EVNCPC: Ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý vận hành lưới điện

Thứ bảy, 17/6/2017 | 15:39 GMT+7
Hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) là một công cụ hữu ích trong việc tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu gắn kết với bản đồ nhằm phân tích dữ liệu không gian và quản lý dữ liệu thuộc tính. 

Các mô hình công nghệ trong GIS.
 
Việc áp dụng hệ thống GIS vào công tác quản lý vận hành lưới điện sẽ giúp đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và vận hành hệ thống điện, bắt kịp với xu thế hiện đại hóa ngành Điện.
 
Định hướng phát triển GIS trong công tác quản lý vận hành lưới điện
 
Trong chiến lược phát triển công nghệ điện lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2015 định hướng đến năm 2025, ban hành tháng 12/2008, có định hướng “Nghiên cứu triển khai hệ thống SCADA lưới phân phối, từng bước áp dụng công nghệ tự động hóa quản lý lưới điện phân phối (DAS) và quản lý lưới điện và khách hàng theo địa lý (GIS-Geographic Information System – Hệ thống thông tin địa lý). Tổng công ty Điện lực miền Trung cũng đã có quyết định số 1795/QĐ-EVN CPC ngày 24/04/2013 về việc phê duyệt lộ trình phát triển Lưới điện thông minh của EVNCPC. Với những mục tiêu của việc xây dựng lưới điện thông minh trong đó bao gồm tăng hiệu quả trong quản lý và sử dụng năng lượng điện, thì việc tích hợp hệ thống GIS trong hệ thống Công nghệ thông tin là một yêu cầu cấp thiết.
 
Có thể nói, hệ thống lưới điện thông minh có thể thông minh hơn với những giải pháp đằng sau nó, đó chính là các giải pháp quản lý, giám sát và kiểm soát lưới điện, và GIS chính là nền tảng cho sự thành công của các giải pháp này. Bên cạnh đó, GIS cũng hỗ trợ tích cực việc vận hành lưới điện như quản lý thiết bị, quản lý hành lang an toàn lưới điện, khắc phục nhanh sự cố mất điện, tính toán tổn thất điện năng, dự báo nhu cầu sử dụng, quản lý khách hàng…
 
Bởi công nghệ GIS có thể phối hợp với các công nghệ của lưới điện thông minh chẳng hạn như cảm biến tiên tiến, công tơ điện tử thông minh, thiết bị của hệ thống năng lượng, năng lượng tái tạo... để tạo nên một mô hình vững chắc bao gồm tất cả các tài sản của lưới điện, có các thuộc tính và các mối quan hệ lẫn nhau cũng như mối quan hệ với khách hàng, với các hệ thống viễn thông, cùng với các quy trình và thủ tục đảm bảo dữ liệu GIS cung cấp kịp thời cho lưới điện thông minh, sẽ đưa ra được những quyết định tự động dựa trên các thông tin được phân tích chính xác. GIS chắc chắn sẽ góp phần vào sự chuyển đổi của lưới điện từ một phần lớn hệ thống thụ động và không tương tác thành một hệ thống thông minh, có thể giao tiếp với người tiêu dùng và các thiết bị tiêu dùng.
 
Các mô hình, mức độ ứng dụng công nghệ GIS
 
Hiện nay, xét về quy mô cũng như kiến trúc hệ thống, xu hướng ứng dụng công nghệ GIS đang chia làm 04 mô hình, 04 mức độ ứng dụng công nghệ khác nhau:
 
- Mức độ 1: Mô hình GIS truyền thống: Việc ứng dụng, triển khai GIS ở quy mô vừa hoặc nhỏ. Trong mô hình này, dữ liệu thường được tập trung tại một nơi, không có khả năng chia sẻ, khai thác, biên tập đồng thời cho nhiều người dùng trên cùng một dữ liệu.
 
- Mức độ 2: Mô hình GIS tập trung: Việc ứng dụng, triển khai GIS ở mức đa người dùng. Mô hình này cho phép nhiều người đồng thời cùng biên tập, chia sẻ trên cùng một dữ liệu.
 
- Mức độ 3: Mô hình GIS chia sẻ trực tuyến: Cho phép triển khai dựa trên các công nghệ khác nhau, khai thác ứng dụng đa nền tảng, đa thiết bị thông qua cổng thông tin tập trung.
 
- Mức độ 4: Mô hình kiến trúc dịch vụ: Đây là mô hình hoàn thiện nhất với đầy đủ tính năng, cho phép tích hợp các phân hệ khác nhau thành một thể thống nhất. Mô hình này cho phép khai thác thông tin một cách nhanh chóng thông qua các dịch vụ theo thời gian thực.
 
Để có thể triển khai thành công việc ứng dụng GIS trong công tác quản lý vận hành lưới điện, đòi hỏi phải có kế hoạch xây dựng và đầu tư công nghệ theo lần lượt từng mô hình, từ mức độ thấp đến mức độ cao nhất. Đây cũng chính là chủ trương đúng đắn, quyết tâm cao độ mà Tổng Công ty đã đề ra.
 
Lời kết
 
Ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý vận hành lưới điện với cung cấp một công cụ trực quan nhằm phục vụ công tác quản lý, vận hành hệ thống điện một cách khoa học, nhanh gọn, chặt chẽ, linh hoạt, đảm bảo an toàn, liên tục với chế độ vận hành tối ưu; đồng thời cũng sử dụng cho các nhiệm vụ khác như quy hoạch và phát triển lưới điện...
 
Việc ứng dụng công nghệ GIS vào việc quản lý và vận hành lưới điện phân phối nhằm đem lại hiệu quả cao trong vận hành sản xuất, bắt kịp với xu thế hiện đại hóa ngành Điện.
Theo: CPC