Những “Yết Kiêu” trên đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ ba, 31/3/2009 | 10:50 GMT+7
Ngày xưa khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta năm 1284, chàng Yết Kiêu , một trợ thủ đắc lực của danh tướng Trần Hưng Đạo đã không quản mùa đông giá rét, đêm đêm lặn xuống nước, nằm dưới đáy thuyền, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền giặc, góp phần đánh thắng quân Nguyên. Đó là chuyện ngày xưa của cha ông ta, còn ngày nay ở đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn những chàng “Yết Kiêu” đang ngày đêm cần mẫn chăm lo cho lưới điện truyền tải được vận hành an toàn liên tục.


 Công nhân Truyền tải điện miền Tây  lắp đặt biển báo để cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân.

Trong hai ngày đi thực tế trên tuyến đường dây 220kV Rạch giá – Trà Nóc và đường dây 500kV Ô Môn – Nhà Bè ( vận hành tạm 220kV) cùng anh em công nhân của Đội Truyền tải điện Vĩnh Long và Cần Thơ. Ban đầu tôi cứ nghĩ đi tuyến với họ ở vùng đồng bằng thì rất đơn giản, tuy nhiên lại không đơn giản chút nào. Đi lại ở vùng đồng ruộng sình lầy tôi cứ bị vấp ngã, nếu không có họ níu lại e rằng tôi đã ướt mèm cả người. Sau phút dừng chân, trò chuyện với những người thợ truyền tải, anh Dương Văn Lương công nhân Đội truyền tải điện Cần Thơ là thợ bậc 5/7 quê ở Bạc Liêu kể đường dây chúng em quản lý hầu hết đi qua nhiều vùng trầm thủy, mỗi lần đi kiểm tra khoảng 10 đến 12 khoảng cột, có những lúc lội được qua vùng này thì mấy con đỉa đeo bám đầy người, có con thì bu ngay sau mang tai. Có những vị trí tuy nằm gần đấy nhưng bọn em phải đi lòng vòng hơn 3 tiếng mới đến được. Mỗi lần đi đều phải mang theo đồ ăn thức uống, nhiều lúc gặp đoạn không có nhà dân, không nhờ được thuyền qua sông thì bọn em phải bơi qua để đi kiểm tra. Khi vào mùa nước về, mực nước lũ cao hơn 3m so với mặt ruộng thì chủ động thuê thuyền kiểm tra để đi dọc theo tuyến đường dây. Anh Nguyễn Văn Hùng, quê ở Tiền Giang thì bộc bạch: Khó khăn thế nào bọn em cũng chịu được hết, nhưng mà chỉ ngại nhất là khi đi kiểm tra vào ban đêm sợ dẫm phải bẫy chuột và mồi rắn. Thấy tôi còn chưa hiểu được vì sao lại thế anh Hùng giải thích thêm, món chuột đồng là một trong những đặc sản của vùng này nên người dân thường dùng điện để bẫy chuột,  ở vùng này cũng có rất nhiều các loại rắn, độc có, lành có. Để bắt được nhiều rắn họ thường dùng thuốc mồi nhử rắn đến. Đi kiểm tra ban đêm chúng em không thể biết chỗ nào có bẫy nên cũng sợ lắm. Để phòng ngừa, khi đi kiểm tra đêm , đội đều cử mỗi nhóm công tác 4,5 người và chúng em đều dùng đèn pin lớn và cây gậy đi đến đâu khua tơi đó, có như thế mới an tâm.

Còn anh Phan Thanh Sương, Đội trưởng Đội Vĩnh Long cho biết : Sông nước là đặc trưng của miền Tây Nam bộ, nơi cuộc sống và công việc của người dân gắn liền với kênh rạch chằng chịt. Mỗi năm mùa lũ thường về từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch, vào mùa nước nổi thì mênh mông bát ngát đâu đâu cũng là nước.  Ở đây có những đứa trẻ chưa biết chạy đã lặn ngụp trên sông. Do địa hình nhiều nơi xe ô tô không đến được, để đi lại ngoài việc thuê thuyền thì anh em thường tận dụng xe máy làm phương tiện chủ yếu di chuyển trong quá trình đi kiểm tra tuyến và sửa chữa đường dây.

Trở về đại bản doanh của Truyền tải điện Miền Tây, ông Nguyễn Thuần Nhiên - Trưởng Truyền tải cho chúng tôi biết thêm: Khi mùa nước nổi thì nỗi lo lắng của chúng tôi tăng lên gấp bội phần, bởi lẽ khi nước về nhiều khoảng cột khoảng cách từ dây dẫn đến mặt nước không được an toàn, việc đi lại chủ yếu đều bằng thuyền, để đẩy thuyền người dân dùng sào tre dài trên dưới 4 mét rất nguy hiểm khi đi qua đường dây.  Để đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải cũng như an toàn cho người dân ngoài việc cắm biển báo hiệu ra chúng tôi còn cử công nhân túc trực thường xuyên tại các điểm để cảnh báo cho họ. Mùa khô anh em chúng tôi đỡ vất vả  hơn nhưng vẫn chưa hết đâu, vào mùa khô sau mỗi vụ gặt thì những cánh đồng là nơi các em  thường vui chơi thả diều. Diều khi các em nhỏ thả thường thì không vướng đường dây nhưng khi bị đứt dây thì diều bay cứ thế là gác lên đường dây, lắm lúc phải xin cắt điện để công nhân lên gỡ diều ra khỏi dây dẫn. Cũng may sau một thời gian phối hợp với các cơ quan và nhất là tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nên các em chỉ thả diều ở những nơi cho phép.

