Tin thế giới

Anh: Đau đầu vì nhà máy điện thuỷ triều lớn nhất thế giới

Thứ ba, 19/8/2008 | 10:47 GMT+7
Nhà chức trách Anh đang "vò đầu bứt tóc" với bản kế hoạch xây dựng nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới của nước này. Mặc dù nhà máy điện thân thiện với môi trường trên được cho là sẽ cung cấp 5% tổng năng lượng cho toàn quốc, nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nó sẽ khiến nước Anh phải trả giá đắt .

Kế hoạch tham vọng

Severn là con sông dài nhất, kỳ lạ nhất Anh. Khi mùa xuân tới, các con sóng to xuất hiện và biến dòng sông dài 350km này thành thiên đường của những người chơi môn lướt sóng. Hai năm trước, một người Anh 41 tuổi đã ghi kỷ lục thế giới không chính thức khi lướt sóng lâu nhất trên sông Severn. Trong vòng 1 giờ 16 phút, nhân vật này đã lướt trên các con sóng và đi được tổng cộng 12 km. Những ai muốn phá kỷ lục này tốt nhất nên nhanh chân bởi nhà chức trách Anh đang lên kế hoạch xây dựng đập điện thuỷ triều Severn vắt ngang hai bờ sông.

 

 

Thiết kế tổng thể của dự án đập Severn

Người Anh hy vọng đây sẽ là đập điện thủy triều lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch, người ta sẽ xây một con đập dài 16km nối liền miền nam vùng England tới miền nam xứ Wales. Các turbine của nó sẽ sản sinh ra lượng điện khổng lồ, khoảng 8,6 gigaWatt, tương đương với 8 nhà máy điện nguyên tử hoạt động hết công suất. Điện từ con đập này sẽ cung cấp 5% nhu cầu năng lượng của nước Anh và quan trọng hơn là không sinh ra chút khí CO2 gây hại môi trường nào.

Vùng cửa sông Severn là địa điểm phù hợp nhất để đặt nhà máy điện khổng lồ này. Bí quyết là nơi đây có những con sóng mạnh và dài tới 15m. Cơ chế thủy triều của Severn cũng rất đặc biệt. Hai lần một ngày, một lượng nước khổng lồ ùa vào cửa sông Severn. Nơi duy nhất có cơ chế thủy triều tương tự là Vịnh Fundy ở Canada. Trong tương lai, nếu kế hoạch triển khai thuận lợi, những con sóng ở sông Severn sẽ xô tới một cái đập có 216 turbine khổng lồ, mỗi turbine có đường kinh lên tới 9m .

Không có gì mới mẻ

Kế hoạch của người Anh thực ra không có gì mang tính đột phá và mới mẻ. Chính quyền Đức quốc xã từng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy điện tương tự trong trường hợp chiếm được Anh và lật đổ chính quyền Winston Churchill trong Thế chiến thứ 2. Bản thân chính phủ Anh đã lên kế hoạch xây dựng con đập này từ rất lâu. Nhưng các kế hoạch liên tục bị huỷ bỏ bởi hai lý do: khối lượng công việc quá khổng lồ hoặc chi phí quá đắt đỏ.

Ngày hôm nay, khi giá nhiên liệu trên thế giới leo cao và vấn đề thay đổi khí hậu trở nên căng thẳng, dự án Severn lại được người ta bàn tới. Chi phí dự kiến khoảng 15 tỉ bảng (29 tỉ USD) và thời gian xây dựng kéo dài tới 8 năm không làm người Anh nhụt chí. Một số kẻ hay bông đùa so sánh dự án này là một phiên bản của đập Tam Hiệp tại Trung Quốc. Nhưng những lời nhạo báng không khiến chính phủ đổi ý.

 

 

Mô hình hoạt động của nhà máy điện thủy triều lớn nhất thế giới

Thủ tướng Anh Gordon Brown đã tuyên bố ủng hộ nhiệt thành cho đề xuất xây đập điện thủy triều trên sông Severn. Các cố vấn về môi trường và kinh tế của ông tỏ ra ủng hộ . Ngay cả David Cameron, lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập cũng thích bàn về những tiềm năng khổng lồ của con đập này. Một nghiên cứu trị giá nhiều triệu bảng hiện đã được tiến hành và người Anh sẽ quyết định xem có xây đập điện thuỷ triều tốn kém trên trong mùa thu này hay không .

Nếu được bật đèn xanh, con đập của Anh sẽ được xây theo mẫu đập La Rance của Pháp. Con đập này đã vận hành từ năm 1966 tới nay mà không gặp vấn đề gì. Dù có kích thước lớn hơn nhiều so với La Rance nhưng thiết kế kỹ thuật của đập Severn sẽ giống hệt con đập này.

Còn nhiều trở ngại kỹ thuật

Hiện dự án đập Severn đang vấp phải vài trở ngại kỹ thuật. Ít nhất 10 tổ chức bảo vệ môi trường đã lên tiếng chống lại nó. Theo họ, đập điện thủy triều sẽ đe doạ nhiều loài động vật cũng như thói quen sống của chúng. Con đập sẽ khiến nhiều vùng đất vĩnh viễn chìm trong nước, Hàng chục ngàn loài chim sống ven sông sẽ mất nơi ở và nhiều loài cá sẽ không thể tìm tới vùng đất mà chúng vẫn thường lui tới để sinh sản.

Các nhà phê bình cũng cho rằng tiền đầu tư vào nhà máy này là quá tốn kém. Họ gợi ý nên đầu tư cho các nhà máy phong điện và điện mặt trời giống như ở nước Đức. Cho tới nay cả hai mảng năng lượng này vẫn chưa được quan tâm tại Anh.

Có thể thấy Anh hiện đang vấp phải một quyết định khó khăn ở Severn. Nước này có cơ hội tạo nên một lượng điện "xanh" khổng lồ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải hy sinh một trong những hệ sinh thái ven sông độc đáo nhất của châu Âu, nơi có hàng ngàn loại sinh vật thủy sinh trú ngụ và là điểm dừng chân quan trọng của vô số loài chim di cư.

Theo TT&VH