Công nhân Điện lực Bình Thuận kiểm tra hệ thống điện chong đèn thanh long.
Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVN SPC, cho biết nhằm từng bước thay thế đèn hiệu suất thấp bằng đèn hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chong đèn thanh long nói riêng, EVN SPC đã triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay thế 2 triệu bóng đèn sợi đốt (giai đoạn 2014 - 2016) tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Đến cuối năm 2018, đề án đã mang lại những hiệu quả rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Những con số ấn tượng
Theo ông Đức, trước khi đề án được triển khai tại 45.000 hộ trồng thanh long thì số lượng đèn sợi đốt được sử dụng là 6.253.979 bóng (chiếm tỷ lệ 56,98%) và đèn compact 4.722.779 bóng (43,02%). Sau khi triển khai đề án, số đèn sợi đốt giảm còn 4.111.540 bóng (tương đương 18,48%) và đèn compact 18.137.570 bóng (tương đương 81,52%). Đến cuối năm 2018, số đèn sợi đốt dùng chong đèn cho thanh long giảm còn 3.935.000 bóng (10%) và đèn compact tăng lên 35.410.305 bóng (chiếm tỷ lệ 90%).
Theo đánh giá của EVN SPC, đề án hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt đã mang lại những hiệu quả rất lớn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Cụ thể, đối với người trồng thanh long, từ tác động của đề án, giá đèn compact trên thị trường hiện nay giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/bóng. Nếu tính 17 triệu đèn compact sau chương trình đến nay với mức giảm 8.000 đồng thì người dân được lợi từ việc giảm giá hơn 136 tỉ đồng. Tiền điện tiết kiệm được khi thay đổi đèn sợi đốt bằng đèn compact cho 20 triệu đèn (chỉ tính số đèn do thay đổi tỷ trọng đèn compact chong thanh long trước khi đề án hỗ trợ và số liệu tính đến 31.12.2018) là 792 tỉ đồng.
Tiết kiệm tiền điện theo tuổi thọ của bóng đèn (4.000 giờ, tính bình quân bằng 70% so với công bố của nhà sản xuất) 3.200 GWh, tương ứng với giá trị 4.800 tỉ đồng. Đối với ngành điện, đề án trên giúp giảm công suất đỉnh của hệ thống 560 MW, không phải đầu tư nguồn và lưới điện, nếu tính giá trị đầu tư bình quân khoảng 1 triệu USD/1 MW thì giảm hoặc giản đầu tư công trình điện với giá trị tương đương 560 triệu USD; tính riêng do giãn tiến độ đầu tư trạm 110KV và đường dây 22KV thì giá trị tiết kiệm do giãn thời gian đầu tư khoảng 115 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, về mặt môi trường, đề án giúp cắt giảm 1.792.000 tấn CO2, góp phần bảo vệ môi trường. Về mặt xã hội, đề án giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả và nâng cao hình ảnh của ngành điện.
Vận động nông dân dùng toàn bộ đèn Compact 20W
Ông Đức cho biết từ hiệu quả nêu trên của đề án, năm 2018 EVN SPC đã phối hợp Viên cây ăn quả miền Nam, Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới thí điểm mô hình nghiên cứu đèn LED (5,5W) chong thanh long trái vụ.
Tháng 8.2018, mô hình được kiểm điểm kết quả thí điểm giai đoạn 1 là đèn LED đạt 70 - 80% hiệu quả nông học so với đèn compact. Từ tháng 11.2018 - 3.2019 triển khai 3 mô hình thí điểm tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang với loại đèn LED đã được hiệu chỉnh các thông số kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả nông học cho cây thanh long, dự kiến tháng 4.2019 sẽ đánh giá kết quả giai đoạn.
Trong năm 2019, EVN SPC tiếp tục triển khai đến các đơn vị trực thuộc vận động nông dân trồng thanh long thay thế toàn bộ đèn có công suất từ 60W trở lên bằng đèn compact 20W. Theo đó, EVN SPC sẽ hỗ trợ nông dân 10.000 đồng/bóng đèn compact 20W được đổi từ chương trình (tương tự hình thức hỗ trợ trong giai đoạn 2014 - 2016).
Dự kiến đến 31.12.2019 có 500.000 đèn công suất 40W - 60 W được thay thế bằng đèn compact 20W với kinh phí khoảng 5 tỉ đồng do EVN SPC hỗ trợ.