Sự kiện

Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông: Công trình của sáng kiến và tiến độ

Thứ năm, 9/1/2014 | 10:14 GMT+7
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, sau 10 năm chính thức vận hành đường dây 500kV mạch 1 (năm 1994), đường dây 500kV mạch 2 được đưa vào tải điện cung cấp cho miền Trung và miền Nam (năm 2004), và giờ đây, để đảm bảo điện cho mùa khô năm 2014, đường dây 500kV mạch 3 cũng sẽ phải hoàn thành trước 30/4/2014. Nghĩa là, cứ sau 10 năm, lại có thêm một mạch đường dây 500kV nối liền hệ thống truyền tải điện Bắc - Trung - Nam.

 
Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện Miền Trung trực tiếp chỉ đạo trên công trường

​​Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực Công trình đường dây 500kV Bắc-Nam nhớ lại, vào lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung Tâm Điều Độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đã ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành. Sau khi đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 500kV tại Đà Nẵng (9/1994) và Pleiku (tháng 11/1994), tình hình cung cấp điện cho Miền Trung đã được giải quyết căn cơ. Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1997, công suất truyền tải chủ yếu từ Bắc vào Nam và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản lượng cung cấp của Miền Nam và Miền Trung. Từ năm 1999, công suất truyền tải từ Nam ra Bắc là chủ yếu, khẳng định tầm nhìn chiến lược cũng như quyết định đúng đắn khi xây dựng hệ thống đường dây truyền tải siêu cao áp 500kV tại Việt Nam. Việc quyết định đầu tư xây dựng mạch 2 đường dây 500kV Bắc - Nam thời điểm đầu những năm 2000 cũng là vì thế. Thế nhưng, hiện nay đường dây 500kV Bắc-Nam đã quá tải trầm trọng dù đã nâng thành 02 mạch. Và để có thể đảm bảo điện cho miền Nam trong trước mắt, khi các nhà máy nhiệt điện phía Nam đang chậm tiến độ chưa vào kịp thì đồng thời với việc nâng cấp 2 mạch đường dây 500kV hiện hữu, một đường dây 500kV thứ 3 cũng được quyết định đầu tư xây dựng.

Vị thế của một công trình
 
Đường dây truyền tải điện cao áp 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông có chiều dài hơn 437km, là đường dây 500kV mạch kép, điểm bắt đầu từ TBA 500kV Pleiku đến TBA 500kV Cầu Bông. Theo tiến độ, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 4/2013 nhằm kịp thời cung cấp điện cho miền Nam ngay trong mùa khô tới. Không chỉ góp phần đảm bảo cung cấp điện cho Miền Nam giai đoạn 2014-2015 và tăng cường liên kết lưới điện truyền tải cấp 500kV, góp phần đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, thông suốt, công trình còn tạo tiền đề cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam và liên kết lưới điện 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia sau năm 2015.

Cụ thể, theo ông Trần Quốc Lẫm - Phó TGĐ Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), hiện nay, khi hàng loạt các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Ialy và Trung tâm Nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng đều nằm ở khu vực phía Bắc và miền Trung, đường dây 500 kV mạch 1 và mạch 2 luôn phải truyền tải công suất  và sản lượng cao, đưa điện vào phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội và đời sống nhân dân các tỉnh phía Nam. Vì vậy, đường dây 500 kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng và đưa vào vận hành trong thời gian tới sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ thống truyền tải 500 kV của Việt Nam. Đặc biệt, công trình còn góp phần tăng cường an ninh hệ thống điện quốc gia, trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự cố nào vẫn đảm bảo truyền tải công suất cao vào các tỉnh phía Nam. Đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng là một trong những công trình trọng điểm, cấp bách nằm trong Quy hoạch điện VII. Trong tình hình một số dự án nguồn điện ở khu vực miền Nam chậm tiến độ, việc đẩy nhanh tiến độ thi công ĐD 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xem là “cứu cánh” giải quyết tình trạng thiếu điện cho TP HCM và các vùng lân cận từ năm 2014. Đến năm 2015, EVNNPT sẽ tiếp tục triển khai các dự án hoạt động đồng bộ với các dự án thủy điện và tạo điều kiện cho việc nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam, đồng thời tăng cường liên kết lưới điện ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Công trình nối tiếp công trình
 
Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết,  chỉ tính riêng trong năm 2013, EVNNPT đã khởi công 37 công trình lưới điện 500-220-110kV (gồm 8 công trình 500kV, 28 công trình 220kV và 01 công trình 110kV). Hoàn thành đóng điện 39 công trình lưới điện từ 110-500kV (gồm 14 công trình 500kV, 24 công trình 220kV và 1 công trình 110kV) với tổng dung lượng trạm biến áp tăng thêm 5.088MVA, tổng chiều dài đường dây xây mới và cải tạo nâng cấp là 885km. Nhờ đó, năng lực truyền tải được tăng cường, đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo cung cấp điện, chất lượng điện áp và nâng cao độ ổn định vận hành hệ thống điện. Cụ thể, để xử lý quá tải, nâng cao năng lực lưới truyền tải, trong năm 2013, đã hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo cơ bản hệ thống các giàn tụ bù dọc trên toàn bộ tuyến đường dây 500kV Bắc-Nam từ 1000A lên 2000A đã tăng cường khả năng truyền tải điện từ Bắc vào Nam; Hoàn thành đưa vào vận hành các đường dây 500kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây – Tân Định; Nâng công suất trạm 500kV Phú Lâm lên 2x900MVA, đường dây 220kV Vĩnh Long – Trà Vinh, trạm 220kV Trà Vinh đã tạo mạch vòng 500kV an toàn cấp điện cho TP HCM và các vùng phụ cận cũng như hoàn thành đưa lưới điện truyền tải về đến tỉnh cuối cùng trên địa bàn miền Nam – mà nổi bât là đã hoàn thành chiến dịch 55 ngày đêm cải tạo đoạn đường dây 500kV mạch 2 trên địa bàn TP HCM, tạo điều kiện rất lớn cho tiến độ công trình đường dây 500kV mạch 3 Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông.
 
Đường dây xây nên sáng kiến

Ông Nguyễn Đức Tuyển, GĐ Ban quản lý các công trình điện miền Trung - đại diện chủ đầu tư xây dựng công trình cho biết, đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông có 14,7km đi qua địa bàn huyện Củ Chi của TP HCM. Do quỹ đất có hạn, cùng với đó là những khó khăn trong công tác đền bù GPMB và vốn… vì vậy, để có thể đẩy nhanh tiến độ của công trình, đảm bảo có thể hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối tháng 4/2014 kịp thời cung cấp điện cho miền Nam, ngành điện đã đưa ra sáng kiến: gom 2 đoạn đường dây 500kV Đăk Nông-Phú Lâm và Tân Định-Phú Lâm đang chạy song song chuyển vào đi chung cột để nhường hành lang tuyến cho đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông đoạn đi qua địa bàn huyện Củ Chi. Và, cùng với 17 vị trí cột được xây dựng mới hoàn toàn thì chiều dài 7,51 km của 2 đoạn tuyến đường dây 500kV này cũng đồng thời được thay mới. Điều này sẽ không chỉ tiết kiệm được hành lang tuyến cho đường dây 500kV mạch 3, mà các đường dây 500kV hiện hữu (mạch 1 được xây dựng từ năm 1994 và mạch 2 được xây dựng từ năm 2004) cũng đã được nâng cấp để trở thành 1 đường dây 500kV mạch kép mới hoàn toàn, đảm bảo an toàn cung cấp điện.
 
