Bên trong nhà máy điện than Giang Du, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Ảnh: CNN.
Theo trang tin CNN, một báo cáo mới đây cho thấy Chính phủ Trung Quốc vẫn liên tiếp triển khai xây dựng những nhà máy điện than, bất chấp lời hứa về việc cắt giảm carbon trước đó.
Cụ thể, nước này trong năm 2022 đã triển khai xây dựng tới 82 nhà máy điện than có công suất 106 GW, gấp đôi con số của năm 2021 và xác lập kỷ lục cao nhất kể từ 2015.
Nhận xét về điều này, bà Flora Champenois, chuyên gia phân tích tại Cơ quan Giám sát Năng lượng toàn cầu (GEM), cho biết: "Trung Quốc tiếp tục là một ngoại lệ rõ ràng khi cả thế giới đang hạn chế sử dụng điện than".
Chưa thể dừng phụ thuộc điện than
Theo bà Champenois, tốc độ tiến triển của các dự án nhà máy điện ở Trung Quốc vào năm 2022 rất phi thường. Tính từ thời điểm xin giấy phép, huy động tài chính đến khi khởi công xây dựng chỉ diễn ra trong vài tháng.
Hiện tại, lượng khí thải của Trung Quốc đang cao gấp đôi Mỹ, bất chấp việc các nhà lãnh đạo nước này luôn tuyên bố sẽ cắt giảm lượng carbon.
Và hiển nhiên Trung Quốc hiện tại không thể cắt giảm carbon do sự phụ thuộc vào than đá quá lớn. Năm ngoái, quốc gia tỷ dân đã gánh chịu một đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, giáng một đòn mạnh vào các nhà máy thủy điện và khiến họ phải chuyển sang sử dụng than đá để sản xuất.
Nếu quay ngược về năm 2021, tình hình nước này lúc đó cũng không khá hơn. Ban đầu, Bắc Kinh đã đóng cửa hàng trăm mỏ than và yêu cầu số còn lại cắt giảm sản lượng, tuy nhiên, tình trạng thiếu điện trên toàn quốc đã khiến chính phủ phải gỡ bỏ hạn chế và "ra lệnh cho các nhà máy sản xuất càng nhiều than càng tốt".
Ngoài ra, theo tác giả báo cáo, việc tăng sử dụng than đá sẽ không sớm kết thúc khi các hoạt động sản xuất và tiêu thụ tại Trung Quốc đã trở lại bình thường sau chiến dịch Zero-Covid. Đồng thời, việc phát triển năng lượng tái tạo của nước này vẫn chưa đủ để bù đắp cho điện than.
Được biết, Trung Quốc đã cho xây dựng thêm 2 nhà máy điện mặt trời và điện gió với công suất 125 GW vào năm ngoái, tương đương 2% nhu cầu cả nước. Dù mục tiêu đó sẽ còn cao hơn trong năm nay, mức sản lượng này là quá ít nếu từ bỏ năng lượng hóa thạch.
Để thực sự cắt giảm lượng khí thải carbon, chính phủ Trung Quốc sẽ phải loại bỏ dần các nhà máy điện than thay vì tiếp tục phát triển. Và điều này sẽ rất khó khăn vì các chủ sở hữu nhà máy cũng muốn bảo vệ tài sản của mình.
Mục tiêu trung hòa carbon còn xa vời
Hiện tại, Trung Quốc và Mỹ là 2 quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới với lượng khí thải của Trung Quốc tăng gần 3 lần trong 3 thập kỷ qua.
Dù Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình - đã tuyên bố sẽ tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc vẫn đang làm ngược lại với những gì đã hứa. Theo giới nghiên cứu, những hành động mang tính can thiệp của giới chức Trung Quốc chỉ là bề nổi và không hề quyết đoán.
Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu giảm phát thải nhưng chưa có hành động rõ ràng. Ảnh: Xu congjun.
Ví dụ, chính phủ nước này đã đưa ra kế hoạch cắt giảm nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021 nhưng lại không công bố mục tiêu cắt giảm. Cuối năm đó, kế hoạch này nhận về nhiều sự lên án từ các nhà lãnh đạo thế giới khác khi họ kỳ vọng vào những điều rõ ràng hơn.
Ngay cả ông Tập cũng trở nên dịu giọng hơn khi đối mặt với tình trạng mất điện triền miên trên cả nước, khiến các nhà máy phải đóng cửa và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đầu năm 2022, nhà lãnh đạo này thậm chí còn thừa nhận "không thể vừa phát triển công nghiệp vừa đặt mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian ngắn".
Ngoài ra, các nỗ lực về giảm phát thải carbon của nước này cũng bị cản trở bởi những xung đột địa chính trị. Được biết, Trung Quốc năm ngoái đã đình chỉ toàn bộ các cuộc đàm phán về khí hậu với Mỹ để đáp trả chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan.
Link gốc