Khi thấy tôi bày tỏ rằng anh em công nhân làm việc thường xuyên tiếp xúc dưới nước thì thường hay gặp phải bệnh gì không thì bác sỹ Hải – tổ trưởng tổ hành chính của Truyền tải điện miền Tây đã trao đổi: Do tiếp xúc với nước bẩn, nhiễm phèn anh em hay bị bệnh nấm da, mỗi khi ngứa gãi sẽ bị lở có khi cả tuần mới hết. Để phòng bệnh đơn vị đã nhắc nhở anh em tắm rửa sạch sẽ sau mỗi lần đi tuyền về và cấp phát thuốc để phòng và chữa bệnh. Bên cạnh đó mỗi năm 2 lần chúng tôi đều tổ chức khám bệnh cho công nhân và tổ chức điều dưỡng phục hồi sức khỏe kịp thời.

Công nhân Truyền tải điện miền Tây  dùng thuyền để vận chuyển thiết bị sửa chữa đường dây

Qua tìm hiểu thêm chúng tôi được biết năm 2008 Truyền tải điện miền Tây đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao, không để xảy ra tai nạn lao động, sản lượng điện truyền tải 6.495.973.500 KWh, tăng 21,67 %. so với cùng kỳ năm 2007, tỷ lệ tổn thất bình quân 1,82% (So với năm 2007 là 2,824%). Đặc biệt đối với hệ thống lưới điện đã không có sự cố vĩnh cữu và hạn chế được mức thấp nhất sự cố thoáng qua. Để có được thành tích trên đó là cả một quá trình xây dựng nỗ lực không ngừng của cả một tập thể. Nhiều biện pháp đã được triển khai một cách cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra, thí nghiệm định kỳ, sửa chữa thường xuyên đường dây và trạm. Tổ chức diễn tập PCCC; PCLB, diễn tập sử lý sự cố. Cho công nhân học tiếng Khơ-me để tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ đường dây trong nhân dân. Chỉ riêng trong năm 2008 Truyền tải điện miền Tây đã có 7 sáng kiến và 02 công trình thi đua chào mừng các ngày lễ lớn đó là công trình: Sơn báo hiệu trụ vượt sông Hậu A2 và A3 đường dây 220KV Cai Lậy – Trà Nóc và Thay máy cắt lộ 173 Trạm 220kV Trà Nóc. Song song với hoạt động chuyên môn, các phong trào thi đua đã được đơn vị duy trì và tham gia tốt, trong năm qua đã có 03 Trạm và 05 tuyến đường dây được Công ty Truyền tải điện 4 khen thưởng Trạm, đường dây kiểu mẫu năm 2008 . Tham gia, hưởng ứng các phong trào “Vui khỏe để phục vụ sản xuất” do Công ty và địa phương tổ chức.

Trong buổi gặp gỡ tại Công ty Truyền tải điện 4  chúng tôi được ông Nguyễn Thành Lân – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty đã có những nhận xét khá ấn tượng về truyền tải điện miền Tây:  Đối với công nhân vận hành, ngoài kiến thức cần phải bồi huấn thường xuyên , trong thời gian qua Công ty đã tổ chức mời chuyên gia tổ chức huấn luyện bơi lội , kiểm tra và cấp chứng chỉ cho toàn bộ công nhân. Để đảm bảo an toàn và phòng ngừa mọi bất trắc Công ty đã trang bị áo phao và bắt buộc công nhân phải sử dụng khi đi kiểm tra đường dây trong mùa mưa lũ. Truyền tải điện miền Tây là một đơn vị đã chủ động phát huy nội lực của các cá nhân . Trong quá trình quản lý vận hành, Truyền tải điện miền Tây luôn chủ động, sáng tạo trong công việc và đây cũng là chiếc nôi cung cấp nguồn nhân lực cán bộ quản lý và kỹ thuật cho Công ty. Trong thời gian qua, Truyền tải điện Miền Tây đã được Nhà nước tặng 3 Huân chương Lao động hạng 1, 2, 3. 1 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 4 ca nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ Thi đua Toàn quốc.

Năm 2009, cũng là năm Truyền tải điện miền Tây  cần phải triển khai đó là đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục. Chuẩn bị tiếp nhận vận hành Trạm biến áp 220kV Châu Đốc 2,  Thốt Nốt, Kiên Lương. Trạm biến áp 500kV Ô Môn. Đường dây 500kV Ô Môn – Nhà Bè  và đường dây 220kV Châu Đốc – Trà Keo để chuyển tải cung cấp điện cho các vùng lân cận phía Tây Nam và nước bạn Campuchia góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điện năng. Tạm biệt vùng sông nước, hai đặc trưng là chợ nổi và đờn ca tài tử còn vướng quyện mãi lòng người. Tạm biệt những chàng Yết Kiêu của vùng sông nước miền Tây đang nỗ lực vượt lên những khó khăn và những nỗi vất vả thường ngày để yêu đời, yêu nghề, yêu quê hương ./.

Truyền tải điện Miền Tây ( Công ty Truyền tải điện 4)  hiện đang quản lý lưới điện truyền tải trên địa bàn 8 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc liêu và Cà Mau.  Toàn truyền tải có 16 đơn vị, trong đó có 05 trạm biến áp 220KV có tổng dung lượng 1.225 MVA. 04 Đội quản lý đường dây  đang vận hành gần 1.200 Km đường dây 220 – 500kV với 1.882 vị trí. 1 Đội Cơ Động, 1 Đội Sửa chữa cơ điện và 5 Tổ sản xuất, nghiệp vụ.

Bài và ảnh Nguyễn Quang Thắng