Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 sử dụng thiết bị bay kiểm tra đường dây và trạm tại trạm biến 500kV Duyên Hải. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Và đặc biệt là việc đảm bảo điện thông suốt, an toàn tuyệt đối tại các bệnh viện, cơ sở y tế khám chữa bệnh, khu cách ly phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Để đáp ứng yêu cầu này, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng hộ, đảm bảo nguồn nhân lực không nhiễm dịch bệnh, ngành điện đã tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia.
Với mục tiêu đến năm 2020, khoa học và công nghệ của ngành điện phải đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 khoa học và công nghệ trong lĩnh vực điện đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp, trong những năm qua, ngành điện đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong đầu tư và quản lý, vận hành hệ thống điện quốc gia. Nhờ vào việc đổi mới công nghệ, thiết bị, tiếp nhận, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài trong phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực… đã góp phần tích cực nâng cao năng lực hệ thống điện, nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện cũng như các dịch vụ về điện. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay.
Tại Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia - nơi điều khiển hệ thống điện toàn quốc, nhờ việc liên tục cập nhật, đầu tư công nghệ hiện đại và đưa vào vận hành hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tại đây cũng như ba trung tâm điều độ tại ba miền (Bắc - Trung - Nam) đã giúp cho việc vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả và tin cậy.
Mặc dù vậy, Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia cũng đã sẵn sàng các phương án vận hành để đảm bảo trong cả tình huống giả định xấu nhất xảy ra - nếu Tòa nhà EVN (tại quận Ba Đình, Hà Nội) - nơi điều khiển hệ thống điện toàn quốc phải cách ly/phong tỏa do dịch bệnh COVID-19. Khi đó, một Trung tâm Điều độ hệ thống điện dự phòng (được đặt tại Tòa nhà 18 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội) ngay lập tức được hoạt động, sẽ kích hoạt giải pháp phân lớp truy cập mạng theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo thông tin điều hành, trao đổi công việc từ xa kịp thời và thông suốt.
Ông Vũ Xuân Khu - PGĐ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, cho biết các kịch bản cũng như phương thức vận hành hệ thống điện cụ thể theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. "Hiện nay ở Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia có các bộ phận như trực ca của điều độ, trực ca của thị trường, trực ca của công nghệ và một phần nữa là trực ca của phương thức. 4 bộ phận này chúng tôi đang xây dựng triển khai đồng bộ luôn cho cả các Trung tâm điều độ miền nữa và bố trí các cặp đi ca. Các cặp này khi có mệnh lệnh của lãnh đạo Trung tâm ví dụ như tại 11 Cửa Bắc phải cách ly thì các nhân sự này phải sẵn sàng lên Trung tâm ăn nghỉ và làm việc. Kịch bản thứ 2 – nặng hơn, ví dụ trong trường hợp Tòa nhà 11 Cửa Bắc này mà có vấn đề gì thì chúng tôi sẵn sàng 1 lực lượng khác sang tòa nhà 18 Trần Nguyên Hãn để điều hành.. Còn lại các lực lượng khác chúng tôi bố trí làm việc tại nhà theo phương án từ xa, và các cuộc họp vẫn diễn ra thường xuyên nhưng theo hình thức ZOOM - online từ xa và các nhân sự ở nhà thì luôn có kết nối để điều hành công việc".
Một lĩnh vực vô cùng quan trọng của ngành điện - với vai trò xương sống của hệ thống lưới điện Việt Nam đó là hệ thống truyền tải điện quốc gia, đặc biệt lưới điện 500kV quốc gia được Chính phủ quyết định là công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia. Xác định tầm quan trọng trong việc đảm bảo điện an toàn, liên tục, thông suốt cho đất nước, ông Nguyễn Tuấn Tùng - TGĐ Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia yêu cầu “hệ thống truyền tải điện phải được đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn, nhất là đối với những khu vực cấp điện cho các bệnh viện, các trung tâm kiểm soát dịch bệnh; các dự án đầu tư trọng điểm cần được tiếp tục hoàn thành đúng tiến độ để nâng cao độ an toàn cho toàn hệ thống.
Nhờ vào việc đẩy mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera giám sát, chương trình giám sát máy biến áp (MBA) vào quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, giám sát vận hành đường dây và trạm biến áp (TBA) thời gian qua, các đơn vị Truyền tải điện đã phát huy kịp thời các tác dụng của thiết bị để ứng dụng trong tình hình thực tế.
Ông Trần Thanh Phong - Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 2 (PTC2) cho biết, ngoài việc đảm bảo an toàn cho công nhân, đơn vị đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để điều hành, xử lý công việc trong bối cảnh dịch bệnh, như sử dụng thiết bị bay phun thuốc khử khuẩn mang tên rồng lửa 2 - phiên bản rồng y tế do chính các kỹ sư của công ty chế tạo để phòng chống dịch COVID-19 tại các trạm biến áp 500kV và 220kV do đơn vị quản lý, vận hành.
"Đối với công trình có thể làm việc được từ xa, công ty đã áp dụng các giải pháp về CNTT để làm việc online, hội họp thông qua các phần mềm ứng dụng CNTT; Thứ 2 là lập ra các nhóm nhỏ ở công trường như zalo, viber để điều hành trực tiếp trên công trường; Thứ 3 là ứng dụng các công nghệ khác vào trong công việc, ví dụ như dùng các thiết bị bay để xử lý phun thuốc sát khuẩn cho các TBA, các vị trí công tác, trụ sở làm việc mà các phương tiện thủ công không thể tiếp cận; Hoặc là xử lý các con diều, trong dịch COVID-19 này thì người dân sống gần đường dây ra thả diều rất nhiều và vướng mắc vào đường dây đe dọa đến an toàn cho đường dây cũng như con người".
Ngoài việc đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn thông suốt thì việc đảm bảo các dịch vụ điện tiện ích đến người sử dụng điện trong bối cảnh dịch bệnh cũng không kém phần quan trọng. Với ưu thế toàn bộ 12/12 dịch vụ điện của EVN (đạt tiêu chuẩn cấp độ 4) được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ cuối năm 2019, người dân và các tổ chức có thể truy cập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại tên miền http://dichvucong.gov.vn để thanh toán tiền tiền điện cũng như đăng ký sử dụng các dịch vụ điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, "đồng hành cùng khách hàng trong quá trình sử dụng điện, EVN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tiết kiệm điện, tư vấn sử dụng điện hiệu quả, đồng thời, phát triển các công cụ, nền tảng công nghệ (EVNSOLAR) để hỗ trợ khách hàng và các bên liên quan thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái… Cùng đó, trên nền tảng ứng dụng công nghệ đã đạt được, EVN sẽ tiếp tục ứng dụng "số hóa các hoạt động KD&DVKH" để "điện tử hóa giao dịch giữa EVN và khách hàng"; “cá nhân hóa công tác chăm sóc đến từng khách hàng” theo hướng tạo ra trải nghiệm khách hàng, tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho khách hàng. Chúng tôi cũng xem xét việc phân tích dữ liệu để cá nhân hóa dịch vụ khách hàng, nâng cao chất lượng chăm sóc người sử dụng điện".
Được biết, EVN cũng đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục dịch vụ điện, tiếp tục cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, tạo nên môi trường thuận lợi hơn cho khách hàng sử dụng điện và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.