Đường dây 220 kV Bản Lả - Vinh: Nỗi gian truân của những người giải phóng mặt bằng

Thứ ba, 5/5/2009 | 10:12 GMT+7
Sau nhiều nỗ lực của Ban quản lý dự án điện miền Bắc (AMB) đến nay, dự án đường dây 220 kV Bản Lả - Vinh vẫn còn 2 vị trí chưa thể đúc móng, dựng cột và 7 khoảng cột chưa kéo được dây vì một số hộ dân gây khó dễ, không chịu bàn giao mặt bằng khiến dự án nguy cơ chậm tiến độ không kịp đón điện từ Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ.

 

Một trong những khoảng cột chưa được kéo dây.

Công trình đường dây 220 kV Bản Lả - Vinh và mở rộng ngăn lộ trạm biến áp 220 kV Hưng Đông - TP Vinh do AMB làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 25/5/2006 với quy mô 2 mạch dài hơn 174 km, gồm 466 vị trí đi qua 8 huyện, thị và thành phố Vinh. Đây là đoạn đường dây rất khó khăn bởi địa hình chủ yếu đi xuyên núi rừng và nằm hầu hết ở trên đèo núi, vực sâu hiểm trở, cá biệt có một đoạn đi qua rừng già nguyên sinh, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. Ngay sau khi khởi công, các lực lượng tham gia xây dựng công trình đã tập trung tối đa nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời gian đẩy nhanh tiến độ thi công. Đến nay, đã hoàn thành công tác đúc móng, dựng cột được 463/466 vị trí, đang triển khai kéo dây dẫn và dây chống sét. Theo ông Phan Ngọc Đào - Phó Trưởng Ban AMB: Lẽ ra công trình đường dây 220 kV Vinh - Bản Lả đã có thể hoàn thành. Thế nhưng đến giờ công trình bị kéo chậm tiến độ chỉ vì một số người dân trên tuyến không chịu giao mặt bằng để thi công, mặc dù đã nhiều lần chúng tôi và chính quyền địa phương giải thích, tổ chức vận động người dân nhận tiền đền bù theo đơn giá của UBND tỉnh quy phê duyệt. Nhưng vẫn còn một số hộ dân gây khó dễ, không chịu bàn giao mặt bằng nên đơn vị thi công không thể triển khai đúc móng, dựng cột tại 02 vị trí và kéo dây tại 7 khoảng cột cuối cùng trên tuyết được.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay ở hai vị trí cột số 452 nằm trên thửa đất của hộ ông Nguyễn Văn Đàn, vị trí cột 458 nằm giữa thửa đất của 2 hộ ông Nguyễn Văn Phúc và ông Nguyễn Văn Tạo thuộc xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Theo ông Vũ Thanh Hà - Phó trưởng Phòng đền bù Ban AMB, trong quá trình làm hồ sơ đền bù, cả 3 hộ này đều không nhận tiền mà mà chỉ đưa ra điều kiện yêu cầu được bố trí đất tái định cư ở một vị trí khác đẹp hơn. Chính quyền địa phương không ý giải pháp này, sau một thời gian thỏa thuận chính quyền đồng ý bố trí tái định cư ở vị trí mới nhưng cả 3 hộ phải bù thêm tiền chênh lệch giá đất. Qua nhiều lần để giải thích, 3 hộ này mới đồng ý bù thêm tiền để nhận vị trí đất tái định cư do địa phương bố trí. Đến đây, một hộ đã nhận tiền nhưng vẫn đưa ra điều kiện chỉ giao đất cho các đơn vị thi công khi đã được chính quyền địa phương giao sổ chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai hộ còn lại còn lại chưa đồng ý nhận tiền vì yêu cầu phải có hỗ trợ thêm việc san lấp mặt bằng đất tái định cư.

Được biết, trong quá trình thi công công trình, nhiều hộ dân đủ điều kiện sinh sống dọc hành lang theo quy đinh của Nghị định 106 CP của Thủ tướng Chính phủ, lại đưa ra yêu cầu được di dời hoàn toàn ra khỏi đường dây. Đây là vấn đề mà ngành điện và địa phương không thể giải quyết được. Mặc dù Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và Ban AMB đã nhiều lần làm việc với chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An thống nhất cách giải quyết vừa đảm bảo lợi ích cho người dân vừa tuân thủ quy định của pháp luật. Mặc dù UBND tỉnh đã có ý kết luận chỉ đao cùng với sự hỗ trợ rất lớn của hội đồng đền bù các địa phương nhưng một số hộ dân trên tuyến vẫn cố tình ngăn cản, không cho các đơn vị tiếp tục triển khai thi công. Gần đây nhất, AMB đã phối hợp với chính quyền và công an các địa phương tổ chức lực lượng bảo vệ thi công kéo dây hai khoảng cột từ vị trí 28 đến vị trí 29 đoạn qua thị trấn Hoà Bình huyện Tương Dương; khoảng cột từ vị trí 355 đến vị trí 356 đoạn qua xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương và nguồn nguồn kinh phí để tổ chức bảo vệ cho những lần ra quân như thế phải chi trên dưới 80 triệu đồng và đã phải làm như vậy lên đến hàng chục lần rồi, không biết rồi đây phải hạch toán chi phí này vào nguồn nào?

Thuỷ điện Bản Vẽ là công trình thuỷ điện lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với công suất lắp máy 320 MW, điện năng trung bình năm 1.084,2 triệu kWh, tổng mức đầu tư 5.740 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đưa Nhà máy vào vận hành không còn nhiều, nếu đường dây 220 kV Vinh - Bản Lả không kịp hoàn thành để chuyển tải dòng điện từ Nhà máy hoà vào lưới điện quốc gia thì thiệt hại khó có thể tính toán được.
Xác định khi thi công công trình, khó khăn và trở ngại nhất vẫn là khâu đền bù giải phòng mặt bằng nên CBCNV Ban AMB đã phải cố gắng rất nhiều, tranh thủ tối đa sự trợ giúp của các cấp ngành, địa phương, tăng cường tổ chức vận động, thuyết phục người dân nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để thi công công trình. Theo ông Phan Ngọc Đào, rồi đây Nghị định 106 sẽ được Chính phủ sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, sẽ phần nào đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi đền bù và di dời khỏi hành lang tuyến của nhân dân. Bên cạnh đó đối với các công trình mới chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế các công trình điện cũng nên cân nhắc, xem xét thiết kế hướng tuyến để hạn chế mức thấp nhất để đường dây đi qua vùng dân cư.  Song trước mắt nhân dân tại nơi có đường dây đi qua hãy vì lợi ích chung của đất nước nên tạo điều kiện để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, có đi tìm hiểu thực tế trên công trường mới thấu hiểu một phần nào những nỗi gian truân mà các anh chị ở Ban AMB, tư vấn đền bù, chính quyền địa phương, hội đồng đền bù và đang làm hết khả năng của mình cùng với không khí lao động hăng say của đội ngũ kỹ sư, công nhân. Chúng tôi mong công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ kịp thời truyền tải nguồn điện năng sau khi nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ  được đưa vào vận hành để bổ sung nguồn cho lưới điện quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn cả nước.

Bài và ảnh: Quang Thắng