới. Bất cứ khi nào có thể, chính sách phải được sửa đổi và tôi vẫn hy vọng một số người có thể nhận biết được vấn đề này", Thủ tướng Merkel nói trong bài phát biểu trước đảng CDU hồi tháng 6. Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag hồi tháng trước, bà Merkel cho rằng Đức nên xem xét lại luật đóng cửa dần nhà máy hạt nhân.
Với tuyên bố của Thủ tướng Merkel - người được dư luận hy vọng sẽ dẫn đầu một liên minh có tinh thần thân thiện với năng lượng hạt nhân sau cuộc bầu cử năm 2009, nhiều người cho rằng thời điểm Đức xóa bỏ kế hoạch "khai tử" các cơ sở năng lượng hạt nhân đang đến gần hơn.