Trong khi cả nước đang đối mặt với vô vàn khó khăn do thiếu điện gây ra thì thông tin tổ máy số 1 của Nhà máy Thủy điện Sơn La sẽ chính thức vận hành vào cuối năm nay như một tín hiệu vui. Tuy nhiên, Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình truyền tải điện từ Nhà máy đến nơi tiêu thụ đang có nguy cơ chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch đóng điện vào tháng 8/2010 bởi rất nhiều khó khăn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Chồng chất khó khăn
Tuyến đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình đi qua 6 huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình: Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, TP. Hòa Bình và Lạc Sơn với 278 vị trí cột được triển khai thi công từ ngày 3/11/2008. Sau hơn 1 năm thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa thể hoàn thành do còn 62 hộ dân nằm trong hành lang đường dây đi qua không chịu di dời.
Cao Phong là huyện có đông số hộ không chịu di dời nhất. Toàn huyện có 28 hộ không nhận tiền bồi thường với lý do, khi thu hồi đất, Hội đồng bồi thường huyện chưa thực hiện thu hồi đất vườn liền kề của các hộ phải di chuyển. Bên cạnh đó, do chính sách tái định cư phân tán, người dân phải tự tái định cư khiến cho việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Chị Bùi Thị Hiệu, ở bản Mu, xã Thung Nai, huyện Cao Phong cho biết, gia đình chị có 3.632m2 được bồi thường với tổng số tiền là 237 triệu đồng. “Với số tiền 237 triệu đồng, gia đình tôi phải tự tìm mua đất để tái định cư mà giá đất tại nơi mới rất cao, chỉ mua 200m2 đã mất gần 70 triệu đồng, vượt xa giá Nhà nước bồi thường. Điều này đã làm khó cho người dân chúng tôi”, chị Hiệu tâm sự.
Anh Lưu Xuân Phú, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn về đầu tư và thị trường bất động sản, đơn vị tư vấn giải phóng mặt bằng chia sẻ, sở dĩ các hộ tại bản Mu chưa chấp nhận phương án giải phóng mặt bằng là do 3 nguyên nhân: việc đo đạc chưa chính xác, đặc biệt đối với đất thổ cư; đơn giá bồi thường thấp so với thực tế; đối với hộ di chuyển khỏi thửa chưa thực hiện thu hồi phần đất còn lại ngoài phạm vi hành lang lưới điện.
Theo ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy, huyện vẫn còn 12 hộ tại xã Phú Lai không nhận tiền hỗ trợ san lấp (7 triệu đồng - PV) mà yêu cầu phải có mặt bằng san lấp mới nhận tiền bồi thường di dời; 05 hộ khác không nhận tiền do yêu cầu đền bù cây trên mộ trong khi đơn giá đền bù cây trên mộ không nằm trong phương án bồi thường.
Ngay tại TP. Hòa Bình, phương án bồi thường đã được phê duyệt và bắt đầu chi trả từ ngày 31/5/2010. Nhưng do Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình chưa thẩm định xong phần đất liền kề của các hộ dân nên việc chi trả không thể hoàn thành. Đặc biệt, việc xác định khu tái định cư cho 09 hộ vẫn chưa được thực hiện, thành phố phải chờ ý kiến của các ngành liên quan.
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc trên thì sai lệch hành lang tuyến, số liệu phần đo vẽ thiếu từ vị trí 362 đến 364, vướng rừng phòng hộ từ vị trí 354 đến 358, chưa có đơn giá cho việc di chuyển hòn non bộ… đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến việc giải phóng mặt bằng cho người dân tại huyện Mai Châu, Lạc Sơn và TP. Hòa Bình.
Cú hích tháo gỡ
Trước nguy cơ chậm tiến độ Dự án đường dây 500kV Sơn La - Hòa Bình, ngày 31/5/2010, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào đã làm việc với Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. Tại buổi làm việc, một gói giải pháp cụ thể, sát thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên đã được đề xuất lên UBND tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, cần sớm có phương án bố trí tái định cư cho 09 hộ dân tại TP. Hòa Bình ra khỏi hành lang tuyến; khẩn trương tiến hành thu hồi đất liền kề và lập phương án bồi thường bổ sung đối với 28 hộ tại huyện Cao Phong, tiến hành phê duyệt trước ngày 15/6/2010; khẩn trương hoàn thành công tác tái định cư cho 12 hộ dân tại xã Phú Lai nhằm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước 30/6/2010, vận động các hộ dân chấp thuận cho đơn vị thi công kéo dây trong thời gian triển khai công tác san nền tái định cư; đề nghị Sở Tài chính sớm phê duyệt đơn giá bồi thường hỗ trợ đối với cây trên mộ cho khoảng 163 hộ tại huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; Sở Nông nghiệp và PTNT khẩn trương hoàn tất thủ tục mở cửa rừng đoạn tuyến từ vị trí 354 đến 358 trên địa bàn huyện Mai Châu, tạo điều kiện để đơn vị thi công tiến hành kéo dây…
Ngay tại buổi làm việc, ông Quách Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình thừa nhận: Muốn dự án đảm bảo đúng tiến độ ngay lúc này cần dồn tổng lực để giải quyết triệt để những phát sinh vướng mắc nêu trên. Ông Quách Thế Hùng nêu rõ: “Các xã, huyện, thành phố có đường dây đi qua cần phải tích cực tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của dự án này. Để người dân yên tâm, tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho việc kéo đường dây đi qua, các bên liên quan cần thiết phải ký cam kết với người dân”./.