Trong quá trình xây dựng đường dây 500kV mạch 3 mới hoàn toàn, cũng đồng thời phải nâng cấp đồng bộ các tuyến đường dây và TBA hiện hữu cho phù hợp. Theo kế hoạch, Dự án “Nâng dung lượng tụ bù dọc đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh” từ 1000A lên 2000A sẽ là dự án cuối cùng trong tổng thể kế hoạch nâng cấp đồng bộ lưới truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam và sẽ được triển khai và hoàn thành trong năm 2014. Xác định phụ tải điện miền Nam sẽ tăng cao những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, trong khi đó, tình trạng vận hành 2 mạch của đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng vẫn rất căng thẳng. Nếu không có giải pháp nâng cao khả năng truyền tải đoạn Nho Quan-Hà Tĩnh thì sẽ hạn chế khả năng truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam. Vì vậy, để kịp thời cung cấp điện cho miền Nam ngay từ đầu mùa khô 2014, một phương án đã được ngành điện tính đến, mà theo ông Trần Quốc Lẫm là cho nhiều lợi ích thiết thực trong thời gian chờ đợi việc nâng cấp đồng bộ vào cuối năm 2014 đó là thay thế dàn tụ bù 1500A đã được tháo ra từ trạm 500kV Di Linh và Tân Định để nâng cấp tạm thời cho TBA Nho Quan và Hà Tĩnh. Từ trước đến nay, việc cài đặt thông số điều khiển, bảo vệ nội bộ các tụ bù 500kV và thí nghiệm hiệu chỉnh đều phải thuê chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi mời các chuyên gia của SIMEN và ABB là những hãng cung cấp thiết bị điện lớn đã không đảm bảo được về thời gian, Theo tính toán, nếu có chuyên gia nước ngoài làm thì phải đến quý 1 sang năm dự án mới có thể thực hiện được, EVNNPT  đã giao cán bộ kỹ thuật của Công ty truyền tải điện 1 (PTC1) tự thi công lắp đặt thí nghiệm hiệu chỉnh và đã thành công, tiết kiệm trước mắt chi phí thuê chuyên gia hơn 10 tỷ đồng. Nhưng cái được hơn cả, ngoài việc truyền tải thêm được một lượng lớn công suất điện từ Bắc vào Nam, việc lần đầu tiên các cán bộ, kỹ sư trong nước lắp đặt, đấu nối, thí nghiệm, hiệu chỉnh và hoàn thiện công trình nâng dung lượng tụ bù dọc tại Trạm 500 kV Nho Quan đã khẳng định trình độ năng lực của ngành truyền tải điện đang từng bước làm chủ công nghệ thiết bị hiện đại trên lưới điện cao áp.

Và chạy đua tiến độ
 
Với một tinh thần làm việc rất khẩn trương, toàn bộ lực lượng của Công ty xây lắp điện 2 cao điểm lên tới gần 700 người túc trực trên công trường thi công cao điểm 55 ngày đêm để nâng cấp 2 mạch đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, hoàn thành 14,7km hành lang tuyến cho đường dây 500kV mạch 3 đoạn đi qua địa phận Củ Chi.

Chỉ còn chưa đầy 4 tháng công trình đường dây 500kV mạch 3 Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông phải hoàn thành, đóng điện. Theo như ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc BQL các công trình điện miền Trung (AMT)  thì chưa có công trình nào lại có tiến độ GPMB nhanh và thuận lợi, được hầu hết người dân ủng hộ như ở công trình 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông. Hơn 437km đường dây đi qua địa phận 6 tỉnh thành phố, với 926 móng trụ, hiện đã giải tỏa và bàn giao được 918 móng trụ. Chỉ còn 8 móng trụ chưa được bàn giao liên quan đến cơ chế đền bù, thỏa thuận. Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn, phức tạp. Chỉ còn 8 móng trụ, số lượng ít, nhưng dù chỉ còn một hộ dân làm khó thì cũng sẽ đẩy lùi tiến độ của công trình. Bởi nhìn từ thực tế triển khai 55 ngày thi công trên địa bàn huyện Củ Chi, trong khi hàng nghìn hộ dân ủng hộ sớm đồng ý với phương án đền bù của nhà nước, nhưng công trình vẫn bị ảnh hưởng khi chỉ 1 vài hộ dân chưa thông. Ông Nguyễn Hữu Ý - PGĐ Công ty Xây lắp điện 2 cho biết, hiện nay ở nhiều đoạn tuyến, công nhân vẫn phải nghỉ chờ việc vì chưa có mặt bằng. Điều này cũng đồng nghĩa, để đảm bảo tiến độ, Tết này công trường sẽ có nhiều công nhân phải làm tăng ca tăng kíp. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho dự án này, trong đó, phải kể đến việc chỉ đạo thu xếp vốn và giải phóng mặt bằng. Nhưng, những khó khăn hiện tại trong công tác giải phóng mặt bằng không chỉ gây lo ngại về tiến độ công trình, mà còn khiến rất nhiều công nhân thi công trên công trường chắc chắn sẽ vất vả hơn trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, thời gian không thể kéo dài hơn kế hoạch đã định. Nếu như nhận được sự đồng thuận sớm hơn, thì người lao động cũng sẽ giảm bớt được áp lực khi phải dồn khối lượng công việc, công trình cũng sẽ đẩy nhanh được tiến độ thi công. Và chắc chắn, Tết này, dẫu có phải làm việc, không khí trên công trường chắc hẳn cũng sẽ vui hơn...
 
Theo: EVNNPT