Công ty hóa chất ở Đức. (Ảnh: Reuters)
Kế hoạch bán đấu giá sớm nêu trên đã được giới chức các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu thống nhất triển khai. Việc bán đấu giá tín chỉ carbon dự kiến giúp huy động khoảng 20 tỷ euro từ thị trường carbon của EU. Trong bối cảnh EU đang nỗ lực đạt các mục tiêu tham vọng về khí hậu, trong đó có mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990, thị trường carbon của EU càng trở nên sôi động.
Giá giấy phép phát thải carbon của EU trong tháng 2 vừa qua đã lần đầu vượt mức 100 euro/tấn, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán tín chỉ cho các công ty phát thải lượng lớn CO2.
Giới chức EU nhấn mạnh, việc bán tín chỉ carbon cho phép EU đáp ứng các mục tiêu về khí hậu trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đồng thời bảo đảm hỗ trợ hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương.
Thị trường carbon hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải mua giấy phép để phát thải CO2, từ đó tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch. Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp thực hiện tốt việc giảm phát thải và không sử dụng hết lượng tín chỉ thì có thể giữ lại tín chỉ để đáp ứng nhu cầu trong tương lai hoặc thu lợi từ việc bán cho các doanh nghiệp khác. Nhờ hoạt động theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền cho nên thị trường carbon đã góp phần quan trọng giúp nhiều quốc gia giảm lượng khí thải hằng năm và hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Được chính thức ra mắt vào năm 2005, thị trường carbon, hay còn gọi là Chương trình giao dịch khí thải (ETS) của EU hiện là thị trường mua bán phát thải lớn nhất thế giới, buộc hơn 10.000 nhà sản xuất, công ty năng lượng và hãng hàng không có các đường bay ở châu Âu trả tiền cho mỗi tấn CO2 mà các công ty này thải ra. Lượng phát thải trao đổi trên thị trường hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải của EU. Vì vậy, thị trường carbon được coi là công cụ quan trọng của EU nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và sau này là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Giới phân tích nhận định, EU đang gánh chịu những hậu quả ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại kinh tế hơn 145 tỷ euro cho EU trong thập niên qua. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng, mức thiệt hại này đã tăng gần 2% hằng năm. Những con số thiệt hại nghiêm trọng nêu trên được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa nếu các nước không mạnh tay cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong bối cảnh đó, thị trường carbon, vốn được xem là vũ khí chủ chốt của khối trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, càng cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh, thị trường mua bán tín chỉ carbon cần được kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh carbon đơn thuần mà không mang lại hiệu quả cho nỗ lực bảo vệ môi trường.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) công bố báo cáo cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại kinh tế hơn 145 tỷ euro cho EU trong thập niên qua. Dữ liệu cũng chỉ ra rằng, mức thiệt hại này đã tăng gần 2% hằng năm. Những con số thiệt hại nghiêm trọng nêu trên được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa nếu các nước không mạnh tay cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
EEA cảnh báo, từ nay đến năm 2030, EU cần nỗ lực gấp đôi so với giai đoạn 1990-2020 thì mới có thể “cán đích” giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong bối cảnh đó, thúc đẩy thị trường carbon phát triển đúng hướng là một trong những chìa khóa quan trọng để EU hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu.
Link gốc