Tin mới nhất

Đường dây 500kV Sơn La – Hòa Bình – Nho Quan: Vươn xa những “cánh võng” mùa Xuân

Thứ năm, 12/3/2009 | 10:11 GMT+7
Ðược ông Phan Ngọc Ðào, Phó trưởng Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) giới thiệu về tuyến đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan chuẩn bị được hình thành, với khá nhiều những khoảng cột, cung đoạn phải vượt qua các khu vực có địa hình phức tạp, tôi lại hình dung đến những “cánh võng” trĩu nặng nguồn năng lượng nối nhau chạy dọc đất nước. Công trình sẽ đi qua địa bàn 11 huyện, thành phố thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đầu tư xây dựng đồng bộ với Nhà máy Thủy điện Sơn La. Những “cánh võng” ấy sẽ truyền tải năng lượng, thúc đẩy sự phát triển ổn định cho các trung tâm kinh tế lớn của đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Các đơn vị thi công nỗ lực đổ bê tông hố móng vị trí cột 224
Những ngày đầu xuân, cùng đoàn công tác của NPT, tôi đã có mặt tại vị trí cột 244 thuộc xã Mường Thang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trong làn sương mù mờ ảo, rét buốt thấu xương, được chứng kiến những người công nhân miệt mài rửa từng rổ đá, vác từng bao xi măng, trộn đổ từng mẻ bê tông để đúc lên móng cột đường dây 500 kV, tôi mới thấy hết sự gian nan, lòng quyết tâm của những người thợ “tất cả vì dòng điện tương lai của đất nước”. Ông Phan Ngọc Ðào cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ quản lý dự án, Ban AMB đã làm việc với đơn vị tư vấn, chuẩn bị hồ sơ dự án, nhanh chóng triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tổ chức đấu thầu các hạng mục công trình. Ðồng thời, AMB cũng phối hợp với Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) triển khai công tác giám sát thi công và nghiệm thu công trình. Vì vậy, dù mới triển khai thi công, nhưng với phương châm chỉ đạo điều hành một cách tập trung, đến nay các đơn vị tham gia xây dựng công trình đã hoàn thành công tác đổ bê tông đúc móng được 161/638 vị trí cột.

Ðược biết, đường dây 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan là một công trình trọng điểm trong Quy hoạch phát triển hệ thống điện quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt với chiều dài thiết kế là 282,9 km, trong đó có 177 km là đường dây mạch kép và 2 đoạn đường dây 1 mạch dài 28,6 km và 77,3 km. Cùng với công trình này, NPT sẽ đầu tư mở rộng và lắp đặt thêm thiết bị tại Trạm biến áp 500 kV Hòa Bình và Nho Quan. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á. Ông Nguyễn Hà Ðông - Tổng giám đốc NPT cho rằng: “Với tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, nếu không có sức trẻ, kinh nghiệm và sự nỗ lực vượt bậc của các lực lượng tham gia xây dựng đường dây thì khó có thể hoàn thành những công việc đầy khó khăn, vất vả này. Về phía NPT, chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai  tốt công tác thi công các hạng mục công trình. Ðồng thời, các đơn vị thi công cần phải sự phối hợp chặt chẽ với AMB, PTC1 giám sát, nghiệm thu đúng quy trình, đảm bảo tiến độ, chất lượng và an toàn cho người và thiết bị trong quá trình thi công”.

Dừng chân ở thị trấn Mộc Châu, đoàn công tác chỉ  cho chúng  tôi những cung đoạn khó khăn nhất. Hầu hết các vị trí đều ở rừng núi cao, hiểm trở, có đoạn phải đi sâu trong rừng già, điều kiện thi công hết sức ngặt nghèo. Ðặc biệt, khi đưa vào vận hành, cung đoạn này sẽ là một thách thức rất lớn đối với lực lượng quản lý vận hành lưới truyền tải điện của PTC1. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Nam – công nhân Công ty Xây lắp điện 2 tâm sự: Tuy điều kiện địa hình rất bất lợi, nhưng nhờ sự đầu tư của Công ty vào phương tiện thi công tại công trường, máy móc như: Máy trộn, đầm bê-tông, tời máy, máy ép thủy lực, bộ dựng… được trang bị đầy đủ, cộng với kinh nghiệm đã được tích luỹ sẽ giúp chúng tôi nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian thi công và đảm bảo chất lượng công trình.

Thời gian Thuỷ điện Sơn La phát điện tổ máy số 1 đang đến gần, dòng điện từ đây sẽ hoà vào lưới điện quốc gia, toả đi khắp mọi miền góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ðể mục tiêu đó thành hiện thực thì những “cánh võng” 500 kV Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan phải được hoàn thành đóng điện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Song, trước bộn bề công việc như hiện nay, bên cạnh nỗ lực của các đơn vị tham gia xây dựng công trình, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, nhất là sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nhằm thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để đưa công trình vào vận hành đúng tiến độ.

Theo: Tạp chí điện lực