EVN SPC tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh điện

Thứ sáu, 28/4/2017 | 08:02 GMT+7
Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào các khâu quản lý, kỹ thuật vận hành hệ thống điện đáp ứng yêu cầu kinh doanh điện và phục vụ khách hàng.
 
Vệ sinh cách điện bằng thiết bị nước áp lực cao tại trạm biến áp 110kV Mũi Né, Bình Thuận.
 
EVN SPC cho biết, hệ thống điện thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố môi trường. Đặc biệt trên địa bàn quản lý của tổng công ty có nhiều tỉnh, thành ven biển, mức độ nhiễm mặn cao nên thường xảy ra hiện tượng phóng điện bề mặt cách điện, gây mất an toàn hệ thống điện. Trước đây, để giải quyết tình trạng nhiễm bẩn và nhiễm mặn sứ cách điện, giải pháp là cắt điện đường dây để vệ sinh sứ, thay xà đỡ composite…
 
Cách làm này tốn kém chi phí và mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, việc cắt điện để sửa chữa làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Để khắc phục tình trạng này, EVN SPC đã triển khai công nghệ vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao không cắt điện bằng việc đầu tư hàng trăm bị bộ thiết bị vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao cho 21 công ty điện lực và công ty lưới điện cao thế miền Nam.
 
Công nghệ vệ sinh cách điện hotline bằng nước áp lực cao giúp vệ sinh thiết bị, cách điện các trạm biến áp 110 kV và đường dây 22kV dễ dàng mà không cần phải cắt điện, làm giảm sự cố điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đồng thời tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí.
 
Trên lưới điện trung thế điện áp thường xuyên thay đổi do nhu cầu phụ tải tăng giảm theo từng thời điểm. Để khắc phục tình trạng này và nhằm nâng cao độ ổn định và cung cấp chất lượng điện tốt nhất cho khách hàng, nhất là khách hàng công nghiệp tổng công ty và các điện lực tăng cường áp dụng công nghệ bù ứng động theo “Var” (bù theo công suất phản kháng) trên lưới điện trung thế.
 
Tại Công ty Điện lực Hậu Giang quản lý 47 giàn tụ bù trung thế với tổng dung lượng là 22,2 MVAr. Trong đó có 19 giàn bù ứng động với tổng dung lượng là 10,2 MVAr. Riêng bù ứng động theo Var có 9 giàn bù với tổng dung lượng 5,1 MVAr, chủ yếu lắp bù cho các khu công nghiệp.
 
Trước đây đề bù trên lưới điện trung thế chủ yếu dựa vào 2 phương thức chính là bù cố định và bù ứng động theo thời gian với ưu tiên điện áp. Qua nhiều năm theo dõi vận hành bù trên lưới điện, phương thức bù cố định chỉ phát huy tác dụng vào giờ cao điểm của phụ tải, còn vào giờ thấp điểm thường gây ra hiện tượng bù dư, làm giảm tuổi thọ dây dẫn, cách điện, tăng tổn thất điện năng, giảm hệ số cos(φ). Đối với phương thức bù ứng động theo thời gian cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả cao đối với tải khu công nghiệp do phụ tải thường xuyên thay đổi với biên độ lớn về công suất và có sử dụng thiết bị bảo vệ được cài đặt độ nhạy cao. Tuy nhiên, phương thức này lại hiệu quả đối với khu vực tải sinh hoạt.
 
Từ thực tế trên, Công ty Điện lực Hậu Giang nghiên cứu, ứng dụng công tác bù trên lưới điện trung thế, đặc biệt bù ứng động trên lưới điện trung thế theo Var đã mang lại hiệu quả cao. Phương thức bù theo Var với ưu tiên điện áp đã được triển khai trên một số phát tuyến có tải công nghiệp cho thấy hiện tượng sụt áp, bù dư đã được cải thiện rõ rệt, cung cấp chất lượng điện năng tốt nhất cho các khách hàng công nghiệp an tâm sản xuất.
 
Ứng dụng thiết bị định vị sự cố đường dây trung thế để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố trên đường dây, tái lập cung cấp điện cho khách hàng trong thời gian ngắn nhất luôn được EVN SPC quan tâm. Tổng công ty đã đưa vào sử dụng thiết bị định vị sự cố đường dây trung thế tại các điện lực.
 
Tại PC Bình Thuận bộ thiết bị định vị sự cố được lắp đặt trên toàn bộ lưới điện của công ty. Với các thiết bị này các sự cố trên lưới điện trung thế 3 pha gồm sự cố vĩnh cửu và thoáng qua, người quản lý vận hành dễ dàng khoanh vùng và xác định khu vực, tuyến, nhánh sự cố một cách nhanh chóng để tiến hành khắc phục sự cố kịp thời. Từ đó, rút ngắn thời gian khắc phục sự cố, giảm thời gian mất điện, và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
 
EVN SPC cũng đã tích cực triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý lưới điện hạ áp. GIS thực hiện các giải pháp kỹ thuật như: Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quản lý lưới điện hạ áp ứng dụng công nghệ GIS, tích hợp vào chương trình CRM để làm cơ sở hoạt động tư vấn, chăm sóc khách hàng sử dụng điện,…
 
Đưa hệ thống GIS vào lưới điện hạ áp không chỉ hỗ trợ điện lực trong công tác quản lý thông tin địa lý lưới điện hạ áp mà còn mang đến nhiều thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện. Thông qua công tác tư vấn chăm sóc khách hàng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhân viên trung tâm chăm sóc khách hàng và nhân viên điện lực thông qua hệ thống GIS, khách hàng sử dụng điện được đáp ứng nhu cầu trong thời gian sớm nhất về giải quyết các sự cố, cung cấp dịch vụ sửa chữa, gắn mới, tư vấn giải đáp kịp thời mọi thông tin liên quan đến lịch cắt điện và các dịch vụ điện hạ áp khác… 
Theo: Báo Công thương