Tin trong nước

EVN kiến nghị nhiều nội dung tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Ninh Bình

Thứ bảy, 19/11/2022 | 10:42 GMT+7
Ngày 18/11, tại Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và định hướng phát triển trong thời gian tới.
 

Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
 
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Ninh Bình.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc Tập đoàn.
 
Tại buổi làm việc, trước ý kiến của tỉnh Ninh Bình về việc dừng vận hành Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Ninh Bình, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Trần Đình Nhân cho biết: NMNĐ Ninh Bình có quy mô 4x25MW, sản lượng bình quân 600 triệu kWh/năm, có vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc nói chung, tỉnh Ninh Bình và các tỉnh lân cận nói riêng. Việc dừng vận hành nhà máy sẽ gặp phải một số khó khăn như: Nhu cầu phụ tải phát triển mạnh trong khi quy mô nguồn bổ sung mới rất ít. NMNĐ Ninh Bình đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, trong đó, tỉ lệ cổ phần của Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3 – Công ty cổ phần) chiếm 54,76%, Công ty TNHH Năng lượng REE chiếm 29,45%, Quỹ America LLC (tổ chức nước ngoài) chiếm 5%, còn lại là các cổ đông lẻ khác.
 
Trong các năm gần đây, để đảm bảo các yêu cầu về môi trường, nâng cao hiệu suất và độ tin cậy trong vận hành, NMNĐ Ninh Bình đã liên tục được đầu tư, cải tạo và nâng cấp thiết bị với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng. Nhà máy hiện đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) thực hiện nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật chuyển đổi nhiên liệu (đốt kèm Biomass), sử dụng năng lượng sạch và bền vững.
 
Do đó, trong trường hợp dừng vận hành NMNĐ Ninh Bình thì thời điểm dừng cần phải được xem xét kỹ để đảm bảo cung cấp điện cho miền Bắc trong các năm tới, đảm bảo đời sống cho người lao động, quyền lợi của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang sở hữu cổ phần của tại Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình. 

Tổng giám đốc EVN - Trần Đình Nhân báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc.
 
EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và tỉnh Ninh Bình cho phép Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình nghiên cứu phát triển dự án điện khí LNG hoặc dự án năng lượng sạch tại vị trí khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, thay thế cho NMNĐ Ninh Bình.
 
Về kiến nghị di dời TBA 220kV Ninh Bình, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết: Ngày 27/05/2022, lãnh đạo EVN đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, theo đó để có thể di dời TBA 220kV Ninh Bình cần hoàn thành công tác đầu tư và đưa vào vận hành 2 trạm biến áp thay thế là TBA 220kV Gia Viễn và Tam Điệp cùng các đường dây đấu nối.
 
Các TBA 220kV Gia Viễn và Tam Điệp có trong Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tiến độ vận hành của TBA 220kV Tam Điệp trong giai đoạn 2026-2030, TBA 220kV Gia Viễn chưa có trong danh mục của Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đến nay, các TBA 220kV này đã được cập nhật vào dự thảo Quy hoạch điện VIII nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên EVN và các đơn vị thành viên chưa có đủ cơ sở để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án. Do đó, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để có căn cứ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nêu trên.
 
Ngoài ra, để đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Ninh Bình, EVN và các đơn vị trực thuộc đang đầu tư nhiều dự án lưới điện. Để đảm bảo tiến độ dự án, EVN kiến nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình và các văn bản phê duyệt điều chỉnh quy hoạch có liên quan.
 
Chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương hướng dẫn và hỗ trợ ngành Điện trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án lưới điện, đảm bảo mục tiêu tiến độ yêu cầu.
 
Bố trí quỹ đất cho các dự án điện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vào quy hoạch sử dụng đất hàng năm và công bố công khai; Tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho chủ đầu tư trong công tác bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đặc biệt đối với các công trình tại thành phố và các thị trấn, thị tứ trong tỉnh.
 
Chỉ đạo khách hàng sử dụng công suất lớn cung cấp thông tin định hướng phát triển không gian các hoạt động kinh tế - xã hội: tình hình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị dịch vụ, khu công nghệ cao, ... để ngành điện xây dựng các phương án, kịch bản đảm bảo cấp điện phù hợp các giai đoạn.
 
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về trách nhiệm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp; Ban hành chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, đặc biệt là các tuyến đường dây 110kV hiện hữu. Tiếp tục hỗ trợ ngành Điện trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện trên địa bàn.
 
Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng – Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả quan trọng mà lãnh đạo, nhân dân Ninh Bình đã đạt được; đóng góp tích cực vào kết quả chung của đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của Ninh Bình-vùng đất cố đô, địa linh nhân kiệt.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số hạn chế, khó khăn, thách thức đối với Ninh Bình. Quy mô kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực. Đô thị hóa thấp (dân số thành thị mới chiếm 21,5%, dân số nông thôn chiếm 78,5%).
 
Phát triển kinh tế-xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kinh tế biển và vùng sinh thái đồi núi phía Tây Nam chưa đươc khai thác hết. Thời gian tới, thời cơ, thuận lợi đang xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn thách thức lớn hơn.
 
Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Bình tập trung mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số, đặc biệt là Chỉ số PCI.
 
Về kiến nghị của tỉnh Ninh Bình liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình và di dời TBA 220kV Ninh Bình, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu các kiến nghị thực hiện theo lộ trình, đẩy nhanh tiến độ xây dựng TBA 220kV Gia Viễn và TBA 220kV Tam Điệp. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Ninh Bình làm việc với Công ty CP NĐ Ninh Bình để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cổ phần, đồng thời thực hiện theo Quy hoạch điện VIII sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lã Linh